Tạo hình vẽ mô phỏng
Lý giải là hình vẽ mô phỏng, thầy Đào Thanh Tuấn cho biết, đây là hình ảnh được vẽ bằng một số nét vẽ đơn giản để mô tả những đặc điểm cơ bản nhất của một đối tượng nào đó như đặc điểm về hình dạng, vị trí, cấu tạo, chức năng, hoạt động của một bộ phận, một cơ quan, hệ cơ quan…
Hình vẽ mô phỏng thường được vẽ trên nền bảng ở lớp học hoặc trên nền giấy trắng nên nét vẽ chủ yếu được tạo ra bằng phấn viết hoặc bút dạ thẫm màu, bút chì …ít sử dụng màu sắc. Đây là hình do giáo viên tự vẽ trực tiếp trên bảng hoặc học sinh tự vẽ trên giấy; không đòi hỏi độ chính xác cao.
Để vẽ được hình vẽ mô phỏng, người vẽ có thể thực hiện theo các bước:
Vẽ khung hình chung: Quan sát và vẽ theo hình dạng cơ bản của đối tượng cần vẽ trong hình SGK, hình chụp hoặc mô hình, mẫu vật thật.
Vẽ các chi tiết thể hiện những đặc điểm cơ bản nhất của đối tượng: Dựa vào nội dung kiến thức trọng tâm của mỗi bộ phận, cơ quan, hệ cơ quan để xác định các chi tiết cần vẽ.
Khi hình vẽ mô phỏng đã đạt yêu cầu nên vẽ đi vẽ lại một số lần để ghi nhớ cách vẽ và rèn kĩ năng vẽ thành thục, nhanh gọn hơn.
Nói về tác dụng của hình vẽ mô phỏng trong Sinh học 8, thầy Đào Thanh Tuấn ch biết, bao gồm các hình về các cơ quan, hệ cơ quan, các chi tiết cấu tạo, các sơ đồ hoạt động, sơ đồ về mối quan hệ giữa các cơ quan… trong cơ thể người giúp giáo viên có thể củng cố, ghi nhớ, hệ thống hoá chính xác, nhanh chóng, hiệu quả những kiến thức cơ bản, cô đọng nhất.
Vì hình vẽ mô phỏng thể hiện đựơc những đặc điểm chính, đặc điểm nổi bật của đối tượng nên qua đó giúp giáo viên dễ dàng nắm bắt và truyền đạt đúng, đủ nội dung trọng tâm của bài học.
Đồng thời, với tính trực quan cao, hình vẽ mô phỏng có thể giúp giáo viên dễ dàng gợi mở, hỏi đáp và định hướng quá trình nhận thức của học sinh.
Hình vẽ mô phỏng có thể sử dụng phù hợp cho nhiều loại bài khác nhau như:Bài nghiên cứu kiến thức mới; bài ôn tập củng cố; bài thực hành; bài kiểm tra.
Loại hình vẽ này cũng có thể sử dụng linh hoạt trong tất cả các bước của một bài giảng như: Dùng để kiểm tra kiến thức cũ; dùng để khai thác, gợi mở kiến thức mới; dùng để củng cố kiến thức vừa học.
Cuốn hút học sinh vào bài học
Theo thầy Đào Thanh Tuấn, khi đã có kĩ năng vẽ hình mô phỏng 1 cách thành thục bản thân người giáo viên sẽ chủ động và tự tin hơn trong nhiều tình huống.
Khi giáo viên sử dụng những nét phấn đơn giản để vẽ trực tiếp hình ảnh mô phỏng về một cơ quan, một chi tiết,…nào đó đang nghiên cứu ngay trong giờ học, trước sự quan sát của học sinh thì đồng thời đã tạo ra một sức cuốn hút nhất định đưa các em tập trung vào bài học; khơi gợi học sinh trí tò mò khoa học và lòng ham học hỏi, khám phá.
Hình vẽ mô phỏng được giáo viên vẽ trực tiếp lần lượt từng chi tiết cần nghiên cứu nên học học sinh dễ dàng cô lập từng bộ phận, ít bị phân tán bởi những chi tiết khác qua đó dễ phát hiện và rút ra kết luận về vấn đề cần tìm hiểu hơn.
Hình vẽ mô phỏng cũng cung cấp cho học sinh một cách thức ghi nhớ kiến thức mới có thể tạm gọi là “Ghi nhớ kiến thức bằng cách sơ đồ hoá”, cách này giúp học sinh ghi nhớ nhanh chóng, đầy đủ những thông tin cơ bản về bộ phận, cơ quan đã học bao gồm cả những thông tin tổng quan và thông tin cơ bản trọng tâm, hiệu quả ghi nhớ lâu dài và đặc biệt dễ tái hiện khi cần.
Trong khi theo cách học cũ học sinh ghi nhớ kiến thức bằng việc học thuộc ḷng, cách ghi nhớ này tốn khá nhiều thời gian mặt khác dễ quên, khó ghi nhớ lâu dài.
Phương pháp vẽ và sử dụng hình vẽ mô phỏng, theo thầy Tuấn có thể áp dụng vào giảng dạy ở hầu hết các bài trong toàn bộ chương trình Sinh học 8 THCS hiện nay, đặc biệt ở các bài nghiên cứu kiến thức mới, bài ôn tập, bài kiểm tra.
Đồng thời, có thể áp dụng với tất cả các đối tượng học sinh từ giỏi, khá đến trung bình và yếu. Mặc dù hình vẽ mô phỏng của mỗi học sinh đạt những mức độ hoàn chỉnh khác nhau nhưng nhìn chung đều mô tả được những đặc điểm hình dạng, cấu tạo… cơ bản trọng tâm của bộ phận, cơ quan nghiên cứu điều đó chứng tỏ các em đã ghi nhớ tốt kiến thức.
Thầy Tuấn cũng lưu ý thêm: Phương pháp này không thay thế hoàn toàn các phương pháp dạy học đã có mà có thể kết hợp hài hoà, bổ trợ cho nhau để nâng cao hơn nữa sức thu hút cũng như chất lượng dạy và học Sinh học 8.
Bên cạnh môn Sinh học 8, phương pháp này còn có thể áp dụng cho nhiều môn học khác như: Sinh học 6; Sinh học 7; Sinh học 9; Địa lí; Hoá học…
Những điều kiện áp dụng
Để vận dụng hiệu quả phương pháp vẽ và sử dụng hình vẽ mô phỏng trong dạy học Sinh học 8, thầy Tuấn cho biết, giáo viên cần có tinh thần trách nhiệm với học trò và môn học mình phụ trách, phải có lòng nhiệt tình để dành thời gian rèn luyện, nghiên cứu áp dụng.
Cần trau dồi kiến thức chuyên môn đọc và nghiên cứu nội dung chương trình SGK, sách giáo viên; nội dung những hình ảnh trực quan đã có, đặc điểm trên mẫu vật... và nội dung giảm tải để từ đó xác định được các nội dung cần thể hiện trong hình vẽ mô phỏng cho phù hợp.
Cần rèn luyện kĩ năng vẽ hình vẽ mô phỏng cho nhuần nhuyễn, chính xác để tạo cho mình sự tự tin.
Phải được đào tạo đúng chuyên ngành như: Sinh - Hóa; Hóa - Sinh; Sinh - Kĩ thuật nông nghiệp; Sinh - Thể dục…
Phải linh hoạt trong việc lựa chọn, sử dụng các phương pháp dạy học. Ngôn ngữ phải rõ ràng, dứt khoát nhịp nhàng với các thao tác trên hình vẽ mô phỏng.
Về phía học sinh, phải có đầy đủ sách giáo khoa Sinh học 8, sách bài tập Sinh học 8, các dụng cụ học tập như bút chì, tẩy, thước kẻ, vở nháp; có ý thức kỷ luật nhất định, phải hoàn thành các nhiệm vụ giáo viên giao cho trong mỗi giờ học trong học tập.