Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất giáo dục:

Trường mới tinh tươm đón trò vùng cao

GD&TĐ - Thời điểm này, các trường vùng cao Tây Bắc đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.

Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì chuyển về địa điểm mới.
Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì chuyển về địa điểm mới.

Dù còn ngổn ngang những mối lo, nhưng thầy trò vẫn lạc quan, sẵn sàng điều kiện để đón học sinh tới trường.

Khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày tựu trường năm học 2024 - 2025 đang đến gần, thời điểm này, các trường học trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) đã sẵn sàng cơ sở vật chất để bước vào năm học mới.

“Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã huy động cán bộ giáo viên dọn dẹp, vệ sinh lại tất cả phòng học. Đến nay, cơ sở vật chất nhà trường cơ bản đảm bảo để học sinh bước vào năm học mới thuận lợi”. - Hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa Vũ Văn Tiếm.

Tại Trường THCS xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, giáo viên tất bật dọn dẹp khuôn viên trường lớp, chăm sóc vườn hoa, sắp xếp lại bàn ghế, trang trí lớp học…

Theo ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Yên, cơn bão số 2 đã gây ngập úng khuôn viên Trường THCS xã Tạ Khoa. Trường nằm ở vị trí thấp nên điểm ngập sâu nhất khoảng 1m.

“Chúng tôi đã phối hợp với UBND xã Tạ Khoa huy động lực lượng dân quân và phụ huynh cùng giáo viên dọn dẹp vệ sinh. Qua đó, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất trước khi đón học sinh tựu trường”, ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.

Mưa lũ những ngày cuối tháng 7 cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (Điện Biên). Tại Trường THCS xã Mường Pồn, trận mưa lũ làm nhiều vị trí tường bao đổ sập, trường lớp lấm lem bùn đất, rác thải dồn ứ… khiến công tác dọn dẹp chuẩn bị cho năm học mới của các thầy cô khá vất vả.

Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường THCS xã Mường Pồn chia sẻ: “Chúng tôi huy động cán bộ, giáo viên tựu trường sớm hơn thời gian dự kiến để dọn dẹp trường lớp. Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó. Nhưng nhà trường gặp khó bởi đa phần giáo viên là nữ. Chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để có thể sẵn sàng cơ sở vật chất đón học sinh trở lại học ngay sau kỳ nghỉ hè”.

Còn theo ông Đặng Quang Huy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, mưa lũ gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại xã Mường Pồn. Các gia đình có con em thiệt mạng và mất tích trong trận mưa lũ được thăm hỏi, động viên, chia buồn. Phòng cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sẵn sàng cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh khi tựu trường.

truong moi don tro (1).jpg
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì chuyển đồ đạc từ trường cũ về trường mới.

“Khoác áo mới” cho trường cũ

Trong những ngày này, các trường học trên địa bàn huyện Bắc Yên cũng hòa chung không khí khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới. Toàn huyện hiện có 42 trường học, trong đó 16 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 10 trường THCS và 6 trường liên cấp tiểu học - THCS.

Chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Bắc Yên đã tham mưu cho UBND huyện tu sửa hàng chục công trình lớp học, nhà ở học sinh bán trú, sân trường. “Đến nay, công tác sửa chữa cơ bản hoàn tất. Những ngày tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục dọn dẹp cảnh quan xung quanh trường lớp sạch sẽ, phối hợp với địa phương vận động học sinh ra lớp học đảm bảo theo kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Văn Hà thông tin.

Theo thống kê, huyện Bắc Yên hiện có 718 phòng học kiên cố; 177 phòng bán kiên cố; 6 phòng học tạm và 11 phòng học nhờ. Toàn huyện có 44 phòng học bộ môn; 2 nhà đa năng; 36 phòng hội đồng; 28 phòng thư viện; 230 phòng bán trú học sinh; 257 phòng công vụ giáo viên; 49 phòng chức năng khác. Cơ sở vật chất phòng lớp học cơ bản đáp ứng nhiệm vụ dạy và học.

Còn tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên), các trường cũng gấp rút hoàn thành những hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất đón học sinh bước vào năm học mới.

Chia sẻ thông tin, ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT Tuần Giáo đồng thời cho hay: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát cơ sở vật chất xuống cấp có nguy cơ mất an toàn để có kế hoạch tu sửa kịp thời. Qua đó, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết phục vụ công tác dạy và học”.

Phòng GD&ĐT Tuần Giáo tích cực tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa phòng học, công trình phụ trợ cho 12 trường và điểm trường (6 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 2 trường THCS) với số tiền trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông dân tộc bán trú, đảm bảo điều kiện bàn giao đưa vào sử dụng kịp thời cho năm học mới. 7 công trình này có mức đầu tư trên 70 tỷ đồng.

truong moi don tro (2).jpg
Giáo viên, học sinh thị trấn Bắc Yên dọn dẹp vệ sinh trường học.

“Phòng GD&ĐT tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có thể kể đến, như: Trường Mầm non Khong Hin được Quỹ Giáo dục VINSCHOOL hỗ trợ xây dựng đồng bộ các phòng học, nhà hiệu bộ, nội trú, bếp, nhà ăn… với số tiền gần 5 tỷ đồng. Bổ sung hạng mục vệ sinh, bếp ăn, nhà công vụ, nhà nội trú và điểm trường gần 2 tỷ đồng cho các trường trên địa bàn”, ông Đỗ Văn Sơn chia sẻ.

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) chuyển về địa điểm mới. Ngôi trường mới xây với 10 phòng học và dãy nhà bán trú, bếp ăn kiên cố chính là ước mong của thầy và trò nhà trường nhiều năm qua.

Thầy Bùi Văn Nhiệt - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì chia sẻ: “Trước đây, nhà trường ở điểm bản Nậm Pì với cơ sở vật chất tạm bợ. Đến nay, được chuyển về trường mới, thầy và trò rất phấn khởi. Điều kiện thuận lợi sẽ tạo đà cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

truong moi don tro (5).jpg
Tu sửa lớp học tại Trường Tiểu học - THCS Làng Chếu, huyện Bắc Yên.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì sẽ có 419 học sinh với 12 lớp. Theo kế hoạch có 204 học sinh bán trú. Hiện điểm trung tâm nhà trường có 10 phòng học kiên cố và 2 phòng học tạm.

Theo thầy Nhiệt, điểm trường mới vẫn chưa được xây dựng nhà hiệu bộ và nhà công vụ cho giáo viên ở xa. Để khắc phục tình trạng này, kết thúc năm học 2023 - 2024, nhà trường tổ chức chuyển vật dụng, bàn ghế tại điểm Nậm Pì về điểm mới làm nhà tạm cho cán bộ, giáo viên.

“Trường đã vận động giáo viên và phụ huynh hỗ trợ vận chuyển các nhà lắp ghép ở điểm trường cũ lên làm nhà hiệu bộ và phòng ở cho giáo viên. Thời gian tới, trường tiếp tục được hoàn thiện các hạng mục còn thiếu để đáp ứng nhu cầu dạy và học”, thầy Lò Văn Chuyển - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pì chia sẻ.

truong moi don tro (4).jpg
truong moi don tro (3).jpg
Trường THCS xã Mường Pồn dọn dẹp trường lớp đón năm học mới.

An toàn khi đến trường

Tại Trường THCS Vừ A Dính, huyện Tuần Giáo, công tác chuẩn bị đón học sinh quay lại học tập đang được triển khai. Mọi công việc từ dọn dẹp vệ sinh cảnh quan trường, chăm sóc bồn hoa đến khử khuẩn, lau chùi tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, bàn, ghế, phòng học, các phòng chức năng, đồ dùng dạy học đều làm cẩn thận. “Chúng tôi cũng cải tạo sân bóng đá để học sinh có sân chơi; đồng thời, cử giáo viên đến tận nhà giúp đỡ, vận động các em nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn đến trường”, thầy Phó Hiệu trưởng Lò Văn Xuân nói.

Để bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, ngay sau khi học sinh nghỉ hè, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được Trường Tiểu học - THCS Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La) nhanh chóng thực hiện.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nghiêm Xuân Thế, năm học 2024 - 2025, trường có 8 lớp với hơn 300 học sinh (trong đó có hơn 200 học sinh bán trú). Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để học sinh tới lớp học tập. Đồng thời, huy động phụ huynh cùng giáo viên quét dọn, lau chùi bàn ghế, tổng vệ sinh trường lớp.

Còn theo cô Trần Thị Bích Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Pom Lót, huyện Điện Biên (Điện Biên), vấn đề an toàn phòng học được trường đặc biệt quan tâm. Cùng với lau dọn bàn ghế, giáo viên, nhân viên của trường còn kiểm tra hệ thống điện, nhà vệ sinh, cửa sổ, lan can cầu thang, bếp ăn…

Bên cạnh đảm bảo về cơ sở vật chất, an toàn, vấn đề sách giáo khoa, thiết bị dạy và học cũng được các trường chú trọng. Thầy Vũ Văn Tiếm - Hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa cho biết, đơn vị đã chủ động thông báo đến phụ huynh, chốt số lượng sách giáo khoa đối với học sinh các khối lớp đã đăng ký để liên hệ đặt hàng. Nhà trường cũng giới thiệu các nhà cung ứng đủ điều kiện để phụ huynh và học sinh chủ động mua sách giáo khoa khi cần. Đến nay có khoảng 98% phụ huynh đăng ký đặt sách và đồ dùng học tập cho con em.

Liên quan đến việc chuẩn bị sách giáo khoa cho trò, ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo các trường chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh đảm bảo mỗi em có 1 bộ để học tập khi bước vào năm học mới. Đồng thời, tham mưu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt là lớp 5 và lớp 9 để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT mới”.

“Trước kỳ nghỉ hè, Sở có văn bản gửi các phòng, cơ sở giáo dục nhắc nhở về nội dung cần lưu ý trong và sau kỳ nghỉ. Một trong những yêu cầu của sở là chuẩn bị tốt các điều kiện đón học sinh trở lại trường nhanh chóng ổn định nền nếp dạy, học trong những ngày đầu năm học mới. Đồng thời, hiệu trưởng các trường cần tiến hành rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình để có phương án cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn”. - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.