Hơn 700 hiệu trưởng trường tiểu học Hà Nội nhiệt tình áp dụng Thông tư 30

GD&TĐ - Đây là khẳng định của ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội sau khi phân tích trả lời câu hỏi vì sao hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học “im lặng” trong cuộc họp trực tuyến sơ kết học kỳ I do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khi đề cập đến Thông tư 30.

Hơn 700 hiệu trưởng trường tiểu học Hà Nội nhiệt tình áp dụng Thông tư 30

Vì sao lại khẳng định như vậy, ông Phạm Xuân Tiến có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo GD&TĐ:

Bám sát cơ sở chỉ đạo thực hiện Thông tư 30

Ngày 21/1/2015, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức họp trực tuyến đến hiệu trưởng tất cả các trường trên địa bàn. Việc các hiệu trưởng không có phản hồi gì về Thông tư 30, có thể là bởi chưa quen với hình thức họp này. 

PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến. 

Bên cạnh đó, có rất nhiều giải đáp các băn khoăn, thắc mắc về Thông tư 30 được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu nói cũng sẽ trùng vào những ý kiến đã có trên các kênh thông tin này.

Nhưng lý do quan trọng nhất, theo tôi là trong quá trình thực hiện Thông tư 30, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức những đoàn đi khảo sát tại 18 trên tổng số 30 quận huyện với tất cả khoảng ngoài 50 trường tiểu học.

Trong quá trình khảo sát, Sở GD&ĐT đã trực tiếp trả lời, giải đáp rất nhiều băn khoăn của cơ sở về thực hiện Thông tư 30, đặc biệt là cách ghi nhận xét và ghi chép sổ sách. Đồng thời, ngay sau đó, Sở đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các trường triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng công khai toàn bộ số điện thoại di động, điện thoại cơ quan và địa chỉ mail của cán bộ, do đó, các trường có thể gửi những thắc mắc trực tiếp liên quan đến vấn đề này.

Có hiệu trưởng đã xin ý kiến tôi: Phần nhận xét cuối học kỳ I trong sổ liên lạc giống nhận xét cuối học kỳ I trong học bạ, nếu phải giáo viên phải chép lại rất vất vả. 

Tôi đã có chỉ đạo, chỉ cần phô tô lại phần nhận xét đó từ học bạ, phát cho phụ huynh học sinh cùng với sổ liên lạc, như thế, giáo viên sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Hiệu trưởng hoàn toàn có quyền quyết định việc này vì sổ liên lạc không mang tính pháp quy.

Còn tại buổi sơ kết học kỳ I vừa qua, tôi cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường còn những điều gì băn khoăn chưa nói được, hoặc chưa có dịp để nói thì gửi về phòng GD&ĐT. Phòng GD&ĐT sẽ giải đáp những thắc mắc đó, những gì không giải đáp được thì gửi về Sở GD&ĐT để Sở giải quyết.

- Thông tư 30 đã chính thức có 1 học kỳ đi vào cuộc sống. Tại Hà Nội, quy định mới này đã được triển khai thực hiện như thế nào, có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về triển khai Thông tư 30, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cử cán bộ cốt cán của các quận, huyện tham gia tập huấn. Sau đó, các quận, huyện tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên trên địa bàn; Sở GD&ĐT tham dự và có ý kiến chỉ đạo, đồng thời tổ chức các chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm khi thực hiện Thông tư 30.

Trên thực tế, nhìn chung, giáo viên đều hiểu và đánh giá cao tính ưu việt của Thông tư 30. Một số băn băn khoăn, vướng mắc liên quan đến việc ghi chép trên hệ thống hồ sơ sổ sách và nhận xét trên vở học sinh đã được Sở GD&ĐT hướng dẫn kịp thời.

Ghi nhận xét: Không phải "phủ xanh đất trống, đồi trọc"

- Khi thực hiện Thông tư 30, ban đầu, nhiều giáo viên khắp cả nước khá bối rối về việc ghi nhận xét. Ông có thể chia sẻ cách làm của Hà Nội khi chỉ đạo thực hiện những nội dung này?

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội: Trước đây giáo viên chấm chữa và cho điểm, bây giờ giáo viên chấm chữa mà không cho điểm.

Khi chữa, giáo viên chỉ lưu ý những lỗi học sinh chưa hoàn thành và dành thời gian cho học sinh hoàn thành. Việc đó không phải một mình cô giáo làm mà học sinh đổi vở cho bạn bên cạnh để đánh giá lẫn nhau.

Nên hầu hết các bài đều có bút tích của hoặc cô giáo hoặc học sinh, giúp học sinh tiến bộ kịp thời chứ không phải đến kiểm tra định kỳ như trước đây giáo viên mới nhận xét kỹ, có ý kiến để học sinh sửa lỗi.

Sở cũng lưu ý các cô viết nhận xét không được lặp đi lặp lại nhiều lần và phải chỉ ra được cái học sinh cần cố gắng mang tính động viên khích lệ. 

Không cần và cũng không quá nặng nề nhận xét bằng viết mà tăng cường nhận xét bằng lời nói. Có thể nói riêng với con, cũng có thể nhận xét trước lớp, phải đa dạng hóa, không cứng nhắc chuyện nhận xét.

Chính vì vậy, nhận xét vở của học sinh đã giảm áp lực cho giáo viên; đồng thời, đa dạng việc nhận xét đúng theo tinh thần của Thông tư 30.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo: Cuối tuần, giáo viên yêu cầu các con về nhà cho bố mẹ xem vở. Tuy nhiên, phụ huynh nếu muốn có thể xem hàng ngày, có thể có ý kiến nhận xét về con mình, cũng có thể có ý kiến đề nghị với cô giáo hỗ trợ giúp đỡ con. Như vậy, đảm bảo các đối tượng đều được tham gia đánh giá, hỗ trợ giúp đỡ trẻ tiến bộ.

- Vấn đề sổ sách cũng khiến nhiều giáo viên lo ngại khi thực hiện Thông tư 30. Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo cụ thể về vấn đề này như thế nào?

Trước đây, sổ theo dõi đánh giá chỉ có điểm nhưng giờ không có điểm nữa, người ta bỏ trống bằng các dòng, giáo viên sẽ viết vào. Trong đó, có 3 nội dung về kiến thức kỹ năng, phẩm chất và năng lực.

Thông tư 30 thì nói rất cụ thể, chi tiết, nhưng trong sổ hướng dẫn đã chốt lại, giáo viên chỉ ghi những gì là thiếu sót của học sinh để hỗ trợ các em tiến bộ, hoặc điều gì thật nổi bật, dạng như năng khiếu để học sinh thúc đẩy năng khiếu đó ở mức độ cao hơn.

Chính vì vậy, việc ghi chép không phải làm theo kiểu "phủ xanh đất trống, đồi núi trọc", dòng nào cũng viết, như thế sẽ rất vất vả.

Quan điểm của Sở GD&ĐT: Đó là nhật ký của các cô, các cô không cần viết dài với những nội dung chung chung, viết như thế nào các cô hiểu và giúp học sinh tiến bộ là được.

Trên tinh thần như vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng quán triệt hiệu trưởng và các phòng GD&ĐT khi kiểm tra không máy móc trong chuyện có những em học sinh giáo viên không ghi chép gì.

Sau chỉ đạo đó, giáo viên cảm thấy rất nhẹ nhàng và đỡ băn khoăn, áp lực hơn về sổ sách, nhận xét. Đồng thời, các thầy cô cũng nhận thấy rõ hình thức đó đem lại hiệu quả cao trong tăng cường hiệu quả dạy và học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.