Thông tư 30 thể hiện rõ tinh thần đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Sau một học kỳ áp dụng, không chỉ cán bộ quản lý, giáo viên mà ngay cả phụ huynh học sinh cũng nhận thấy rõ tinh thần đổi mới của Thông tư 30.

Thông tư 30 thể hiện rõ tinh thần đổi mới giáo dục

Phụ huynh từ hiểu, “thấm”, đến đồng hành

Ông Nguyễn Hồng Tịnh - 38 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, có hai con đang học tiểu học - bày tỏ:

Tôi hoàn toàn đồng tình với cách đánh giá mới ở tiểu học, bỏ chấm điểm để giảm áp lực học tập, chạy đua về thành tích cho con em.

Thường xuyên xem vở học, sổ liên lạc của hai con, tôi thấy nhà trường, cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn nhận xét, đánh giá bằng chữ khá bài bản, cụ thể, mang tính động viên là chính nên các cháu có phần phấn khởi, ý thức tự học, tự rèn luyện tốt và dạn dĩ hơn năm ngoái, đồng thời, có thời gian được nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn.

Tôi cũng có con học lớp 2 Trường tiểu học Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi. Vừa rồi, tham dự cuộc họp phụ huynh học sinh sơ kết học kỳ 1, trong phần ý kiến phụ huynh, hầu hết cha mẹ các khối lớp đều nhất trí cao với thay đổi, điều chỉnh trên của Bộ GD&ĐT.

Sau khi áp dụng cách đánh giá mới, học sinh vẫn có thái độ, ý thức học tốt, không có chuyện chán nản, sa sút học hành. Tất nhiên, ở một số nơi khác, vẫn còn một số ít phụ huynh thích thầy, cô giáo cho điểm hơn, vì thói quen, tư duy cũ, vì nghĩ rằng sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc theo dõi việc học hành của con trẻ.

Thiết nghĩ, vai trò nhận thức của phụ huynh học sinh cũng không kém quan trọng để góp phần vào thành công của sự đổi thay này.

Do đó, trong các cuộc họp phụ huynh, họp ban đại diện cha mẹ học sinh cuối năm, và các năm tiếp theo, Ban Giám hiệu, thầy cô giáo chủ nhiệm cần cung cấp và phân tích đầy đủ hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa, mục đích, các điều khoản, quy định của Thông tư 30 đến tất cả phụ huynh, vì mỗi phụ huynh có trình độ, nhận thức khác nhau.

Một khi các bậc cha mẹ đã hiểu, thấm nhuần rồi thì mới đồng hành, định hướng, hỗ trợ tốt cho con cái, cùng với nhà trường đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.

Giáo viên có thêm niềm vui mới

Cô Lê Thanh Hà - giáo viên Trường tiểu học Sơn Tân, huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) - cho biết: Lúc đầu thực hiện Thông tư 30 và đọc một số ý kiến, thầy cô giáo chúng tôi có phần lo lắng (vì dao động) và lúng túng, bối rối (vì chưa quen). Đến nay, chúng tôi đã quen dần với việc đánh giá, nhận xét bằng chữ.

Đúng là cách làm mới khiến thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm vất vả hơn từ ghi nhận xét trong vở, bài làm học sinh đến ghi tổng hợp các mặt trong sổ học bạ, sổ theo dõi chất lượng hằng tháng, học kỳ…

Bù lại, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho đánh giá bằng điểm số như trước đây giúp giáo viên có thêm niềm vui khi được sẻ chia, tiếp xúc, gần gũi với các em nhiều hơn.

Cái được lớn nhất là, học sinh ở vùng miền núi như chúng tôi và học sinh tiểu học cả nước không còn áp lực điểm số, tâm lý thoải mái hơn.”

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhân - Phó hiệu trưởng, Trường Tiểu học số 2 Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) - chia sẻ:

Trong vai trò, chức trách là cán bộ quản lý tại trường học, tôi nhận thấy, Thông tư 30 đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, các điều khoản quy định về cơ bản là tốt, khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và điều kiện thực tiễn Việt Nam. 

Trường chúng tôi thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các đợt tập huấn, bồi dưỡng do cấp trên triển khai. Nhìn chung, tới thời điểm này mọi việc đều trôi chảy, hanh thông, không gặp vấn đề phức tạp, phàn nàn từ phía giáo viên.

Một số giáo viên nơi khác than thở, kêu ca sổ sách, ghi chép quá nhiều… Thực ra, có chuyện ấy là do Ban giám hiệu nơi ấy tự vẽ ra mà thôi. Điều lệ tiểu học quy định: Chỉ có 4 loại hồ sơ; còn Công văn số 68 nêu rõ: Một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần một cuốn sổ theo dõi chất lượng. Mẫu sổ do Bộ GD&ĐT hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó.

Gây áp lực nặng nề về giấy tờ, hồ sơ cho giáo viên, lỗi ở đây thuộc về nhận thức, cách làm không đúng của nhà trường. Lãnh đạo các nhà trường cần sửa sai ngay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.