Kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh

GD&TĐ - Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục trong nhóm các môn học bắt buộc. Đây là hoạt động giáo dục và dạy học được tổ chức trong môi trường học tập bằng chính sự trải nghiệm của mỗi cá nhân. Học sinh được tham gia trực tiếp vào hoạt động để phát huy năng lực sáng tạo, thích ứng với bối cảnh.

Giao lưu với các vị khách mời trong Chương trình giao lưu “Mãi mãi khắc ghi tên anh - người chiến sĩ Điện Biên Phủ anh hùng”
Giao lưu với các vị khách mời trong Chương trình giao lưu “Mãi mãi khắc ghi tên anh - người chiến sĩ Điện Biên Phủ anh hùng”

Là một giáo viên Ngữ văn tâm huyết, có gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Hoàng Hà - trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên chia sẻ kinh nghiệm thực tế để triển khai hiệu quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

Cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn

Với mục tiêu hình thành phẩm chất, năng lực học sinh và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có vai trò quyết định để đạt mục tiêu đó.

Trải nghiệm sáng tạo gồm nhiều hình thức khác nhau như: Hoạt động câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện, tổ chức trò chơi, tham quan dã ngoại, sân khấu hóa, hoạt động nhân đạo….

Bản chất của hoạt động này là vận dụng nội dung môn học, các kiến thức để thực hành, vận dụng, giải quyết các vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Học sinh được chủ động tham gia, trải nghiệm, sáng tạo những vấn đề lí thuyết để tạo ra các sản phẩm. Có thể nói trải nghiệm là cầu nối hữu hiệu giữa lí thuyết được giảng dạy và thực tiễn cuộc sống.

Tiết mục văn nghệ Giải phóng Điện Biên do học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên biểu biễn
Tiết mục văn nghệ Giải phóng Điện Biên do học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên biểu biễn

Trải nghiệm sáng tạo không hề mới 

 "Có thể khẳng định, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là không hề mới, chúng ta đã và đang thực hiện hiệu quả. Năm học này, trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm sáng tạo bằng việc tăng cường tổ chức các Câu Lạc bộ để phát huy năng khiếu, sở thích, đam mê của các em. Đây là hình thức hoạt động của một nhóm học sinh có cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu… dưới định hướng của các thầy cô giáo nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực." - Cô giáo Hoàng Hà

Trải ngiệm sáng tạo là một khái niệm khái niệm khá mới mẻ. Thoạt nghe tưởng chừng xa lạ, cần có sự bồi dưỡng dài hơi, có giáo viên chuyên nghiệp để đảm đương trọng trách này, nhưng thực tế, chính những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy đã và đang thực hiện, một số đã thực hiện khá tốt các nội dung của trải nghiệm sáng tạo trong học sinh. Vậy minh chứng nào nói lên điều đó?

Theo cô Hoàng Hà, trong từng môn học, giáo viên thường đặt ra những vấn đề để tạo cho học sinh những “băn khoăn”: “Tại sao rượu làm đỏ mặt người và bôi đen danh dự?”; Tại sao “Dao sắc không bằng chắc kê?”, tại sao “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, nghe tiếng sấm nổ phất cờ mà lên?”; Chúng ta đã đặt ra những vấn đề của thực tiễn và học sinh cần tìm hiểu những kiến thức của môn Lí, môn Hóa, Sinh, Công nghệ… để giải quyết các vấn đề trên.

Liên hệ thực tế, học sinh sẽ thấy rằng, đó là những kinh nghiệm của cha ông để lại nhưng rất chính xác, khoa học, từ đó vận dụng vào lao động, sản xuất ở địa phương.

Đối với môn Ngữ văn, khi giáo viên cho học sinh viết lại kết thúc truyện cũng chính là những trải nghiệm sáng tạo lí thú, tạo niềm say mê, hứng thú bên cạnh những bài giảng trên lớp.

Ví dụ: Truyện Tấm Cám, thay vì “cô Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố, Cám chét, mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”, các em đã có sáng tạo, viết kết thúc khác để cô Tấm được mang vẻ đẹp toàn vẹn của người con gái Việt Nam dịu dàng, nết na.

Hay khi tưởng tượng mình là nhân vật Mị Châu, sau khi chết, xuống Thủy cung gặp lại Trọng Thủy và kể lại câu chuyện đó, bao giận hờn, oán trách được giãi bày sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó….; Hóa thân thành các nhân vật Cải, Ngô đánh nhau, lén lút đến đút lót quan huyện và cảnh xử án…

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo với chủ đề “Mãi mãi khắc ghi tên anh - người chiến sĩ Điện Biên Phủ anh hùng” thu hút sự tham gia của rất đông học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo với chủ đề “Mãi mãi khắc ghi tên anh - người chiến sĩ Điện Biên Phủ anh hùng” thu hút sự tham gia của rất đông học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên

Các khâu chuẩn bị một hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Muốn tổ chức hiệu quả các câu lạc bộ trải nghiệm sáng tạo, mỗi giáo viên cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

1. Mỗi Câu lạc bộ cần có tôn chỉ, mục đích, những nguyên tắc nhất định về: Tinh thần, thời gian, địa điểm, sự công bằng, sự cống hiến sáng tạo, tôn trọng, bình đẳng.

2. Tìm ra các ý tưởng tốt để xây dựng chủ đề, xác định mục tiêu, phương thức hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể, coi trọng sản phẩm của học sinh sau một chủ đề.

Chủ đề phải xuất phát từ mối quan tâm, hứng thú của học sinh, phải có mối liên hệ mật thiết hoặc xuất phát từ chính cuộc sống, trải nghiệm của học sinh; Chủ đề phải phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; Chủ đề phải có tính hợp lý trong mối quan hệ với mùa và sự sắp xếp chương trình của nhà trường.

3. Giáo viên cần thắp lên ngọn lửa đam mê để rồi cháy hết mình thắp sáng đường đi cho học trò. Bởi các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đòi hỏi chính chúng ta cũng phải suy tư, trăn trở thay vì chỉ quan tâm đến các tiết lên lớp.

4. Luôn động viên, khích lệ, tạo cho học sinh sự chủ động, tự tin khi trải nghiệm sáng tạo bởi học sinh là người được tham gia trực tiếp vào các hoạt động đó nhằm thích ứng với bối cảnh nhà trường.

5. Sau mỗi hoạt động, coi trọng sự đánh giá của chính học sinh, học sinh biết bảo vệ, lí giải thành quả mà mình làm được, tạo cơ hội để học sinh đánh giá chéo lẫn nhau..

Chụp ảnh lưu niệm với các khách mời của Chương trình
Chụp ảnh lưu niệm với các khách mời của Chương trình 
“Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giúp các em học sinh hiểu sâu sắc, toàn diện hơn các bài học trên lớp, đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện, tiệm cận mục tiêu của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình” – Cô Hoàng Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.