Kinh nghiệm huyện vùng khó triển khai Thông tư 30

GD&TĐ - Sau một học kỳ đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, cô Đặng Thị Ngọc Hà - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) - cho biết: Quy định mới đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trên địa bàn.

Kinh nghiệm huyện vùng khó triển khai Thông tư 30

Chỉ đạo, triển khai cụ thể đến từng chi tiết

Chia sẻ của cô Đặng Thị Ngọc Hà, việc đầu tiên khi triển khai thực hiện Thông tư 30, phòng GD&ĐT đã lựa chọn và cử đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán có chất lượng tham gia tập huấn tại Bộ GD&ĐT, tiếp thu trực tiếp nội dung Thông tư 30 do lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học triển khai.

Ngay sau khi tập huấn tại Bộ GD&ĐT về cơ sở, các giảng viên đã tập trung nghiên cứu tài liệu trước khi tổ chức tập huấn cấp huyện cho 100% số cán bộ quản lý, giáo viên tại 38/38 trường tiểu học trong toàn huyện. Qua tập huấn, cán bộ quản lý và giáo viên đã thấu hiểu mục đích đánh giá học sinh theo Thông tư 30, từ đó vững triển khai, thực hiện.

Việc quan trọng tiếp theo là triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo các cấp về việc thực hiện thông tư này. Đồng thời, chỉ đạo các trường làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông tới phụ huynh học sinh, giúp họ hiểu và nhận thức đúng về Thông tư.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chi tiết, cụ thể từng loại hồ sơ sổ sách theo Thông tư 30.

Việc giải thích để giáo viên và cha mẹ học sinh hiểu việc kiểm tra định kì cũng được chú trọng. Theo đó, bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, góp ý những hạn chế của học sinh và được chấm điểm.

Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để xếp loại học sinh hay để so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu để giáo viên, cha mẹ học sinh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh trong học kì, trong năm học. Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp học sinh học tốt hơn” - cô Đặng Thị Ngọc Hà cho biết.

Cùng với những công việc trên, phòng GD&ĐT Điện Biên đã ra quyết định thành lập nhóm cốt cán cấp huyện để tham gia hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các trường trong quá trình thực hiện Thông tư 30/2014.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai hướng dẫn các trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường, cấp trường, theo tổ, đưa nội dung đánh giá học sinh theo Thông tư 30 vào các buổi sinh hoạt chuyên đề để cán bộ quản lý, giáo viên cùng trao đổi, thảo luận, giải quyết khó khăn vướng mắc và cùng thống nhất cách thực hiện đánh giá học sinh cho thật hiệu quả.

Những chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục toàn diện

Sau một học kỳ triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo TT 30/2014 tại 38/38 trường tiểu học,với số lượng 513 lớp và 10.503 học sinh, cô Đặng Thị Ngọc Hà cho hay, đánh giá học sinh theo hướng đổi mới đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Quy định mới khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng của mình trong quá trình học tập, học sinh tập thoải mái, nhẹ nhàng trong từng tiết học. Đồng thời, giúp giáo viên kịp thời phát hiện cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ; phát hiện hạn chế của học sinh để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình học tập.

Đặc biệt, với học sinh dân tộc, các em đã có sự chuyển biến tích cực về kỹ năng giao tiếp, hợp tác, kỹ năng tự phục vụ, tự quản; có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập.

Cô Đặng Thị Ngọc Hà chia sẻ: Qua dự giờ thăm lớp của cán bộ quản lý phòng GD&ĐT và đoàn công tác của Sở GD&ĐT tại các trường học, giáo viên đều nhận xét bước đầu là: Đánh giá học sinh theo Thông tư 30 toàn diện hơn, học sinh hứng thú học tập hơn, không khí lớp học nhẹ nhàng, thân thiện, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong học kỳ I năm học 2014 - 2015, nhưng cô Đặng Thị Ngọc Hà cho biết, trong thời gian tới, phòng GD&ĐT huyện Điện Biên vẫn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh về ý nghĩa tích cực của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, chỉ đạo hiệu quả việc sinh hoạt chuyên đề theo cụm trường, theo trường và theo tổ để giáo viên cùng nhau trao đổi học tập cách đánh giá học sinh theo hướng đổi mới.

Đồng thời, chỉ đạo các trường tiếp tục triển khai và thực hiện tích cực hiệu quả việc đánh giá học sinh theo quy định mới và huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ học sinh vào quá trình thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ