Kinh Diên - trường học dành riêng cho nhà vua

GD&TĐ - Thời xưa, việc đào tạo thái tử hay vua trẻ rất được chú trọng, triều đình lập ra tòa Kinh Diên dành riêng cho việc dạy dỗ nhà vua.

Tự Đức được đánh giá là ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn.
Tự Đức được đánh giá là ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn.

Chính sử nước ta lần đầu tiên đề cập đến nhà Kinh Diên là dưới thời Lý Thần Tông. Năm 1127, vua Lý Nhân Tông qua đời, triều thần lập Thái tử là Lý Dương Hoán, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, lên ngôi. Vua Lý Nhân Tông không có con, nên nhận Dương Hoán làm con nuôi từ năm 3 tuổi, khi lên ngôi, nhà vua mới 12 tuổi. Sử chép: “Năm Thiên Thuận thứ nhất (1128), vua bắt đầu ngự ở nhà Kinh Diên”.

Trong tên nhà Kinh Diên, chữ Kinh có nghĩa là các kinh điển của Nho giáo, chữ Diên nghĩa đen là cái chiếu, nghĩa bóng là nơi vua ngồi vì thời xưa, đất nơi vua ngồi thường được phủ bằng chiếu được đan bằng tre. Kinh Diên nghĩa nơi là giảng dạy, giáo huấn vua về những kinh điển xưa.

Theo chú giải của các nhà chép sử sau này, thì khóa giảng sách cho vua ở điện Kinh Diên gọi là Tập Hiền, dài 9 tháng, mỗi tháng định kỳ 6 ngày. Thời Lê sơ, Hàn lâm Thừa chỉ Nguyễn Trãi là người được giao dạy vua Lê Thái Tông ở tòa Kinh Diên. Thời Mạc, Trạng nguyên Giáp Hải cũng được giao coi tòa Kinh Diên. Thời Trần, sử cũng viết đã có viện Tập Hiền để giảng sách cho vua.

Theo giải thích trong sử sách triều Nguyễn, thì Kinh Diên là tên công sở (tòa, điện), còn viện Tập Hiền là tên cơ quan dành để dạy vua học tập. “Đại Nam thực lục” chép rằng, vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), tháng 11, bọn Ngự sử là Trần Văn Ý, Vũ Trị tâu nói: “Thêm thần trí cho người, không gì bằng sách vở, xin nhân lúc nào nhàn rỗi đọc sách, giảng tìm các lẽ trong sách, cho gọi đại thần vào hầu bàn luận trị đạo”. Vua khen là phải, bèn xuống dụ sai bộ Lại, bộ Lễ xét rõ điển lệ, bàn đặt ra nơi Kinh Diên; cũng vào tháng 11, chuẩn cho đặt viện Tập Hiền.

Trong viện Tập Hiền đặt 2 Kinh Diên giảng quan, dùng quan nhất nhị phẩm, tức những chức quan cao cấp nhất của triều đình, chịu trách nhiệm là Giám đốc tòa Kinh Diên; 6 giảng quan thường ngày (Nhật giảng quan), dùng quan nhị, tam phẩm. Viện này còn có các viên chức Thị độc học sĩ, Thị độc, Thừa chỉ, Trước tác và Tu soạn đều sung vào chức Kinh Diên Khởi cư chú (là chức biên chép những lời nói và hành động của vua), với biên chế là 12 viên. Chức Bút thiếp thức, tức những người viết chữ tốt, thì tùy nghi chọn những viên bát, cửu phẩm sung vào. Công việc chính ở tòa Kinh Diên do các viên Nhật giảng quan luận sách vở và đạo trị nước cho vua nghe.

Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, vua Tự Đức lên nối ngôi, ngày 4 tháng 2 năm Tự Đức thứ 2 (1849), mới mở nơi Kinh Diên, triều thần xin lấy điện Khâm Văn làm sở Kinh Diên. Các đại thần Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản được sung làm giảng quan, còn các văn thần Nguyễn Đức Chính, Phạm Thế Trung, Hoàng Tế Mỹ, Trương Quốc Dụng sung làm giảng quan thường ngày.

Nghi lễ khai giảng được quy định rằng, hằng năm đến tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) thì khai giảng vào ngày tốt sau khi tế Giao, đến ngày 28 tháng trọng đông (tháng 11) thì thôi không giảng nữa. Giảng thì lấy những ngày 2, ngày 8 trong tháng. Trước ngày khai giảng 2 ngày, vua mặc lễ phục, kính cáo bàn thờ ở điện Long An; trước 1 ngày, đặt bày thần vị Hoàng sư, Đế sư, Vương sư, Tiên thánh, Tiên sư ở điện Văn Minh. Vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc làm lễ cáo yết; còn về sau khi khai giảng, khi thôi giảng, đều do giảng quan làm lễ.

Khi giảng cho vua, các quan được phép ngồi mà giảng. Trước kỳ khai giảng 1 ngày, giảng quan đem mấy chương nêu giảng ở Tứ thư, kinh, sử, tâu lên dâng trình. Khai giảng thì do giảng quan giảng, hằng ngày thì do nhật giảng quan giảng. Mở sách thì dùng 2 viên ấn quan ở Nội các. Khi giảng, nếu vua có phát triển ra nghĩa lý hoặc hỏi han gì thì đều ở chỗ ngồi quỳ xuống nghe, quỳ xuống thưa. Ngày giảng, vua mặc áo thường, các quan chầu ban, chầu giảng, đều mặc áo tốt đẹp; thị vệ, túc vệ, ở trước sân hai bên phải dàn bày đúng như nghi lễ.

Triều Nguyễn cũng quy định chi tiết về các lễ vật dành cho lễ khai giảng là dùng lụa thờ rượu quả; có nghi tiết dâng lụa thờ, dâng rượu. Ngày thôi giảng thì chỉ dùng rượu và quả. Ngoài ra còn có điều khoản ban yến thưởng cho các giảng quan, trong đó ngày khai giảng, các giảng quan, quan chầu ban, quan mở sách, cho đến viên thuộc, bút thiếp thức đều đến viện Tả đãi và được ban cho uống nước chè và ăn yến. Các ngày thường giảng, thì các giảng quan, ấn quan ở Nội các, các viên khởi cư chú được ban cho ăn và uống nước chè ở phòng trực viện Tập Hiền.

“Đại Nam thực lục” chép tiếp về việc học tập của vua Tự Đức: “Sau đây, cứ mỗi khi đến ngày khai giảng, vua lại đối diện với các quan ở ban, nạn hỏi nghĩa sách khó, thân tự phát huy ra, nhân đấy mà bàn hỏi chính trị, dân tình, hoặc có điều gì cảm hứng, ngụ ý, tức thì làm ra bài thơ, lại sai nối họa, để tỏ ý vua tôi sửa chữa lẫn nhau. Làm như thế đến hơn 10 năm, chưa từng trễ biếng chút nào”.

Sau này, khi vua Tự Đức sao nhãng việc ra Kinh Diên nghe giảng, Kinh Diên khởi cư chú Nguyễn Tư Giản, Tiến sĩ khóa 1844, đã dâng sớ viết rằng: “Tòa Kinh Diên đặt ra là cốt để làm nơi giảng giải cho rõ đạo học của thánh hiền, bồi bổ đức lớn cho đấng vua hiền, hiểu được nổi buồn còn ẩn khuất của dân, xét kĩ sự được, sự mất của đạo trị nước, tóm lại là không điều gì lại không có ở đó. Thế mà gần đây thánh thượng ít ra ngự ở tòa Kinh Diên, cũng chẳng thấy triệu bọn thần vào nơi tiện điện để đối đáp, thần lấy làm e ngại rằng vua tôi ngày một cách xa, lời giúp ích ngày một hiếm, dân tình ở dưới ngày càng bị che lấp, muôn việc ngày càng bị ngăn trở… tất cả đều nảy sinh từ đây...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ