(GD&TĐ) - “Cái khó ló cái khôn” – đó là cách làm sáng tạo của ngành GD&ĐT nhiều địa phương để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, sân bãi cho hoạt động TDTT và giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường. Như Sở GD&ĐT TPHCM đã hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tận dụng hết cơ sở vật chất của ngành TDTT, lại vừa tránh được lãng phí. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, là phải thực hiện tốt quy hoạch xây dựng, kết hợp với xã hội hóa, các hoạt động TDTT của địa phương.
-> Kỳ 1: Tìm cách xã hội hóa nhà thi đấu
Muối bỏ bể
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 6/2012, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao (TT) trong các nhà trường không ngừng tăng. Trong đó, số nhà tập luyện và thi đấu đa năng tại các trường học cũng tăng gần gấp đôi. Nếu như năm 2008, cả nước chỉ có 833 thì đến năm 2012 đã tăng lên 1.446. Số bể bơi trong các trường học cũng tăng đáng kể, 18 bể năm 2008 lên 353 năm 2012. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 5,6% trong các nhà trường trên toàn quốc (27.500 trường học), tỉ lệ này vẫn còn quá thấp và chỉ tập trung ở một số TP lớn.
Học sinh tại các đô thị tìm nơi đá bóng trên hè phố Ảnh: Phú An |
Tại TPHCM, ở nhiều trường, cả trung tâm lẫn vùng ven, vì quá chật hẹp nên nhà trường phải đưa học sinh ra ngoài công viên, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu, vui chơi và thực hiện các hoạt động thể chất, thể thao. Đi học thể dục ngoài khuôn viên trường là chuyện thường ngày ở Trường tiểu học (TH) Hòa Bình (Q.1), TH Điện Biên (Q. 10), TH Lý Thái Tổ (Q.8), THPT Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp). Ông Lê Văn Quan, chuyên viên phòng Giáo dục trung học (phụ trách mảng TDTT học đường) Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Trong số 931 trường, chỉ có khoảng 40 trường có nhà thi đấu, nhà tập đa năng (khu tập luyện TT) cho học sinh, 20 trường có hồ bơi và sận bóng đá mini. Trong 2 năm qua, TP.HCM cũng đã cố gắng đưa vào sử dụng hàng loạt trường học có sân bãi, nhà tập đa năng có điều kiện tốt như: THPT Tây Thạnh, THPT Thủ Thiêm, THPT Phạm Văn Sáng, THPT Trần Văn Giàu… Tuy nhiên, số trường có cơ sở phục vụ tốt cho thể thao học đường quá khiêm tốn so với nhu cầu 1 triệu học sinh.
Phải thực hiện tốt quy hoạch trong việc xây trường ở tương lai (có sân bãi, nhà thi đấu đa năng). Các quận, huyện cần dành một khoản ngân sách, hoặc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng riêng các TT thể thao dành riêng cho học sinh. Đặc biệt, cần gắn chặt các hoạt động GDTC trong nhà trường với các hoạt động TT của địa phương thì mới mong giải được phần nào bài toán thiếu sân bãi hoạt động GDTC dành cho học sinh hiện nay. (Ông Tăng Bá Lễ, Trưởng phòng Thể thao cộng đồng, Sở VHTT&DL TPHCM) |
TP Cần Thơ, nơi vừa diễn ra Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, được đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất, nhưng vấn đề hưởng lợi theo Hội khỏe chỉ ở đa phần các trường học trung tâm. Thậm chí các trường học ở quận trung tâm như quận Ninh Kiều cũng gặp phải khó khăn này. Hiện nay một số trường ở quận này như Trường THCS Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm vẫn chưa có sân chơi và HS phải tận dụng công viên, sân bảo tàng để học môn GDTC. Ở các trường vùng sâu, vùng xa, sân chơi, bãi tập là “xa xỉ”... Cái khó nhất được xác định là không có quỹ đất để đầu tư, xây dựng và thiếu nguồn vốn.
Liên kết với ngành thể thao: Lối ra
Ý thức được vai trò quan trọng của GDTC, trong điều kiện sân bãi tập hạn chế, những năm qua, ngành GD&ĐT TPHCM chủ động phối hợp với Sở VHTT&DL TPHCM nhằm có những hỗ trợ qua lại cho ngành trong công tác rèn luyện thể lực và đẩy mạnh phong trào thể thao học đường thông qua việc các trung tâm văn hóa, nhà thi đấu, trung tâm TDTT tuyến quận, huyện cho nhà trường thuê, mượn sân bãi. Đây được xem là giải pháp bền vững và giảm sự lãng phí sân bãi cho ngành thể thao TP. Ông Tăng Bá Lễ, trưởng phòng Thể thao cộng đồng, Sở VHTT&DL TPHCM cho biết: Sân bãi thể thao, khu vui chơi tại TPHCM thật sự hiện nay vẫn đang quá thiếu so với nhu cầu thực tế của người dân (chỉ có trên 17 điểm vui chơi giải trí - công viên lớn, cùng 24 trung tâm thể thao tuyến quận huyện cho 1,7 triệu trẻ trong độ tuổi từ 12-16) - Tuy nhiên, trước những khó khăn thực tế của ngành GD, các trường, ngành TDTT thường xuyên làm việc và ký liên tịch 5 năm/lần với Sở GD&ĐT nhằm giúp các trường có thêm điều kiện sân bãi cho GDTC, rèn luyện thể thao. Ngành VHTT&DL cũng thường xuyên tư vấn cho các quận, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH) và xây dựng các trung tâm TDTT cho học sinh (Phú Nhuận đã làm xong). Chính vì thế, hiện nay các trường thiếu sân chơi tại TPHCM về cơ bản đã giải quyết được các nhu cầu vận động, rèn luyện thể chất của học sinh.
HS Trường TH Hòa Bình (Quận 1, TPHCM) sinh hoạt thể dục trên vỉa hè đường phố |
Xã hội hóa đầu tư sân bãi tập
Bên cạnh việc phối hợp với ngành VHTT&DL, ông Lê Văn Quan (Phòng GD trung học, phụ trách mảng TDTT học đường) cho biết: Để công tác GDTC trong nhà trường được tốt, cần phải có CLB TDTT trong nhà trường. Vì thế, Sở GD&ĐT TPHCM, đã yêu cầu các trường bắt buộc phải có mô hình CLB. Đây chính là cơ sở để các trường gắn với các hoạt động TT, hội thi cấp khu vực, quận, huyện, TP nhằm tạo sân chơi cho học sinh. Bên cạnh đó, Sở cũng không cứng nhắc đánh giá các tiêu chí thi đua về điều kiện sân bãi mà cho các trường linh động chọn giải pháp phù hợp với điều kiện của từng trường (thuê mướn, mượn, phối hợp sử dụng sân bãi với trường khác, lựa chọn các bộ môn TDTT cho học sinh).
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi trường học thiếu hoặc không đủ các điều kiện để giáo dục ngoài giờ, giáo dục kỹ năng, giáo dục đạo đức và các sinh hoạt cộng đồng tập thể khác cho học sinh, sẽ dẫn đến những rối nhiễu tâm lý nhất định. Theo khảo sát, tỉ lệ rối nhiễu tâm lý trong trẻ em ở VN khoảng 22%, trong khi đó ở Mỹ, Nhật Bản chỉ khoảng 11-13%, Trung Quốc cũng chỉ khoảng 11%. Chính việc rối nhiễu tâm lý này là nguyên nhân tiềm ẩn của những hành động bộc phát, dẫn đến hành vi phạm tội. |
Sở đã có kế hoạch và đề xuất với UBND TP đầu tư trọng điểm theo cụm (vài trường) tại một trường nào đó có đủ điều kiện, diện tích để có thể chia sẻ khó khăn với các trường không thể mở rộng diện tích, khuôn viên sân bãi trong khu vực gần. Mặt khác, không ngừng khuyến khích các trường có điều kiện về khuôn viên, diện tích kêu gọi XHH, đầu tư sân bãi trong trường (sân bóng đá mini, hồ bơi, sân bóng rổ). Mô hình ấy đang có nhiều tín hiệu tích cực tại THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q. Tân Bình), THPT Tạ Quang Bửu (Q.8), THPT Lê Hồng Phong (Q.1), THPT Hồng Đức, Trương Vĩnh Ký (Q.Tân Phú), Ngô Thời Nhiệm (Q.Thủ Đức)… cách làm này không chỉ giúp các trường tạo sân chơi cho học sinh, mà còn cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, phục vụ hoạt động TDTT.
Ông Tăng Bá Lễ nhấn mạnh: Để tháo khó về vấn đề sân bãi tập cho học sinh không cách nào khác là từ này phải thực hiện tốt quy hoạch trong việc xây trường (phải có sân bãi, nhà thi đấu đa năng). Các quận, huyện cần dành một khoản ngân sách, hoặc kêu gọi XHH để xây dựng các TT thể thao dành riêng cho học sinh. Đặc biệt, cần gắn chặt các hoạt động GDTC trong nhà trường với các hoạt động TT của TP thì mới mong giải được phần nào bài toán thiếu sân bãi hoạt động GDTC dành cho học sinh hiện nay.
Anh Tú