Chia sẻ nhận định về đề tham khảo môn Vật lí, cô Phạm Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Đề bao gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án lựa chọn được sắp xếp thành 2 nhóm. Nhóm có mức độ nhận biết thông hiểu từ câu 1 - 30. Nhóm có mức độ vận dụng, vận dụng cao từ câu 31 - 40. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp từ dễ đến khó.
Kiến thức lớp 12 chiếm 90% trong đề tham khảo (36/40 câu), phủ đều tất cả các chương của học kỳ I (chương 1, 2, 3 có 21 câu hỏi, chiếm 52,5%) và học kỳ II (chương 4, 5, 6 có 15 câu hỏi, chiếm 37,5%).
Kiến thức lớp 11 chiếm 10% đề thi (4/40 câu), chủ yếu rơi vào các cấp độ nhận biết và thông hiểu. Không có câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao thuộc các chương: Điện tích - điện trường, dòng điện không đổi, cảm ứng điện từ, khúc xạ ánh sáng.
Câu hỏi trong đề không đánh đố. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt từ 7 - 7,5 điểm. Học sinh có năng lực, tư duy tốt, các con hoàn toàn có thể đạt điểm 9.
Từ phân tích đề tham khảo, cô Phạm Thị Minh Nguyệt lưu ý, khi ôn tập học sinh cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Vật lí 12 của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH.
Học sinh cũng cần tăng cường học để hiểu rõ bản chất kiến thức Vật lí, ghi nhớ được khái niệm của các đại lượng Vật lí. Việc ghi nhớ được các công thức và hiểu được các đại lượng, ký hiệu và đơn vị là rất cần thiết.
Ảnh minh họa/ITN. |
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt cũng cho rằng, học sinh nên biết hệ thống kiến thức đã học thông qua các sơ đồ tư duy, lập bảng tóm tắt, bảng so sánh, ghi chú các công thức hay mẹo tính nhanh... Cách này sẽ giúp các em nhớ sâu bài học, từ đó có thể giải quyết nhanh các dạng toán liên quan.
“Các em nên nhớ nắm thật vững lý thuyết trong sách giáo khoa. Các bài tập mức độ cơ bản phải làm thật chính xác, kỹ càng, không được chủ quan, hạn chế tối đa những sai sót có thể. Dành nhiều thời gian để luyện tập giải đề, nhằm củng cố kiến thức đã học một cách đầy đủ và hệ thống”, Phạm Thị Minh Nguyệt lưu ý thêm.
Cũng đưa một số lời khuyên với học sinh sau phân tích đề tham khảo môn Vật lí, thầy Phan Khắc Toàn, Trường THPT Bình Minh, Vĩnh Long cho rằng, học sinh cần học chắc những kiến thức thức cơ bản theo tinh thần sách giáo khoa trước khi phát triển các dạng bài nâng cao.
Cùng với đó, ôn nội dung kiến thức Vật lí lớp 11 trước, ôn kiến thức Vật lí lớp 12 sau. Sau đó kết hợp giải các đề ôn tổng hợp theo cấu trúc đề tham khảo năm 2023. Các em cũng cần bổ sung những kiến thức liên hệ thực tế đời sống và kỹ thuật, những kiến thức cơ bản về thí nghiệm thực hành.
Đối với giáo viên, theo thầy Phan Khắc Toàn, cần phân bố thời lượng ôn tập phù hợp, không nên tập dành quá nhiều thời gian cho kiến thức vật lí 11 (vì chỉ có 4 câu trong đề thi.
Giáo viên giảng dạy nên xây dựng kế hoạch ôn tập và phân bố thời gian ôn tập cho phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với lượng kiến thức theo đề tham khảo. Trên cơ sở đó, giáo viên bám sát vào đề tham khảo để soạn nhiều đề ôn luyện phù hợp với năng lực học sinh của lớp ôn tập.
Với cô Nguyễn Ngọc Châu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre),giáo viên nên lưu ý ôn tập cho học sinh vững kiến thức nền. Hướng dẫn học sinh nắm chắc kiến thức về các hiện tượng, bản chất, tính chất của các đại lượng, các trường hợp đặc biệt hay xảy ra; cách suy luận từ công thức cơ bản ra các trường hợp liên quan. Quan tâm hơn các bài tập định tính, bài toán có đáp án là các biểu thức.