Nâng cao đời sống cho đồng bào...
Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Địa phương này có đường biên giới dài hơn 440km (Trung Quốc 40,861km; Lào 414,712km). Toàn tỉnh có 82% là người dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống tại 129 xã, phường, thị trấn (trong đó có 90 xã đặc biệt khó khăn).
Từ năm 2016 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp; nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư tập trung xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống nhân dân.
Đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số trong bộ máy hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, phát triển về số lượng và chất lượng. Nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội về công tác dân tộc ngày càng được quan tâm.
Song song với đó, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có thể kể đến như, giai đoạn 2016 đến nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai các chính sách với tổng số hơn 8.500 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 đã đầu tư xây dựng 359 công trình (trong đó: 218 công trình giao thông, 78 công trình thủy lợi, 20 công trình trường lớp học và các công trình phụ trợ, 29 công trình nhà văn hóa, 9 công trình điện sinh hoạt, 5 công trình nước sinh hoạt); Hỗ trợ 7.684 con trâu, bò cho 9.969 hộ; 55.576 con gia cầm cho 875 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp cho 951 hộ; 1.392 máy móc, thiết bị cho 2.342 hộ; Mở 106 lớp tập huấn cho cộng đồng với hơn 8.252 lượt người tham gia; 28 lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở với hơn 1.934 lượt người tham gia; tổ chức 4 cuộc thăm quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, cán bộ cơ sở và cộng đồng với 138 lượt người tham gia.
Đầu tư xây dựng 6 công trình tại 5 điểm định canh định cư tập trung (3 công trình đường giao thông, 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình điện)...
Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước mà diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh có những chuyển biến tích cực.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kinh nghiệm rút ra..
Đánh giá chặng đường thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới. Dù vậy, để có được những kết quả như nêu trên, Điện Biên đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm lớn. Có thể kể đến như:
Trước tiên, đó là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, củng cố niềm tin và uy tín với Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thứ hai là, tập trung thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc như: Đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng (đường, điện, giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi, nước sinh hoạt..); hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, chuyển đổi nghề; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; bố trí sắp xếp ổn định dân cư.... Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và ưu tiên phát triển toàn diện đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Thứ ba là, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý nhà nước; xây dựng, hoàn thiện các quy định phân cấp trong quản lý về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện; đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm vai trò của người dân trong việc giám sát, đánh giá.
Bài học thứ tư là, phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao tinh thần tự lực, tự cường vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tuyên truyền vận động để đồng bào các dân tộc thiểu số từ bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bài trừ các tà đạo trái phép; phát huy và khơi dậy tinh thần thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc và củng cố khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.