Cô Nông Thị Loan - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng: Người giúp Bảo Lạc thành điểm sáng về bán trú, quy hoạch mạng lưới
Cô Nông Thị Loan |
Công tác tại một trong 60 huyện nghèo nhất trong cả nước, cô Nông Thị Loan đã có nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng giáo dục; đặc biệt có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả mô hình trường bán trú và việc quy hoạch mạng lưới trường lớp tiểu học tại huyện Bảo Lạc, giúp huyện này trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng.
Với sự đóng góp của cô Nông Thị Loan, việc thực hiện quy hoạch lớp bán trú tiểu học và công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Bảo Lạc có nhiều hiệu quả tích cực; được Sở GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương.
Cụ thể, sau 5 năm tích cực thực hiện các giải pháp dồn, ghép lớp để tổ chức các điểm trường bán trú tiểu học (từ năm 2013 đến năm 2017), đã giảm được 50 điểm trường lẻ, giảm 72 lớp ghép, dư 140 biên chế giáo viên tiểu học, xin nêu một số kết quả đạt được khi thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp tiểu học trên địa bàn huyện Bảo Lạc.
Sau khi thực hiện quy hoạch, đội ngũ giáo viên và số lượng học sinh ở các điểm trường đông hơn, phong trào thi đua dạy và học có khí thế hơn so với các điểm trường lẻ, có điều kiện tốt và tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện dồn ghép học sinh về các điểm trường thuận lợi, các em được hưởng chế độ ăn bán trú tại trường, được ăn uống và nghỉ trưa điều độ, đảm bảo tốt cho sức khoẻ, nên chất lượng học tập buổi chiều tốt hơn; học sinh đi học đều hơn, tỉ lệ chuyên cần đạt cao hơn.
Từ đó, chất lượng giáo dục tiểu học tăng lên, tỉ lệ học sinh tham gia thi đạt giải các cấp ngày càng tăng, nhiều trường từ khi tổ chức bán trú và tăng cường dạy học 2 buổi/ngày bắt đầu có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Với thành công trên, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo về quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2015-2020 tại huyện Bảo Lạc (thời điểm tháng 6/2017) để các huyện trong tỉnh tham quan, học tập.
Cô Nguyễn Kim Mai - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long: Chỉ đạo thành công nhiều mô hình giáo dục mới
Cô Nguyễn Kim Mai là người chỉ đạo các hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, hiệu quả qua mô hình “Em yêu trường em” dành cho bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Mô hình hướng tới việc tổ chức các hoạt động tập thể rèn kỹ năng sống cho học sinh: múa, kể chuyện, đọc thơ, làm thiệp chúc mừng, giới thiệu truyền thống nhà trường, làm quen bạn, trả lời nhanh các câu hỏi về kiến thức…, thu hút được hầu hết đối tượng học sinh tham gia.
Qua đây, giúp học sinh rèn kỹ năng sống, tự tin, năng động. Mô hình này đã được triển khai thực hiện hiệu quả ở các trường tiểu học trong huyện Long Hồ và nhân rộng trong tỉnh.
Cô cũng là người chỉ đạo hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh qua tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch nâng cao giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các trường phối hợp tốt với công an huyện, phụ huynh học sinh thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục pháp luật, trật tự an toàn giao thông, gương người tốt việc tốt. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt tăng hàng năm. Học sinh nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân từ đó nâng cao ý thức trong học tập và rèn luyện.
Nữ Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Hồ còn chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới tổ chức lớp học thông qua mô hình “Tiết học trải nghiệm sáng tạo”, “Tiết dạy tích hợp”,…
Các mô hình này áp dụng ở các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học cơ sở, đặc biệt là ở cấp trung học cơ sở. 14/14 trường THCS trên địa bàn huyện triển khai và thực hiện hiệu quả mô hình. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên các cấp học áp dụng hiệu quả phương pháp “bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác.
Cô đồng thời chỉ đạo hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý qua tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trong năm học 2016-2017, chỉ đạo tổ chức được 29 chuyên đề và 92 tiết dạy thao giảng cấp huyện và khối thi đua. Qua đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có dịp để chia sẻ, học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ quản lý;
Với sự chỉ đạo của cô Nguyễn Kim Mai, mô hình “Dạy bơi cho các em học sinh” được thực hiện và duy trì hàng năm, giúp học sinh phòng tránh đuối nước,… Hiện mô hình này đã được nhân rộng đối với các trường trong tỉnh…
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ: Cô giáo giúp học sinh yêu Lịch sử
Cô giáo Nguyễn Thanh Thủy nhận phần thưởng vì đã có giải nhất HSG quốc gia môn Lịch Sử năm học 2016-2017 |
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy là giáo viên tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ bởi thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử.
Năm học 2016-2017, đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử do cô Thủy phụ trách có 8/8 giải, trong đó 1 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba, 1 khuyến khích - đứng thứ 4 toàn quốc. Cho đến nay, cô đã có 52 học sinh giỏi quốc gia với 3 giải nhất, 14 giải nhì, 22 giải ba, 13 giải khuyến khích.
Cô Thủy cũng là người tham gia biên soạn chương trình chuyên bộ môn Lịch sử cho ba khối 10-11-12, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng HSG cấp tỉnh và quốc gia.
Luôn tìm tòi phương pháp mới, giúp học sinh yêu thích Lịch sử, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy đồng thời có những sáng kiến hay, sáng tạo, áp dụng hiệu quả trong dạy học. Có thể kể đến việc thiết kế trang web nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong giáo dục thông qua di sản; vận dụng phương pháp, kỹ thuật thiết kế các dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong dạy Lịch sử lớp 12; xây dựng chuyên đề “Phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cô Tô Thị Bình - Giáo viên Trường THCS Giao Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định: cô giáo luôn trăn trở đổi mới
Cô Tô Thị Bình |
Trong năm học 2016 – 2017, sáng kiến kinh nghiệm “Kỹ thuật sử dụng bất đẳng thức Cosi trong chứng minh bất đẳng thức và tìm cực trị Đại số” của cô Tô Thị Bình được sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đánh giá và công nhận là sáng kiến hợp lý trong cải tiến kỹ thuật.
Cô giáo thành Nam đã áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2016 – 2017, thu được những kết quả khá tốt.
Học sinh từ việc thụ động tiếp nhận kiến thức chuyển sang “động não”; đồng thời, học được cách tự học, cách tiếp cận một vấn đề, biết phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề. Thông qua việc yêu cầu học sinh sáng tạo các bất đẳng thức, các bài toán, giúp học sinh tiếp cận với nghiên cứu.... từ đó giúp học sinh hình thành được các phẩm chất năng lực cần thiết.
Trong giảng dạy, cô Tô Thị Bình luôn trăn trở, linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để có thể tác động tới tất cả các đối tượng học sinh trong lớp và đặc biệt chú trọng ứng dụng CNTT trong dạy học.
Cô quan niệm, giờ dạy sẽ thành công nếu giáo viên sử dụng CNTT một cách hợp lý và triệt để. Trong giờ hội giảng cấp huyện, cấp tỉnh năm học qua, cô Bình đã sử dụng phần mềm trắc nghiệm. Khi sử dụng phần mềm này, học sinh không chỉ những biết mình được bao nhiêu điểm, sai ở câu nào mà còn biết được vị trí của mình so với các bạn trong lớp.
Giáo viên sẽ có được kết quả tổng hợp nhanh chóng, bao nhiêu em đạt khá, giỏi, trung bình, học sinh sai ở câu nào nhiều nhất, để từ đó điều chỉnh phương pháp, rèn cho học sinh được tốt hơn. Nhờ sử dụng thiết bị dạy học này, đã thực sự kích thích sự hào hứng học tập của học sinh.
Cô Tô Thị Bình cũng đồng thời là giáo viên có thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Đội tuyển Toán 9 do cô phụ trách dự thi cấp tỉnh xếp thứ 5, có 7/10 em đạt giải gồm 1 giải nhất cao nhất tỉnh, 2 giải nhì, 3 giải ba, 1 giải khuyến khích.
Lớp học sinh đại trà của cô luôn dẫn đầu khối, thi vào 10 đạt 100%, trong đó có 1 em tuyển thẳng vào ĐHQG Hà Nội, điểm thi vào 10 xếp thứ ba toàn tỉnh.
Thầy Nguyễn Quốc Khởi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 2A, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng: tận tâm vì sự nghiệp giáo dục
Thầy Nguyễn Quốc Khởi (thứ 2, bên trái) cùng lãnh đạo nhà trường nhận quà tặng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu trong ngày khai giảng năm học 2017 – 2018. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng |
19 năm làm công tác quản lý trường học tại huyện Cù Lao Dung, dù là cán bộ quản lý ở trường tiểu học nào thầy Khởi cũng đem hết tâm huyết và sự nhiệt tình của mình tận tâm đóng góp cho trường.
Đối với cấp tiểu học, kinh phí hoạt động là rất ít, vì vậy thầy luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân để làm sao cho trường ngày một hoàn thiện hơn cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục.
Trong 5 năm qua, thầy đã vận động mạnh thường quân, phụ huynh học sinh đóng góp gần 198 triệu đồng, phục vụ cho việc mua cây cảnh, xây bồn hoa, bồn chải răng cho học sinh, xây dựng cột mốc Trường Sa,...
Qua 5 năm phấn đấu, đơn vị được kiểm tra và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 theo Quyết định 1096/QĐ-UNBD ngày 16/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Đây chính là thành quả mà thầy đã dày công vun đắp bằng sự nỗ lực của mình trong công tác giáo dục.