Tăng bệnh về mắt
Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, ở Việt Nam hiện có khoảng 409.000 người mù lòa. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa được và 15% có thể phòng ngừa được). Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy, đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 66,1%, sau đó là các bệnh lý đáy mắt (chiếm 10,5%), bệnh glôcôm (6,4%), tật khúc xạ (2,5%) và bệnh mắt hột (1,7% tổng số người mù).
Bệnh về mắt xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu như người lớn thường mắc bệnh do lão hóa, tai nạn lao động thì ở giới trẻ, căn bệnh này thường do thói quen xấu. Thông qua khám sức khỏe định kỳ tại trường học, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 700.000 em mắc tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị. Bác sĩ Nguyễn Thu Hiền (Bệnh viện Mắt Trung ương), tật khúc xạ, trong đó có cận thị học đường, không mới nhưng đang ngày càng gia tăng.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ trẻ cận thị ở khu vực thành thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn, có nơi lên tới 40%. Tỷ lệ trẻ cận thị cũng tăng dần theo cấp học. Khảo sát đối với 16.000 HS trên địa bàn của Bệnh viện Mắt Hà Nội chỉ ra tỷ lệ HS cận thị ở bậc tiểu học là 20%, THCS là 30% và THPT là hơn 50%.
Vào các dịp hè, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Mắt Trung ương có tới hơn 2.000 lượt người tới khám, trong đó, trẻ em chiếm hơn 50%. Số lượng khám về tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) cũng tăng nhanh chóng.
Chăm sóc mắt hàng ngày
Với lứa tuổi HS, tật khúc xạ do mắt nhìn gần trong thời gian dài, thiếu ánh sáng, ngồi học sai tư thế, thường xuyên sử dụng máy vi tính, trò chơi điện tử, ti vi..., trong đó nhìn gần trong thời gian dài là nguyên nhân chính. Hiện nay, ở nhóm “trường chuyên, lớp chọn”, tỷ lệ học sinh phải đeo kính vượt quá 30%. Tỷ lệ này ở trường học bình thường là trên 20%. Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ mắc cận thị khi còn nhỏ tuổi. Tại các bệnh viện mắt, có trường hợp mới 4 - 5 tuổi đã phải tới khám do cận thị (không phải mắc cận thị bẩm sinh). Nguyên nhân là trẻ này tiếp xúc với các thiết bị hiện đại như máy tính, iPad, điện thoại… quá sớm. Cũng có trẻ bị bệnh về mắt bẩm sinh nhưng không được gia đình phát hiện sớm như lác, nhược thị, cận thị.
Chủ động bảo vệ sức khỏe đôi mắt của mình là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới tới tất cả mọi người. Đây là lý do để tổ chức này chọn một ngày trong năm là Ngày Thị giác thế giới nhằm đề cao tầm quan trọng của đôi mắt, quyền được nhìn thấy của mọi người. Ở Việt Nam, từ năm 1998 đến nay, một số quỹ phi chính phủ đã thực hiện tài trợ cho ngành mắt hơn 23,5 triệu USD, giúp mang ánh sáng cho gần 180.000 người.
Các chương trình chăm sóc mắt cộng đồng được tổ chức hàng năm với sự tham gia của các bác sĩ nhãn khoa đã khám, tư vấn cách chăm sóc mắt cho 300.000 người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Nhiều chương trình thay đục thủy tinh thể miễn phí đã đến người dân các vùng quê. Ở bệnh viện tuyến cuối, nhiều kỹ thuật hiện đại được cập nhật để phục vụ công tác điều trị bệnh về mắt, đặc biệt là ghép giác mạc để đem lại ánh sáng cho bệnh nhân.
Ngày Thị giác năm nay (13/10), các bác sĩ khuyến cáo mọi người dành cho mắt sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn bằng những biện pháp đơn giản như ăn uống cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý, khám mắt định kỳ.
Với HS, cần đảm bảo nơi học đủ ánh sáng, ngồi học đúng tư thế. Khoảng cách phù hợp để đọc sách đối với học sinh cấp I là 25cm, cấp II là 30cm, cấp III là khoảng 35cm. Việc đọc sách quá gần sẽ dẫn đến nỗ lực về thị giác do việc gia tăng sức điều tiết của mắt, từ đó làm xuất hiện và gia tăng độ cận thị.
Riêng đối với HS đã bị cận thị rồi, ngoài các điều trên cần phải mang kính và mang kính đúng độ để mắt nhìn rõ và không phải điều tiết. Đo thị lực mỗi đầu học kỳ hoặc mỗi năm một lần để theo dõi mức độ cận.