“Quả ngọt” với Thông tư 30

GD&TĐ - Chỉ sau một học kỳ triển khai cách đánh giá mới với học sinh tiểu học, những thay đổi đã thấy rõ tại Trường tiểu học xã Thanh Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

“Quả ngọt” với Thông tư 30

Thay đổi không chỉ ở kết quả được minh chứng rõ ràng qua tỷ lệ học sinh hoàn thành môn học; học sinh được đánh giá đạt về năng lực và phẩm chất, mà quan trọng hơn, đó là những chuyển biến tích cực trong nhận thức từng cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường.

Để có được những kết quả này, ngoài công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo trao đổi, chuyên đề liên quan đến triển khai thực hiện Thông tư 30, những nội dung các giáo viên thường băn khoăn như cách ghi nhận xét, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, cách ghi học bạ… cũng được nhà trường hết sức chú trọng.

Đổi mới với cách ghi nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục

Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Hằng - Hiệu trưởng - với ghi nhận xét tháng, nhà trường quán triệt chỉ ghi các điểm nổi bật tiến bộ hoặc vấn đề còn hạn chế của môn học, hoạt động giáo dục trong tháng. Các môn, hoạt động giáo dục khác đã đạt chuẩn kiến thức kỹ năng, không nhất thiết phải ghi nhận xét.

Trường hợp học sinh còn nhiều nội dung hạn chế, cần lựa chọn các môn học hoặc nội dung kiến thức, phẩm chất, năng lực cơ bản, cần thiết nhất để nhận xét, điều chỉnh và hỗ trợ học sinh tiến bộ.

Riêng phần tổng hợp kết quả đánh giá học sinh cả năm học, đối với sổ theo dõi chất lượng giáo dục (dùng cho giáo viên chủ nhiệm), Ban giám hiệu thống nhất chỉ đạo: Với môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3, ghi kết quả môn học bằng dấu X mức độ hoàn thành vào cột thường xuyên (TX), để trống nếu chưa hoàn thành; cột định kỳ (ĐK) để trống.

Đối với các môn Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật, Thể dục: Ghi kết quả môn học bằng dấu X mức độ hoàn thành vào cột TX (cuối HKI); chưa hoàn thành để trống, cột TX (cuối năm học) để trống.

Năng lực, phẩm chất: Ghi kết quả đạt bằng dấu X vào cột TX (cuối HKI), chưa đạt để trống; cột TX (cuối năm học) để trống.

Cột khen thưởng, hoàn thành chương trình lớp học, lên lớp chỉ ghi thời điểm cuối năm học.

Với sổ theo dõi chất lượng giáo viên bộ môn, nhà trường quy định rõ: Ở các trang 2, 3 ghi đầy đủ họ và tên học sinh, địa chỉ liên lạc.

Trang 26 ghi tổng hợp nhận xét đánh giá cuối kì I, Trang 28 bài kiểm tra định kỳ ghi điểm kiểm tra định kỳ (nếu là môn chấm điểm).

Trang 29 tổng hợp kết quả hoàn thành đánh dấu X vào cột hoàn thành (HT); nếu chưa hoàn thành, đánh dấu X vào cột chưa hoàn thành (CHT).

Lưu ý ghi học bạ

Cô Phạm Thị Hằng cho biết, việc ghi học bạ như thế nào khi triển khai Thông tư 30 cũng được nhà trường phổ biến rõ ràng, chi tiết.

Theo đó, cuối học kỳ I, giáo viên bộ môn bàn giao tổng hợp đánh giá, nhận xét cho giáo viên chủ nhiệm; giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên bộ môn khi thực hiện đánh giá, nhận xét quá trình và kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm là người ghi học bạ.

Nhận xét của các môn học và hoạt động giáo dục cần cụ thể về sự tiến bộ, kết quả các môn học (điểm nổi bật hoặc biện pháp khắc phục; nhận xét điểm mạnh trước, tồn tại sau).

Về nhận xét phẩm chất và năng lực, cần tập trung một số biểu hiện và hành vi của học sinh; từ ngữ phù hợp với mức độ học sinh đạt được. Điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học ghi điểm của lần kiểm tra cuối cùng.

Về nội dung những điều cần khắc phục: Ghi những việc cần thực hiện và thời gian cần thực hiện; điểm nổi bật ghi thành tích mà học sinh đạt được (ví dụ, có năng khiếu về môn tiếng Anh; đạt giải nhất giao lưu Olympic tiếng Anh cấp huyện); khen thưởng, ghi: Tặng giấy khen có thành tích…

Trường hợp ghi nhầm điểm định kì (nếu có), giáo viên dùng bút gạch chéo và ghi điểm đúng phía trên bên phải điểm sai và đóng dấu nhà trường.

Sau khi hoàn thành học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, Ban giám hiệu tiến hành kiểm tra, hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên và rút kinh nghiệm trong việc ghi nhận xét và ghi hồ sơ học sinh;

Đồng thời, tổ chức đổi chéo giữa các tổ chuyên môn, giữa giáo viên trong trường kiểm tra toàn bộ hồ sơ đánh giá học sinh trước khi Ban giám hiệu tiến hành ký duyệt hồ sơ theo quy định.

Kiểm tra giáo viên thực hiện quy định mới

Cô Phạm Thị Hằng cho biết: Trong học kỳ I vừa qua, giáo viên nhà trường đã thực hiện đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư 30, bước đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực về nhận thức đối với cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường cơ bản hiểu, nắm vững nội dung của quy định mới, và thực hiện đánh giá học sinh theo đúng 3 nội dung và 2 hình thức, đảm bảo được các nguyên tắc đánh giá.

Sự tiến bộ của học sinh thấy rõ so với cùng kì năm học trước. Tỷ lệ các em hoàn thành các môn học đạt 99,1%; tỷ lệ được đánh giá đạt về năng lực chiếm 99,3% ; Tỷ lệ được đánh giá đạt về phẩm chất chiếm 99,6%.

Trong thời gian tới, theo cô Phạm Thị Hằng, Trường tiểu học xã Thanh Luông sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên về Thông tư 30. Đồng thời, tổ chức chuyên đề nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học thông qua hoạt động dạy học trên lớp, các hoạt động giáo dục khác.

Đặc biệt, nhà trường sẽ định kỳ kiểm tra, tư vấn cho giáo viên trong việc hiểu, thực hiện quy định đánh giá học sinh tiểu học. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền trong cộng đồng về Thông tư số 30 cũng như chỉ đạo, tổ chức sinh hoạt chuyên môn tổ khối, trường tập trung vào đánh giá học sinh theo Thông tư số 30.

“Thay đổi cách đánh giá học sinh cấp tiểu học theo Thông tư 30 nhằm chú trọng việc khuyến khích, động viên tính tích cực trong học tập của học sinh, giúp các em phát huy khả năng, thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất. 

Tuy sẽ giảm được áp lực về điểm số nhưng để thực hiện hiệu quả, giáo viên cần thể hiện cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, bản thân học sinh cũng phải không ngừng cố gắng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học” - cô Phạm Thị Hằng chia sẻ.

Một số công việc Trường tiểu học xã Thanh Luông triển khai nhằm thực hiện tốt đánh giá định kì các môn học và tổng hợp ghi học bạ cho học sinh theo Thông tư 30:

Cử 100% cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tập huấn nội dung nâng cao năng lực đánh giá xếp loại học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/TT-BGDĐT tại Phòng GD&ĐT.

Tổ chức họp phụ huynh học sinh, tuyên truyền để phụ huynh hiểu cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30, phối hợp cùng nhà trường trong việc đánh giá học sinh.

Kiểm tra việc áp dụng đánh giá thường xuyên học sinh thông qua hoạt động dạy học trên lớp, qua các bài kiểm tra, vở viết của học sinh.

Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn: Tổ chức các chuyên đề hội thảo đánh giá học sinh theo thông tư 30; giải đáp những thắc mắc của giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện.

Giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng (Trường có 17 giáo viên chủ nhiệm dùng sổ viết tay, 3 giáo viên chủ nhiệm còn lại và tất cả các giáo viên dạy chuyên sử dụng sổ điện tử).

Cuối học kì I nhà trường đã tổ chức ra đề, coi, chấm thi định kì theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.