Kin Chiêng Boọc Mạy - nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Thái xứ Thanh

Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy là nghi lễ dân gian tế vị mường trời, thần núi, thần sông được cộng đồng người Thái lưu giữ suốt chiều dài lịch sử.

Kin Chiêng Boọc Mạy - nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Thái xứ Thanh

Tạ ơn thần linh

Lễ hội Kin chiêng boọc mạy (còn có tên gọi khác là Chá chiêng, Xăng khan) có nghĩa là lễ “Hát múa ăn mừng dưới cây bông”, là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh nói riêng và của người Thái ở miền núi tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Xuất phát từ mục đích thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm và mong ước sự bình yên trong cuộc sống và biết ơn các đấng thần linh đã phù hộ cho dân làng làm ăn trong suốt cả năm.

Hàng năm, vào mùa Xuân, người Thái ở thôn Rộc Răm thường tổ chức lễ hát múa để nhân dân bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất,

Lễ hội diễn ra với mục đích tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, tiếp tục làm nương rẫy tốt. Nội dung tế lễ thần linh gồm: Mường Trời, thổ địa, thần núi, thần rừng, Thành hoàng. Làm Lễ cơm mới, Lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, mong muốn mưa thuận, gió hòa và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng.

Kin Chiêng Boọc Mạy - nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Thái xứ Thanh ảnh 1
Lễ hội nhằm tái hiện một số sinh hoạt trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái. (Ảnh: NT).

Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức chơi “bói hoa”, diễn tả một số trò chơi dân gian mô phỏng việc lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người xưa, trong xã hội Thái cổ truyền.

Theo các già làng, lễ này sẽ được tổ chức vào dịp tháng Giêng hoặc tháng Hai âm lịch. Theo chu kỳ cứ ba năm làm “đại”, hằng năm làm “tiểu”. Năm làm “tiểu” diễn ra ở phạm vi các gia đình, còn những năm dân làng tổ chức làm “đại” thì tục lệ này được diễn ra tại Đền Cấm - nơi làng thờ Thành hoàng - ông Trần Công Bát.

Để tiến hành làm Kin Chiêng Boọc Mạy, đồng bào Thái ở Roộc Răm phải tiến hành làm lễ “Tem phạ” (lễ hết sấm nộp tang Trời), được bắt đầu từ tháng 9 (Âm lịch), mọi nhà đều phải treo các dải chỉ xanh đỏ - để tang Trời 3 ngày.

Lễ hội được chia làm hai phần: Phần lễ là các nghi thức tâm linh - là những bài cúng cơ bản được các thầy mo kể về sự tích lập bản, lập mường, ca ngợi tổ tiên, những người có công.

Phần hội là hệ thống gồm 26-50 trò diễn do thầy mo môn hoặc các “mo khách” thể hiện như chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, quét nhà, người thổi khèn bè... mỗi trò đều có một vị thần linh từ Mường Trời xuống tham dự (do thầy mo đóng). Bên cạnh đó còn có phần chơi những loại nhạc cụ truyền thống: Cồng chiêng, khua luống, trống, boong bu, khèn, sáo; cùng các trò chơi dân gian như: Hát khặp, nhảy sạp, đánh mảng, kéo co, ném còn...

Cây bông được xem là “linh hồn” của lễ hội, tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản Mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Vì vậy, việc làm cây bông đòi hỏi công phu, tỉ mỉ, khéo léo.

Cây bông sẽ được làm bằng tre, luồng, dài khoảng 1,7 – 1,8m có đục lỗ. Cành hoa, bông hoa thường được nhuộm màu sắc sặc sỡ. Mỗi cây có từ 100 đến 200 cành, mỗi cành có từ 50 đến 80 bông hoa, các bông hoa phần lớn những người đến tham gia tự làm và cắm vào cây.

Các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất đan bằng tre nứa cũng được treo trên cây bông. Đặc biệt, các tầng cây bông đều có quy tắc riêng. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo của làng, xã mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9 hay 12 tầng.

Hướng con người đến chân thiện mỹ

Theo ông Lô Đình Ước (77 tuổi), người được xem là “người giữ lửa” cho lễ hội Kin Chiêng Bọc Mạy của người Thái ở xã Xuân Phúc, lễ tục thể hiện tinh thần của đồng bào Thái từ xa là coi trọng tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc với nhau, tất cả được kết tinh trong Kin Chiêng Boọc Mạy.

Kin Chiêng Boọc Mạy - nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Thái xứ Thanh ảnh 2

Múa sạp- một trong những nét văn hoá đặc sắc của người Thái. (Ảnh: NT).

“Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của cộng đồng người Thái làng Roộc Răm không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính cố kết cộng đồng mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy văn hóa Thái, đề cao giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ, một cuộc sống lành mạnh, vui tươi, ấm no, hạnh phúc”, ông Ước chia sẻ.

Những điệu múa tái hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Thể hiện ước mong cầu thần linh che chở một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Năm 2018, Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào Thái làng Roộc Răm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc cho biết, lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng. Đồng thời, vun đắp tình yêu thương giữa người với người, chia sẻ khó khăn, đùm bọc nhau trong cuộc sống, tạo nên sức mạnh đoàn kết, để đồng bào vượt lên gian khó, cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

“Trước đây, lễ hội Kin Chiêng Bọc Mạy chỉ nằm trong khuôn khổ gia đình, làng bản, cứ đến dịp tháng Giêng, mo Ước lại tổ chức lễ hội để cúng bái thần linh, thu hút sự tham gia của dân bản.

Từ năm 2018, sau khi lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mo Ước cũng được công nhận là nghệ nhân. Từ đó, lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền huyện Như Thanh.

Chính quyền địa phương cũng kỳ vọng, việc khôi phục và phát huy lễ hội này sẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở đây, khi dự án du lịch Bến En đi vào hoạt động”, ông Sang cho biết thêm.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ