Những hệ lụy cho đôi mắt
Trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, các bậc cha mẹ vẫn đang loay hoay với vấn đề thị lực của trẻ cũng như tác động tới sức khỏe tinh thần. Các chuyên gia y tế cảnh báo, với tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian ở trong nhà quá lâu cùng các thiết bị di động sẽ khiến trẻ em mắc các tật về mắt ngày càng gia tăng nếu không can thiệp sớm có thể dẫn đến mù lòa.
Thầy giáo Lê Anh Đông, Trường THPT Ngô Quyền (Bình Phước) chia sẻ, chỉ năm trước, học sinh lớp thầy chủ nhiệm chỉ có 5 bạn phải đeo kính. Năm học này, nhìn qua màn hình máy tính khi học online, số lượng này đã tăng lên gấp 4 lần chỉ trong thời gian ngắn.
Thầy Đông cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến cho rất nhiều người từ trẻ em đến người lớn phải làm việc, học tập trực tuyến. Đặc biệt, học sinh không được đến trường, ít được tham gia hoạt động ngoài trời đã làm tăng đột biến thời lượng mắt phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại… Điều này dẫn đến vô số hệ lụy cho mắt.
Cùng quan điểm với thầy Đông, cô Hà Thị Lan Hương, Trường THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, mùa dịch khiến học sinh gặp nhiều vấn đề về mắt. Số em bị cận, loạn thị tăng lên rất nhanh và nhiều. Do thời gian rảnh rỗi, trẻ ở nhà quá nhiều, không biết làm gì khác ngoài giải trí với các trò chơi trên mạng, xem tivi hoặc đọc sách…
Ngay cả khi không dùng các thiết bị di động thì việc ở trong không gian hẹp quá lâu với tầm nhìn ngắn khiến thị lực không còn như trước. Ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài cũng đóng một vai trò đối với tình trạng sức khỏe của mắt, đặc biệt là trẻ từ 7 - 14 tuổi.
Ngoài ra, cô Hương cũng cho rằng, trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì mải chơi sẽ dễ gây ra cận thị. Đồng thời, trẻ xem thiết bị điện tử quá gần với thời gian lớn sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều.
TS Nguyễn Thị Thảo, Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, thời điểm này, nhiều trẻ cũng có các triệu chứng gồm mờ mắt, nhức đầu, mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt. Có trường hợp bị chảy nước mắt, nóng rát, dụi mắt thường xuyên hơn, khô và cảm giác có dị vật trong mắt. Các triệu chứng này thường giảm dần sau vài giờ, nhưng có thể sẽ gây hậu quả lâu dài nếu không được quan tâm can thiệp.
TS Thảo khuyến cáo, để làm chậm sự phát triển của cận thị và tránh các vấn đề về mắt, phụ huynh định kỳ từ 3 - 6 tháng cho trẻ đi khám mắt tại các cơ sở y tế và dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho trẻ hoạt động thể chất ngoài trời.
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ áp dụng quy tắc nghỉ ngơi 20 giây sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình và hướng ánh mắt nhìn đi nơi khác ở khoảng cách hơn 20m.
Từ bỏ thói quen xấu
Có lẽ, không cần phải nói quá nhiều về hậu quả của cận thị. Ngoài việc gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống thì cận thị nặng sẽ dẫn đến mất thị lực. Vì vậy, cần chăm sóc mắt đúng cách ngay từ khi còn nhỏ. Để bảo vệ mắt trong đại dịch, mỗi người cần ngồi giãn cách trước màn hình, nghỉ ngơi xen kẽ.
Nhiều thầy cô giáo cũng nhận định, có những thói quen của học sinh khiến độ cận thị tăng cao như ngồi học không đúng tư thế, bàn ghế không đúng tiêu chuẩn, mắt quá gần màn hình khi học online…
Cô Hà Thị Lan Hương cho rằng, cha mẹ cần bảo đảm ánh sáng và kích thước bàn ghế ngồi học cho trẻ. Bàn ngồi học phải có đủ ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên. Kích thước bàn ghế phải phù hợp với độ cao của trẻ. Tỉ lệ chiều cao của bàn và ghế phải tương xứng để khi ngồi, khuỷu tay của trẻ ngang với mặt bàn, hai mặt bàn chân bám mặt đất, ngồi thoải mái trên ghế.
Cha mẹ cũng cần đặt các thiết bị điện tử học trực tuyến với chiều cao màn hình phù hợp, không cao quá hay thấp quá. Khoảng cách từ mắt đến màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng trong khoảng 35 - 40cm.
Màn hình tivi, máy tính với khoảng cách bằng hai lần độ dài đường chéo màn hình. Có thể kiểm tra khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính bằng chiều dài của một cánh tay là phù hợp.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần rèn luyện cho trẻ ngồi học đúng tư thế. Điều này không chỉ giúp trẻ viết chữ đẹp, mà còn có lợi cho sự phát triển bình thường của cột sống và bảo vệ thị lực cho trẻ. Khi ngồi viết, trẻ phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tì ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, hai mắt cách mặt vở từ 25 - 30cm.
Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái vở, bàn tay trái tì vào mép vở giữ vở không xê dịch khi viết, cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn. Theo cô Hương, với cách để tay như vậy, khi viết, bàn tay và cánh tay phải có thể dịch chuyển thuận lợi từ trái sang phải dễ dàng. Phụ huynh cần thường xuyên để ý đến tư thế ngồi học của trẻ, nếu sai phải kịp thời nhắc nhở để trẻ có ý thức rèn luyện.
“Những thói quen không tốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho trẻ. Đó là các bệnh về mắt, cong vẹo cột sống, học tập không nghiêm túc và kết quả sa sút, nhất là học trực tuyến. Những thói quen xấu cần được điều chỉnh sớm để học sinh có sức khỏe tốt và vượt qua mùa dịch an toàn nhất” – cô Hương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, với trẻ nhỏ, thời điểm sau dịch quay trở lại trường học là lúc rất phù hợp để đưa các bé đi khám chuyên sâu, đặc biệt về tật khúc xạ. Thời gian nghỉ dịch, việc học online khiến con trẻ phải thường xuyên tiếp xúc với điện thoại và máy tính.
Điều này khiến mắt trẻ dễ bị các triệu chứng như nhức mỏi, mờ hoặc nguy cơ cận thị. Vì vậy, cha mẹ hãy đưa con trẻ đi khám để có thể phát hiện sớm nguy cơ cận thị và có những lời khuyên bổ ích từ bác sĩ trong việc chăm sóc mắt cho các bé.