Điều đó đồng nghĩa việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy học, giữ vững niềm tin của phụ huynh trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà trường. Xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” được lựa chọn như giải pháp tối ưu để toàn thể CB, GV, NV thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đặt ra.
Đặt học sinh làm trung tâm đổi mới
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giótcho biết: Từ đầu năm học mới, trường triển khai thí điểm việc chào và đón học sinh (HS) tới lớp với biểu tượng cảm xúc (HS lựa chọn biểu tượng ôm, nhảy, đập tay… cùng giáo viên trước khi vào lớp) ở một số khối và lớp học.
Theo ghi nhận ban đầu, HS tỏ ra hào hứng với sự đổi mới này. Đặc biệt HS khối lớp 1, các em bước vào môi trường học tập mới đầy tự tin, không căng thẳng khi tới trường hoặc đối diện với thầy cô. Khoảng cách giữa GV và HS được thu hẹp, xóa bỏ. GV và HS có sự gắn bó, gần gũi thực sự; GV coi HS như con, HS coi GV như người mẹ thứ 2 ở trường.
Đổi mới giáo dục cũng thể hiện từ buổi họp phụ huynh HS (PHHS) đầu năm học. Kĩ năng ứng xử, cách xưng hô giữa GV và PHHS được nhà trường tập huấn để tạo nên sự chuẩn mực, trang trọng nhưng vẫn gần gũi.
Mặt khác, tại cuộc họp PHHS thay vì chỉ thông báo các khoản thu chi, kí cam kết, giới thiệu chương trình năm học một cách chung chung, GV sẽ giới thiệu nội dung học tập cụ thể, điểm mạnh yếu của mỗi HS, đặc điểm tâm lý lứa tuổi, giúp PHHS hiểu việc đánh giá HS tiểu học theo thông tư nào? Năm học tới ngành GD sẽ đổi mới CT, SGK ra sao?
Các vấn đề dạy thêm học thêm với HS tiểu học. Với những nội dung này, PHHS cùng thảo luận, chia sẻ; cùng nhau đưa ra giải pháp hợp tâm lý lứa tuổi HS; cách giúp con học tốt ngoại ngữ. Và đặc biệt, PHHS tăng cường sự đồng hành với nhà trường trong các hoạt động giáo dục trường lớp để hướng tới hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng cho biết: Triển khai triệt để phương pháp kỷ luật tích cực cũng là một trong những điểm nhấn để trường xây dựng mô hình trường học hạnh phúc từ năm học này. “Khi trẻ tới trường, các em có thể chưa đạt được ngay những yêu cầu, mong muốn về kiến thức của GV. Các em có thể vẫn còn vi phạm kỷ luật trường lớp. Nếu GV có biểu cảm, ứng xử quá nghiêm khắc sẽ tạo cho HS cảm giác sợ hãi thầy cô, thậm chí sợ học và không muốn tới trường.
Vậy kỷ luật theo cách nào để HS nhận ra lỗi của mình, có ý thức chủ động không tái vi phạm nhưng vẫn cảm nhận sự quan tâm, bao dung của thầy cô thực sự cần thiết. Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, kỷ luật tích cực phải thấm nhuần trong mỗi người thầy. Một trường học hạnh phúc không thể tồn tại những phương pháp giáo dục kém và phản tác dụng” - cô Ngọc khẳng định.
Không dừng lại ở hàng loạt hoạt động đổi mới, sắp tới Trường TH Phan Đình Giót sẽ triển khai bài nhảy Chachacha thay bài thể dục buổi sáng cho BGH, GV và HS toàn trường. Mục đích của thay đổi này nhằm mang lại sức khỏe, khởi động tinh thần hứng khởi, vui tươi, sảng khoái cho toàn thể CB, GV, HS trước khi bước vào một ngày dạy và học.
Chuyển động bắt đầu từ CBQL, GV
Mỗi nhà trường có cách làm riêng để xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, cách làm nào cũng đòi hỏi sự chuyển động, ý thức quyết tâm, đồng thuận từ đội ngũ CBQL, GV; và mỗi thay đổi đó không mang tính hình thức, chạy theo phong trào mà phải đi vào thực chất.
Với tinh thần đó, việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc tại Trường TH Phan Đình Giót có sự chuẩn bị kỹ càng từ BGH đến đội ngũ GV, NV nhà trường thông qua từng hoạt động giáo dục cụ thể.
Nếu như trước đây, HS đi học muộn, GV có thể áp dụng hình thức phạt hoặc phê bình nhắc nhở, nay được thay bằng sự hỏi han lý do đi học muộn đồng thời động viên, chia sẻ để lần sau HS có ý thức đi học đúng giờ. Hay việc tuyển sinh đầu cấp, PHHS thường phải tìm đến nhà trường nhưng nay thay đổi theo tinh thần nhà trường phục vụ, lễ tân, giao tiếp, hướng dẫn PHHS nhằm mang lại sự hài lòng cho cha mẹ. PHHS được ban giám hiệu mời cùng giám sát, góp ý và chung tay cùng tôn tạo, sửa chữa cơ sở vật chất để tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho HS…
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc nói: “Khi bắt đầu xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, vẫn còn những GV suy nghĩ việc làm này mang tính hình thức, khó khăn, phức tạp hơn cho GV khi phải thay đổi từ tâm lý, kiến thức, ứng xử giao tiếp… cho phù hợp với yêu cầu chung. Để xóa đi suy nghĩ này và giúp mỗi GV thấy được sự thay đổi cần thiết, ban giám hiệu mà cụ thể là hiệu trưởng xác định phải là người đi đầu và làm thật. Trước khi triển khai, không chỉ giải thích, tuyên truyền thấu đáo tư tưởng cho GV, tạo sự đồng thuận chung mà bản thân hiệu trưởng phải gương mẫu và trực tiếp tham gia cùng GV, HS”.
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc