Kỳ cuối: Những thị trường đen đắt khách

GD&TĐ - Năm 2015, nhà sản xuất dược phẩm khổng lồ Pfizer mua lại nhà máy Hospira, cơ sở duy nhất ở Mỹ được phép sản xuất độc dược sử dụng trong thi hành án tử hình. 

Kỳ cuối: Những thị trường đen đắt khách

Thuốc độc tử hình

Không đầy một năm sau, Pfizer tuyên bố lệnh cấm sử dụng các sản phẩm của mình cho mục đích này. Đây được coi như một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại án tử hình, tuy nhiên, lệnh này cũng gây ra sự khan hiếm khi hàng trăm án tử cần được thi hành không có nguồn cung cấp độc dược cần thiết.

Tất nhiên, có cung ắt có cầu. Một thị trường nhập khẩu bất hợp pháp rộng lớn chuyên nhập thứ độc dược này từ nước ngoài vào Mỹ đã hình thành. Một lô thuốc gây mê sodium thiopental, bị các nhà chức trách Arizona thu hồi từ một công ty bất hợp pháp của Anh, đã cho thấy đầu mối liên quan đến các điểm thi hành án tử ở ít nhất hai bang, bởi Arizona đã cho một số trại tù ở các bang khác vay số độc dược này.

Vaccine bệnh dại

Mỗi năm, ở Mỹ chỉ có một vài ca người thiệt mạng do bệnh dại. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia khác, nhất là các quốc gia châu Á, số người chết do bệnh dại vẫn rất cao, chẳng hạn như ở Trung Quốc, một năm có tới hàng ngàn người chết vì nguyên nhân này. Một trong những nguyên nhân là tình trạng buôn bán trái phép vaccine giả.

Taobao, trang web bán lẻ của Trung Quốc (tương tự như eBay), chính là một thị trường lớn chuyên buôn bán mặt hàng bất hợp pháp này. Trên trang web này, đầy rẫy những quảng cáo vaccine giá rẻ, được tuyên bố là có giấy phép của chính phủ, nhưng chính phủ nước này luôn khẳng định không có một nhà cung cấp hợp pháp nào được phép hoạt động trên trang Taobao.

Thực tế, vaccine trên Taobao được sản xuất từ những phòng thí nghiệm vô danh, thuộc các công ty bất hợp pháp. Để giảm giá thành, các vaccine này không được sản xuất đúng quy chuẩn nên ít hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược. Năm 2016, các nhà chức trách nước này đã bắt giữ hàng chục cá nhân bị tình nghi tham gia đường dây tội phạm buôn bán trái phép vaccine, trị giá tới 90 triệu USD.

Hóa thạch khủng long

Tháng 4/2012, các nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ Eric Prokopi với lý do tình nghi là người được mệnh danh “thị trường đen một người” chuyên buôn bán hóa thạch khủng long. Là một du khách thường xuyên tới các điểm khảo cổ ở Mông Cổ, đã nhiều năm, Prokopi vận chuyển những hiện vật khảo cổ tìm thấy tới Anh và nhập khẩu vào Mỹ. Một thời gian, ông ta đã nghĩ rằng việc làm của mình là bất hợp pháp, tuy nhiên pháp luật các nước Anh và Mỹ không cấm đoán hoạt động này. Một số dự án của ông ta mang tới những khoản tiền khá lớn, chẳng hạn như một bộ xương khủng long trọn vẹn đã được bán đấu giá với giá 1 triệu USD cho một nhà kinh doanh địa ốc Manhattan.

Tuy nhiên, mọi việc đã khác khi giới chức Mông Cổ để ý tới hành động của Prokopi. Ông ta nhanh chóng bị bắt và trở thành nguồn thông tin của cảnh sát - những người khi đó chưa hề biết tới độ rộng lớn của thị trường hóa thạch khủng long. Những thông tin từ Prokopi đã đưa tới các cuộc điều tra khác ở 3 nước. Do cung cấp thông tin nên mặc dù phải đối mặt với án tù 17 năm, nhưng thực tế, Prokopi chỉ phải ngồi tù 3 tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ