Kinh nghiệm ôn tập nước rút thi tốt nghiệp THPT môn Vật lí

GD&TĐ - Giáo viên lưu ý thí sinh ôn tập môn Vật lí thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút cả về nội dung kiến thức và kỹ năng ôn tập.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Chắc lý thuyết

Cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho rằng, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi không còn nhiều, thí sinh cần tập trung nắm chắc các kiến thức cơ bản gồm những nội dung trong sách giáo khoa và một số lưu ý mấu chốt trong cách làm bài thi.

Mỗi học sinh nên đặt cho mình mục tiêu về mức điểm cần đạt, từ đó vạch rõ kế hoạch học tập để đạt được mục tiêu đó. Nội dung kiến thức chủ yếu ở chương trình Vật lí 12. Các câu vận dụng cao chủ yếu tập trung ở 3 chương đầu tiên của sách giáo khoa.

Với phần lý thuyết, cô Nguyễn Thị Huệ lưu ý: Với các định nghĩa, khái niệm, định luật, học sinh cố gắng hiểu rõ và nhớ chính xác từng ý nghĩa của các mệnh đề được phát biểu. Với công thức, cần hiểu rõ ý nghĩa, đơn vị của từng đại lượng. Tập thói quen tự làm dàn bài tóm tắt bài học theo ý mình sau khi học xong, sao cho khi học theo dàn bài sẽ dễ dàng hiểu, nhớ chính xác bài học.

Với phần bài tập, học sinh làm đầy đủ các bài từ dễ đến khó trong sách giáo khoa và sách bài tập Vật lí do Bộ GD&ĐT phát hành. Với hầu hết bài trong các bài tập này, học sinh sẽ làm được không khó khăn lắm nếu học kỹ phần lý thuyết.

Ở từng chương trong sách bài tập thường có một hay hai bài tập mức độ khó, cần cố gắng làm những bài tập này sau khi làm các bài tập dễ và trung bình. Học sinh cần phải làm nhiều bài tập đa dạng khác nhau, từ dễ đến khó, lập nhóm từ 3-5 người, cùng nhau giải bài tập, học bài với nhóm.

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt.

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt.

Lượng sức để có kế hoạch ôn tập phù hợp

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý ôn thi theo từng nhóm năng lực học sinh.

Theo đó, học sinh có học lực yếu, mất gốc kiến thức, nên đặt mục tiêu từ 5-6 điểm. Nếu tính 3 môn, mỗi môn khoảng 5 điểm, các em vẫn có cơ hội vào các trường ở mức độ trung bình 15-18 điểm. Với lực học và mục tiêu này, học sinh tập trung học những chuyên đề dễ “ăn điểm” trước (thường tập trung tại các chương ở học kỳ 2 lớp 12 và các vấn đề cơ bản của 3 chương học kỳ 1 lớp 12).

Trong quá trình hoàn thành các chương học kỳ 2, học sinh nên học chắc để tránh phải vòng lại. Tầm cuối tháng 4, các em quay lại ôn tập 3 chương học kỳ 1; cuối tháng 4, đầu tháng 5 tập trung luyện đề.

Đối với học sinh có học lực trung bình, trung bình khá: Nếu điểm thi thử đạt từ 5-6 điểm, các em nên đặt mục tiêu 7 - 8 điểm để phấn đấu các trường tốp cận trên với điểm chuẩn dao động từ 17 - 20 điểm. Cách học theo hướng khắc phục vấn đề còn yếu (có thể tự tìm bài tập, luyện tập và so sánh đáp án). Ngoài ra nên làm thêm các vấn đề ở mức độ nâng cao, các vấn đề mới. Trong giai đoạn này, học sinh nên lựa chọn hình thức học là luyện hệ thống đề thi chuẩn mực và chất lượng.

Với những học sinh có học lực khá, giỏi, nên đặt mục tiêu 9 - 10 điểm để có động lực phấn đấu các trường tốp trên. Các em tìm các câu hỏi khó, lạ để rèn luyện thêm (các câu trong chương trình học). Các câu hỏi này thường nằm ở các chuyên đề Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều.

Học sinh cần lưu ý, để tăng từ 4 lên 7 điểm dễ hơn rất nhiều việc tăng từ 8 lên 9 hoặc từ 9 lên 10. Điểm 9, 10 yêu cầu sự chính xác, tốc độ làm bài nhanh. Vì thế, học sinh cần rèn luyện đề để rèn phản xạ tức thì; đồng thời nên tự xây dựng quy trình giải nhanh riêng cho bản thân hoặc các quy tắc nhớ riêng của bản thân.

Đưa thêm một số lưu ý chung trong quá trình ôn tập kiến thức, cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho rằng: Học sinh phải hết sức tập trung vào những nội dung vừa sức và dễ lấy điểm dựa theo năng lực của mình.

Có các dạng bài tập trọng tâm, điển hình trong đề thi mà năm nào hầu như cũng có. Để rút ra những dạng bài này, học sinh có thể tham khảo phân tích cấu trúc đề thi đại học môn Vật lí trong những năm gần đây. Tránh học những nội dung đã giảm tải để tiết kiệm thời gian.

Lịch thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ