Tỉnh Điện Biên xác định việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc trong đó khuyến khích thế hệ trẻ trong đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn, bảo tồn, củng cố và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chương trình dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh đã được triển khai tại 15 trường tiểu học và trung học cơ sở.
Trường PTDTBT Tiểu học Ta Ma, huyên Tuần Giáo là một trong những đơn vị trường học đầu tiên triển khai dạy tiếng Mông theo Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Chương trình được triển khai từ lớp 3 đến lớp 5, học sinh đã tương đối thuần tiếng phổ thông nên việc nắm bắt kiến thức tiếng Mông khá thuận lợi.
Đặc biệt, nhờ việc chủ động truyền dạy tiếng dân tộc cho học sinh, đội ngũ giáo viên là người dân tộc Thái, dân tộc Mông đã sáng tạo, linh hoạt làm đồ dùng dạy học và sử dụng phù hợp với đặc thù và vùng miền nhằm nâng cao chất lượng truyền thụ tiếng dân tộc.
Đồng thời, việc lựa chọn lồng ghép giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán, các trò chơi dân gian,... của các dân tộc thông qua các chương trình chính khóa, ngoại khóa, các hoạt động tập thể cũng giúp học sinh hứng thú và dễ tiếp thu hơn với việc học tiếng dân tộc.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, nhiều trường học cho biết, việc dạy tiếng dân tộc gặp phải một số khó khăn. Đó là nội dung kiến thức còn hơi nặng với học sinh khối lớp 3 bởi một số phần học sinh hơi khó nhớ và khó hiểu. Do vậy, đề nghị trong thời gian tới Đề án nên giảm tải bớt chương trình cho khối lớp 3.
Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, cho biết: Khi bắt đầu triển khai Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2011 – 2020, huyện Tuần Giáo chỉ có có 2 trường, 4 lớp và 85 học sinh học tiếng Thái; 1 trường, 2 lớp và 48 học sinh học tiếng Mông. Đến nay, sau nhiều năm triển khai thực hiện Đề án quy mô trường, lớp, học sinh học tiếng dân tộc trên địa bàn huyện Tuần Giáo được mở rộng theo từng năm.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc, tỉnh Điện Biên sẽ vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học môn tiếng Việt vào dạy tiếng dân tộc; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; xây dựng đội ngũ quản lý viên chức quản lý chỉ đạo dạy tiếng dân tộc có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, hiểu biết tiếng, chữ viết và văn hóa dân tộc...