Cơ hội mua hàng với giá tốt
Vốn thích mua sắm các sản phẩm gia dụng và trang trí nhà cửa, chị Lan Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thỉnh thoảng chị tìm mua những mặt hàng nồi chảo, máy sinh tố, máy xay, máy ép… để công việc bếp núc mỗi ngày dễ dàng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tại các cửa hàng bán đồ gia dụng lại không có hàng hóa đa dạng, hoặc có hàng nhưng với mức giá khá cao.
Do vậy, chị Lan Anh dạo trên các sàn TMĐT hoặc ở các cửa hàng online của các nhãn hàng với hàng hóa đa dạng và có giá cạnh tranh hơn. Điều thu hút chị Lan Anh là khi mua hàng bằng các cú nhấp chuột là canh mua hàng ở những khung giờ có chương trình giảm giá hoặc có giá tốt của các cửa hàng hoặc sàn TMĐT.
Nhờ vậy, mà chị Lan Anh thường mua được những sản phẩm gia dụng từ các thương hiệu nổi tiếng như Green Cook, Lock & Lock, Philips… có giá thành rẻ hơn từ 10 – 40% so với giá niêm yết hoặc giá bán tại các cửa hàng vật lí.
Hiện nay, trên các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee… đều có các gian hàng của các thương hiệu đồ gia dụng chính hãng và được chủ các thương hiệu bảo hành sản phẩm nên người tiêu dùng khá yên tâm.
Chị Kim Linh (quận Hà Đông, Hà Nội) thường thu thập các loại phiếu mua hàng, mã giảm giá để có thể mua được sản phẩm hóa mỹ phẩm, đồ thời trang… với giá thành thấp hơn so với các cửa hàng trưng bày hoặc giá niêm yết của các công ty.
Theo chị Linh, các cửa hàng online đều có mã riêng cho từng thời điểm, nếu thường xuyên vào xem và lưu mã thì có thể mua được các mặt hàng chính hãng có giá thật tốt. Thậm chí, các sàn TMĐT, chủ cửa hàng online còn chủ động gửi mã giảm giá, phiếu mua hàng ưu đãi vào email, tin nhắn của khách hàng nên khá thuận lợi.
Trong khi đó, chị Huệ Minh, nhân viên văn phòng bất động sản, lựa chọn các buổi livestream bán hàng của các cửa hàng online để mua được những món hàng cần thiết khi sử dụng. Xem các buổi livestream, chị Minh hiểu được nhiều chức năng, thông tin sản phẩm một cách chi tiết, và nếu nhanh tay thì còn có thể mua được hàng với giá ưu đãi và rất cạnh tranh.
Việc mua sắm online đã trở thành xu hướng và ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi tính tiện lợi cùng với nhiều ưu đãi và đặc biệt có giá cạnh tranh. Không chỉ vậy, các hình thức mua sắm trực tuyến cũng đang có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điều này dẫn đến bán hàng online có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Kinh doanh nhỏ lẻ khó đu bám
Kinh doanh đồ gia dụng trên sàn TMĐT gần 3 năm, anh Nguyễn Huy Kiện (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, vừa phải nghỉ bán do buôn bán ngày càng ế ẩm, thu không đủ bù chi, doanh thu tháng 8 và 9 vừa qua chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trừ hết các chi phí, anh Kiện lãi chưa tới 5 triệu đồng trong khi công sức bỏ ra rất lớn.
Theo anh Kiện, tình hình kinh doanh trên sàn ngày càng khó phần lớn là do nhiều nhà xưởng, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình phân phối sang tận tay người tiêu dùng chứ không còn qua đơn vị phân phối hay đại lý như trước. Bên cạnh đó, các sàn liên tục thay đổi chính sách, ưu ái người tiêu dùng, cho phép trả hàng vô tội vạ, ảnh hưởng lớn tới người bán.
“Khách hàng kiểm tra giá rất kỹ và thường sản phẩm giá rẻ sẽ được đưa lên trên đầu trang, tức chỉ có doanh nghiệp lớn được lợi, trong khi gian hàng nhỏ bị lép vế, lại còn bị hàng giá rẻ Trung Quốc áp đảo, khó lòng mà đấu lại. Do đó, tôi quyết định nghỉ bán, tính nghỉ ngơi một thời gian sẽ mở hàng ăn hoặc đi làm công ty để ổn định cuộc sống”, anh Kiện nói.
Tương tự, anh Lê Công Minh, chủ gian hàng bán quần áo và phụ kiện trên các nền tảng TMĐT gần 2 năm nhưng cũng đã đóng gian hàng vì không cạnh tranh lại với các xưởng sản xuất, các doanh nghiệp và các nhà phân phối lớn đua nhau lên sàn bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng với giá sỉ.
“Kinh doanh trên sàn ngày càng áp lực, chúng tôi bị áp tiến độ giao hàng cho đơn vị vận chuyển nếu không sẽ bị phạt. Giao hàng xong vẫn lo khách trả hàng, hoàn tiền coi như lỗ. Nhiều người khuyên tôi cần có chiến lược mới và cụ thể hơn như: Xây dựng website, ứng dụng bán hàng riêng. Song, không có đủ tài chính và cũng không hiểu biết nhiều nên rủi ro, thất bại sẽ càng lớn”, anh Minh chia sẻ.
Chuyên gia TMĐT Lê Hồng Quang cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang bắt đầu chuyển sang kinh doanh trực tiếp tới người tiêu dùng do lợi nhuận qua các kênh phân phối không còn hiệu quả. Điều này vô tình khiến những người bán lẻ online bị bóp nghẹt.
“Hiện nay, bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng không qua phân phối cũng trở thành xu hướng được nhiều startup và doanh nghiệp nhỏ chọn do độ thâm nhập thị trường cao, không qua kênh trung gian phân phối, giúp hạ giá bán.
Đã có nhiều thương hiệu thành công từ mô hình bán trực tiếp đến người tiêu dùng, kể đến như Coolmate, Yody, Levents, Xiaomi... nhưng cũng có nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp không trụ được dẫn đến phá sản”, ông Quang cho biết.
Anh Trần Xuân Bảy, CEO Công ty Cổ phần Thịnh Xuân chuyên cung cấp các mặt hàng phụ kiện điện thoại cũng thừa nhận, TMĐT phát triển nhanh và mạnh, buộc nhà sản xuất dù muốn dù không cũng phải tham gia vào sân chơi này.
Bản thân doanh nghiệp anh Bảy cũng xây dựng website để giới thiệu sản phẩm và bán hàng online nhưng chủ yếu là để quảng bá, giới thiệu chứ không nhằm phát triển doanh thu.
“Xu hướng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đủ điều kiện tham gia vào kênh phân phối siêu thị, cửa hàng, chưa có sản lượng lớn... đang tận dụng kênh online để bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, họ phân phối sản phẩm chưa có đủ giấy tờ chứng nhận, chất lượng chưa được kiểm chứng với giá rẻ hơn nhiều so với giá của sản phẩm có thương hiệu, có giấy tờ chứng nhận đầy đủ và tạo nên sự cạnh tranh không sòng phẳng trên thị trường”, anh Bảy chia sẻ.