Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh

GD&TĐ - Theo tin từ trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên, vào lúc 19h30, ngày 28/10/2017, nhà trường sẽ tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh với chủ đề “Mãi mãi khắc ghi tên anh - người chiến sĩ Điện Biên Phủ anh hùng”.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên (Ảnh: nguồn http://dienbientv.vn)
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên (Ảnh: nguồn http://dienbientv.vn)

Chương trình nhằm mục đích: Bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào trước những chiến công của cha anh qua việc tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, những chiến công hiển hách hay sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Điện Biên anh hùng. Từ niềm tự hào, từ nhận thức đúng đắn về vai trò trách nhiệm của cá nhân, mỗi học sinh sẽ có những hành động cụ thể thiết thực hữu ích trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Các khối liên kết của nhà trường sẽ thể hiện các phần thi: Hoạt cảnh, thi hát, thi kể chuyện về tấm gương của các anh hùng vang danh tại chiến trường Điện Biên Phủ như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can…

Phần giao lưu với các bác cựu chiến binh - những chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường lịch sử Điện Biên Phủ sẽ là phần hứa hẹn nhiều cảm xúc nhất, những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia học tập, chiến đấu cùng đơn vị; từng chứng kiến cái chết bi hùng của anh hùng Tô Vĩnh Diện sẽ được các bác tái hiện; khó khăn gian khổ, tình đồng chí đồng đội sẽ được các bác chia sẻ trong buổi ngoại khóa này.

Để thể hiện hiểu biết, cảm nhận về những tấm gương anh hùng ấy, phần thi hùng biện sẽ đem lại những nhận thức về quá khứ lịch sử hào hùng và ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chương trình cũng sẽ mang đến các tiết mục văn nghệ hấp dẫn, tái hiện lại không khí của chiến dịch Điện Biên Phủ như: Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên (Đỗ Nhuận),...

Theo chia sẻ của cô giáo Hoàng Hà - Tổ Ngữ văn: “Chương trình này là một trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào việc đổi mới hoạt động dạy học của nhà trường - gắn lý thuyết với thực tiễn, rèn các kĩ năng sống cần thiết cho học sinh. Đây là hoạt động được tất cả các em học sinh trong trường náo nức chuẩn bị và mong đợi tham dự.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ