Kinh doanh thương mại điện tử: Cần kiểm soát rủi ro về thuế

GD&TĐ - Mua sắm trên mạng dần trở thành một phương thức tiêu dùng phổ biến của mọi người trên toàn thế giới.

Hoạt động bán hàng từ thương mại điện tử hoặc livestream đang ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa: ITN
Hoạt động bán hàng từ thương mại điện tử hoặc livestream đang ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh ý thức tuân thủ quy định nộp thuế còn chưa cao, nhiều nhà bán hàng online vẫn chưa nắm rõ quy định của Nhà nước để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế…

Mảnh đất màu mỡ

Khi nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu phải đối mặt với khó khăn kể từ cuối năm 2019 do đại dịch Covid-19 thì giờ đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử lại phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Mua sắm trên mạng dần trở thành một phương thức tiêu dùng phổ biến của mọi người trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia dự báo, thương mại điện tử sẽ vẫn tiếp tục trở thành một xu hướng tiềm năng trong thời gian tới và đó là cơ hội “đổi đời” dành cho những người biết nắm bắt thời cơ.

Chị Hà Phương Châu (Hoài Đức, Hà Nội) từ một người làm thuê đã trở thành bà chủ, kiếm ra tiền và đảm bảo đời sống vật chất đủ đầy cho gia đình nhờ thương mại điện tử. Chị Châu chia sẻ, sau khi nhận thấy nhiều cơ hội kiếm tiền từ thương mại điện tử đã quyết định nghỉ việc tại một doanh nghiệp thực phẩm để theo đuổi việc bán hàng online toàn thời gian.

Khởi điểm, chị Phương Châu mở một gian hàng bán nước hoa ô tô trên Lazada sau khi trải nghiệm một vài sàn thương mại điện tử trên thị trường. Nhờ được hỗ trợ kiến thức kinh doanh từ đội ngũ chuyên môn của sàn, từ một người bán hàng online chỉ xuất được vài chục đơn mỗi ngày, chị Châu đã bứt phá thành nhà bán hàng tiềm năng với 2.000 – 3.000 đơn/tháng, tạo ra doanh thu gần 500 triệu đồng mỗi tháng.

Chị Châu chia sẻ, chất lượng cuộc sống của bản thân chị và gia đình đã được thay đổi rất nhiều nhờ nguồn thu nhập tốt từ kinh doanh qua thương mại điện tử. Nếu như trước đây với tiền lương từ công việc văn phòng, chị chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình thì giờ đây đã có những khoản tích lũy đáng kể.

Anh Đỗ Minh Hưng, CEO một công ty về marketing chia sẻ, có thể thấy việc kiếm tiền từ thương mại điện tử giờ đây không chỉ bó hẹp trong công việc kinh doanh buôn bán, mà còn đang mở rộng thêm nhiều ngành nghề mới, cùng với tâm lý chuyên nghiệp, đầu tư chiến lược bài bản từ các cá nhân tham gia. Đây chính là những yếu tố giúp thay đổi cho thị trường thương mại điện tử vốn được coi là “đại dương đỏ” đầy tính cạnh tranh.

Theo anh Hưng, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cần lựa chọn sản phẩm độc đáo, tiềm năng và phù hợp với nhu cầu khách hàng. Sử dụng hiệu quả các công cụ quảng cáo, truyền thông là một trong những yếu tố tiên quyết để giúp lan tỏa sản phẩm đến đông đảo khách hàng.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích sự mua hàng. Trong kinh doanh điều quan trọng nhất là tạo lập và giữ vững uy tín. Chính vì vậy, cửa hàng cần kịp thời ghi nhận và có hướng giải quyết phù hợp khi khách hàng phản hồi về sản phẩm.

Vô tình vướng rắc rối

Tại Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, hiện tại, có nhiều KOL và KOC (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) rất nổi tiếng tham gia vào hình thức bán hàng bằng livestream. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người bán hàng livestream ngay tại các khu chợ hoặc vườn nhà.

“Họ thực hiện việc bán hàng một cách rất bình dân, nhưng lại tiêu thụ hàng hóa rất tốt. Những người này thường không biết cách đóng thuế sao cho hợp lý nhất. Đây là thực tế.

Thậm chí, tôi nghĩ rằng cơ quan thuế ở các địa phương cũng chưa nắm rõ và hiểu hết cách thức làm sao để những người kinh doanh cá nhân này có thể nộp thuế một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, các đơn vị không biết liệu mình có nợ thuế hay không, và nhiều người cũng rất bất ngờ khi ra sân bay thì được thông báo đang nợ thuế và không thể xuất cảnh, dù số thuế nợ không lớn. Đây là thực tế rất cần quan tâm.

Vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cơ quan thuế tỉnh rà soát và kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai và nộp thuế của các tổ chức, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và tiếp thị liên kết. Mục tiêu là hỗ trợ các đơn vị, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của Tổng cục Thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) , hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế, thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Số tiền thuế Cục Thuế Hà Nội và TPHCM đã truy thu và phạt của các tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại điện tử lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TPHCM đã rà soát 7.134 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Qua đó đã đôn đốc và hỗ trợ kê khai, nộp thuế với tổng số tiền đạt 1.298 tỷ đồng. Đồng thời, 1.318 trường hợp đã bị xử lý truy thu và xử phạt, với tổng số tiền hơn 72 tỷ đồng.

Theo bà Cúc, để thực hiện nghĩa vụ thuế cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm livestream, các quy định thuế đã được áp dụng cụ thể. Đặc biệt, đối với đối tượng là các cá nhân livestream bán hàng. Nếu cá nhân đăng ký nộp thuế theo hình thức hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên “hoa hồng” nhận được từ nhãn hàng (bao gồm 5% GTGT và 2% thuế thu nhập cá nhân).

Nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh và được coi là làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 5% - 35%. Trong trường hợp này, nhãn hàng sẽ tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân và nộp vào ngân sách Nhà nước. Cá nhân có trách nhiệm tự khai và quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.

“Kinh doanh trên thương mại điện tử đã không còn là một xu hướng nhất thời, có thể giàu nhanh dễ dàng. Giờ đây, khi mà các nền tảng thương mại điện tử đã cung cấp được một cơ sở hạ tầng về công nghệ và logistics đồng đều cho tất cả mọi người thì các doanh nghiệp cần ‘tỉnh táo’ phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của mình để lựa chọn phân khúc thị trường, cách tiếp cận và chiến lược giá phù hợp cho sản phẩm/dịch vụ của mình”, anh Đỗ Minh Hưng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ