Những thị trường đen đắt khách

GD&TĐ - Ngày nay, những thị trường đen đã trở thành những ống hút và chuyển một lượng tiền khổng lồ trên khắp thế giới. Phần lớn mặt hàng được buôn bán trên các thị trường này là bất hợp pháp. 

Những thị trường đen đắt khách

Bên cạnh “mặt hàng” quen thuộc được nhiều người biết đến như ma túy, vũ khí và buôn người, có những thị trường nhỏ hơn, thậm chí mới manh nha, nhưng cũng mang lại nguồn lợi nhuận “khủng”. Nguồn hàng được buôn bán rất đa dạng, thậm chí có cả những mặt hàng ít ai có thể nghĩ là đó là hàng “bất hợp pháp”.

Từ chó cảnh…

Tại Anh, nhu cầu sở hữu một chú chó thuần giống đang ngày một tăng. Những giống chó được ưa chuộng như Yorkshire Terrier có thể mang lại cho người gây giống khoảng 2.000 bảng mỗi con. Tuy nhiên, những băng nhóm tội phạm có thể bán với giá mềm hơn nhiều, nhờ việc buôn lậu từ những “nhà máy sản xuất chó” ở Ireland hay Đông Âu, với giá khoảng 100 euro một con.

Tất nhiên, khác xa với những chú chó được gia chủ cưng chiều, những con chó ở các trại chó này sống trong điều kiện vô cùng thê thảm. Những con bị chết bị vứt lại chuồng chung với con sống, cho đến khi chúng thối rữa. Chó con được bán mà không được tiêm phòng hay gắn chip. Mặc dù các biện pháp trừng phạt những kẻ buôn bán chó trái phép ở Anh khá nghiêm khắc, kẻ phạm tội có thể bị giam giữ đến 6 tháng, tuy nhiên thị trường này vẫn gặt hái khoảng 100 triệu bảng hàng năm.

Ở Mỹ, chó con bị những kẻ buôn lậu mang qua biên giới Mexico - Mỹ, hoặc qua các cảng hàng không. Một con chó York có thể được mua với giá chỉ vài trăm USD ở Mexico và được bán lại ở Mỹ với giá hơn 1.000 USD. Theo nguồn tin cảnh sát, có những chú chó mỗi tháng ẵm gọn khoảng 40.000 USD tiền mặt nhờ buôn lậu loài thú cưng này. Như vậy, “công nghiệp buôn lậu chó cảnh” ở Mỹ ước tính trị giá hàng triệu USD.

… đến bài luận

Trong khi các sai phạm có tính chất học thuật xuất hiện trong giới “có học vấn” ở khắp nơi trên thế giới, thì ở Nga, vấn nạn này đã trở thành một tiền đề cho một đại dịch phát triển rầm rộ. Chỉ trong vài năm gần đây, theo thống kê, có tới hơn 1.000 người Nga ở các vị trí quyền lực bị phát hiện đã từng đạo văn.

Phát hiện này bắt đầu rò rỉ trong dư luận nhờ một chiến dịch của một nhóm các nhà hoạt động tự xưng là nhóm Dissernet thành lập năm 2013. Họ đã sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn để rà soát các văn bản học thuật. Tới nay, nhóm đã phát hiện 5.600 “tác phẩm đạo văn” và công bố 1.300 bản trong số đó. Vô số các công ty tự xưng là công ty “tư vấn học thuật”, với những trang web được thiết kế bắt mắt, chuyên nghiệp, sẵn sàng bán các tài liệu mà họ chiếm đoạt được bằng nhiều thủ đoạn.

Khách hàng của các công ty này là những người mong muốn sở hữu những tấm bằng các cấp, trong đó buồn thay, có rất nhiều quan chức, cảnh sát, ủy viên công tố, hiệu trưởng các trường đại học, thậm chí cả người đứng đầu cơ quan điều tra.

Hổ phách - thị trường “khủng”

Thị trường hổ phách toàn cầu đã vượt quá 1 tỷ USD mỗi năm, và 90% nguồn hổ phách được khai thác từ Kaliningrad, Nga. Một nhà lập pháp ước tính lượng hổ phách bị buôn lậu lên tới 350 đến 400 tấn mỗi năm, gấp khoảng 10 lần so với lượng hổ phách hợp pháp.

Những mẩu hổ phách tuyệt hảo có giá trị hơn cả lượng vàng có khối lượng tương đương. Đặc biệt, những miếng hổ phách có côn trùng bị kẹt bên trong có thể được trả giá với con số gồm 5 hoặc 6 số không.

Năm 2012, lượng hổ phách bất hợp pháp bị hải quan Nga - Ba Lan thu giữ là 30kg. Con số này của 2013 là 140kg, 2014: 280kg

Tháng 3/2016, một lượng hổ phách bất hợp pháp lớn tới 1,5 tấn, trị giá 24 triệu zloty (tiền Ba Lan) cũng bị thu giữ ở Ba Lan. Nếu lượng hàng lậu này được tiêu thụ, chính phủ Ba Lan đã bị thất thoát 5,5 triệu zloty.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ