Đề án về thu, sử dụng học phí và một số khoản thu khác trong trường học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội là chủ đề được thảo luận sôi nổi từ nhiều ngày nay, được đưa vào chương trình tiếp xúc cử tri của các Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội trước Kỳ họp để xin ý kiến nhân dân, được Ủy ban MTTQ tổ chức phản biện xã hội
Đề án này do Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng. Dự thảo ban đầu, mức học phí được đề ra tăng gấp 3 – 5 lần. Mới đây, mức tăng được sửa lại chỉ còn gấp 2 lần mức thu hiện tại.
Cùng với đó, đối tượng thu học phí ở khu vực nông thôn cũng không chia làm hai loại như dự thảo trước (đối tượng có cha và mẹ cùng làm nghề nông và có cha và mẹ làm nghề khác). Cụ thể, đề án đề xuất mức thu với khối mẫu giáo ở thành thị là 120.000 đồng/cháu/tháng; ở nông thôn là 30.000 đồng/cháu/tháng; mức thu khối nhà trẻ ở thành thị:160.000 đồng/cháu/tháng; ở nông thôn là 40.000 đồng/cháu/tháng. Với khối THCS, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 40.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 30.000 đồng/học sinh/tháng. Khối THPT, mức thu ở khu vực thành thị là 60.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 50.000 đồng/học sinh/tháng.
Tuy nhiên, tại Tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP sáng nay (13/7), chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết sẽ không trình HĐND đề án trên tại kỳ họp này do nhận được nhiều ý kiến chưa đồng thuận của đại biểu HĐND và dư luận.
Nhưng, cũng theo ông Thành, Đề án tăng học phí nói trên rất có thể sẽ được HĐND thành phố đưa ra xem xét và thông qua vào kỳ họp cuối năm hoặc đầu năm tới vì Nghị định 49/CP của Chính phủ về cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực từ 1/7/2010 vẫn phải được thực hiện.
Lập Phương