Theo Sở GD&ĐT Kon Tum, trong năm học 2020-2021, ngành Giáo dục được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí kinh phí khoảng 238,5 tỉ đồng để đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học nói chung, giáo dục hướng nghiệp nói riêng. Qua đó, góp phần củng cố cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các đợt tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh cho các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với Tổ chức Plan tập huấn, bồi dưỡng công tác Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông cho hơn 100 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các trường THCS.
Cũng theo Sở GD&ĐT Kon Tum tính đến tháng 12/2021, có khoảng 80% trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh xây dựng các nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương có chất lượng. Riêng các trường còn lại đã xây dựng nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, do trường đóng chân trên địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, không có các doanh nhiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nên việc tổ chức tham quan, thực tế, hướng nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Sở GD&ĐT Kon Tum cũng cho hay, năm học 2020-2021 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học cấp THPT (hệ giáo dục phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên) chiếm khoảng 70%, tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp chiếm 8,1%. Còn số học sinh tốt nghiệp THPT là 4.367 học sinh. Trong đó số học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng chiếm 16,1%.
Bên cạnh những thuận lợi thì kế hoạch thực hiện Đề án cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chưa cao, chuyển biến còn chậm.
Chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học nghiệp còn nhiều hạn chế. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, chưa có sự phối hợp tốt giữa các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc hỗ trợ học sinh có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp ra trường. Một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chưa thu hút được người học... Việc tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với quy mô đào tạo và gây lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Trong năm 2022, ngành Giáo dục Kon Tum chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trung học xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác phân luồng sau khi học sinh tốt nghiệp THCS gắn với Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao chất lượng việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với các trường PT DTNT, PT DTBT. Đồng thời, triển khai có hiệu quả việc việc vận động học sinh DTTS đi học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, hạn chế nghỉ học, bỏ học và dạy phụ đạo đối với học sinh DTTS.