Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bằng hình thức online

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục lần đầu có mặt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh Trường THCS Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) học trực tuyến.
Học sinh Trường THCS Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) học trực tuyến.

Tổ chức thực hiện một hoạt động giáo dục mới dưới hình thức online là một thử thách cho các giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong năm học này.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Trà – giáo viên Trường THCS Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các loại hình cơ bản là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt theo chủ đề, Sinh hoạt lớp, với bốn mạch nội dung hoạt động: Hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên, hoạt động hướng nghiệp.

Bám sát hướng dẫn của sách giáo viên, hiểu đúng bản chất của tổ chức hoạt động trải nghiệm, cùng sự sáng tạo, chủ động về công nghệ, việc tổ chức hoạt động giáo dục bằng hình thức online hoàn toàn có thể tiến hành một cách giản dị mà vẫn hấp dẫn, bảo đảm hoạt động được triển khai đến 100% học sinh trong lớp học.

Tiết học hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Chăm sóc cuộc sống cá nhân” của học sinh lớp 6A7 Trường THCS Trương Công Giai dưới hình thức trực tuyến diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn. Tiết học mở đầu bằng hoạt động cô giáo trao thưởng cho 10 học sinh được bình chọn nhiều nhất cho việc sắp xếp góc học tập. Hoạt động này cũng để kết nối với tiết học trước, đánh giá nhiệm vụ cô giáo đã giao về nhà cho học sinh.

Trong suốt tiết học, học sinh đã được chia sẻ, trải nghiệm với những cung bậc tình cảm cá nhân. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trà đã thể hiện rõ vai trò trong việc tổ chức, chuyển đổi các nhiệm vụ tự nhiên, gần gũi đồng hành cùng học sinh vận dụng các “bí kíp vàng” thực hiện kĩ năng kiểm soát nóng giận, tạo niềm vui và sự thư giãn, kiểm soát lo lắng.

Học sinh hào hứng khi được trực tiếp thực hành những “bí kíp” như: Kĩ thuật điều hòa hơi thở kiểm soát nóng giận, nghĩ những điều tích cực về người khác, tự tạo niềm vui cho cuộc sống của mình. Những lời tâm sự chân thành, cởi mở của các em giúp tiết học trở nên thật gần gũi. Đặc biệt, những hoạt động của tiết học được cô giáo khéo léo tổ chức trên ứng dụng Jamboard, tạo nên sợi dây gắn kết tình cảm của các em học sinh trong lớp.

Bên cạnh đó, tiết học trở nên sôi nổi hơn khi các em được vận động theo điệu nhạc quen thuộc và ý nghĩa “Covid nhanh đi đi”. Những hoạt động vừa nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa tươi vui, gần gũi đã giúp học sinh được trải nghiệm, từ đó biết kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Còn tại tiết học Hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), học sinh được tham gia nhiều trò chơi, được thể hiện cảm xúc buồn, vui, tức giận hoặc ngạc nhiên. Không những thế, cô giáo còn dẫn dắt học trò và hoạt động thảo luận nhóm để nêu lại các tình huống cảm xúc mà mình hoặc người thân đã trải qua, chia sẻ với các bạn trong lớp tìm được tiếng nói chung cho mình và bạn.

Cô Nguyễn Thu Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Tràng An cho biết: Hoạt động trải nghiệm là một môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sách gồm 35 chủ đề trải nghiệm, với mỗi chủ đề mỗi tuần các em sẽ được tham gia sinh hoạt dưới cờ; tham gia hoạt động trải nghiệm theo chủ đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.