Đánh giá của cô Phạm Thị Minh Nguyệt, đề tham khảo có các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ trong sáng và không gây hiểu nhầm cho học sinh, đảm bảo học sinh hiểu đúng và dễ dàng tư duy đến các đơn vị kiến thức.
Nội dung của đề bảo đảm yêu cầu cao về chuẩn kiến thức kỹ năng, bao phủ toàn bộ chương trình Vật lí THPT (chủ yếu là Vật lí 11 và Vật lí 12).
Cụ thể, nội dung Vật lí lớp 12 chiếm 90% đề thi (36/40 câu) phủ đều tất cả các chương của học kỳ I (chương 1, 2, 3 có 21 câu hỏi chiếm 52,5%) và học kỳ II (chương 4, 5, 6 có 15 câu hỏi chiếm 37,5%).
Nội dung Vật lí lớp 11 chiếm 10% đề thi (4/40 câu), chủ yếu rơi vào các cấp độ nhận biết và thông hiểu, thuộc các chương: Điện tích – điện trường, dòng điện không đổi, cảm ứng điện từ, khúc xạ ánh sáng. Không có câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt. |
Ma trận đề thi như sau:
LỚP | Chương | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao | Tổng |
12 | 1. Dao động cơ học | 3 | 2 | 1 | 1 | 7 |
2. Sóng cơ và sóng âm | 3 | 1 | 1 | 1 | 6 | |
3. Điện xoay chiều | 3 | 2 | 2 | 1 | 8 | |
4. Dao động và sóng điện từ | 2 | 1 | 3 | |||
5. Sóng ánh sáng | 1 | 1 | 1 | 3 | ||
6. Lượng tử ánh sáng | 2 | 1 | 1 | 4 | ||
7. Hạt nhân nguyên tử | 3 | 1 | 1 | 5 | ||
11 | 8. Điện tích – Điện trường | 1 | 1 | |||
9. Dòng điện không đổi | 1 | 1 | ||||
10. Dòng điện trong các MT | 0 | |||||
11. Từ trường | 0 | |||||
12. Cảm ứng điện từ | 1 | 1 | ||||
13. Khúc xạ ánh sáng | 1 | 1 | ||||
14. Mắt. Các dụng cụ quang | 0 | |||||
TỔNG | 20 | 10 | 6 | 4 | 40 |
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho biết: Đề có 20 câu đầu ở mức độ nhận biết. Học sinh chỉ cần nhớ các nội dung kiến thức trong sách giáo khoa đã dễ dàng tìm được phương án trả lời chính xác trong khoảng thời gian ngắn và phù hợp với học sinh ở các vùng miền, đảm bảo mức độ xét tốt nghiệp.
Ở mức độ thông hiểu (10 câu tiếp theo của đề thi) với chỉ hai phép tư duy, học sinh trung bình và khá trở lên dễ dàng làm được và đảm bảo mức độ xét tốt nghiệp cũng như tuyển sinh vào các trường đại học top 3, top 2.
Ở mức độ vận dụng (gồm 6 câu) yêu cầu học sinh phải tư duy đến nhiều đơn vị kiến thức và vận dụng linh hoạt các phép toán để đưa đến phương án trả lời chính xác.
Các câu hỏi ở mức độ vận dụng cũng khá quen thuộc nên không gây quá nhiều khó khăn cho học sinh, các em đọc đề bài đã có thể hình dung ra con đường để giải quyết bài toán. Tuy nhiên với yêu cầu phân hóa học sinh nên để giải quyết được nội dung của các câu này học sinh phải dành khá nhiều thời gian.
Ở mức độ vận dụng cao (khoảng 4 câu), chiếm 10% đề thi. Các câu hỏi mức độ này trong đề thi năm nay rất sáng tạo, không chỉ đòi hỏi kỹ năng tính toán mà còn yêu cầu rất cao về tư duy vật lí (câu dao động cơ, câu sóng cơ và câu giao thoa ánh sáng).
Dù yêu cầu cao về mặt tư duy, nhưng nội dung các câu hỏi không đánh đố học sinh. Chỉ cần nắm chắc và vận dụng linh hoạt các kiến thức, có kỹ năng toán học tốt là học sinh có thể giải quyết được bài toán và đảm bảo tính phân hóa cao để xét tuyển vào các trường đại học trọng điểm trong cả nước.
Thêm nữa, đề thi năm nay các câu hỏi liên quan đến nhiều chủ đề, nhiều lĩnh vực kiến thức, xuất hiện những câu hỏi vận dụng kiến thức Vật lí vào đời sống, những câu hỏi yêu cầu học sinh đưa ra các phương án thí nghiệm, gắn liền Vật lí với thực tiễn. Các mức độ kiến thức của đề thi có sự chuyển tiếp linh hoạt, đảm bảo sự sâu chuỗi giữa các đơn vị kiến thức.