Để thực hiện hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục, còn có sự chung tay của cộng đồng.
Đẩy lùi bạo lực
Theo thống kê của tỉnh Hậu Giang, từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2023 - 2024, số vụ bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, năm học 2019 - 2020, xảy ra 16 vụ, tới năm học 2023 - 2024 tăng lên 31 vụ.
Trước thực trạng này, ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang khẩn trương thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, hạnh phúc. Qua khảo sát của sở GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Trong đó, đa số vụ xảy ra với thanh, thiếu niên có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp.
Sự phát triển của nền tảng mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực còn nhiều vấn đề tiêu cực làm ảnh hưởng tới suy nghĩ giới trẻ. Nhà trường chưa có sự sâu sát, việc nhận định tình hình, nắm bắt vụ việc có nguy cơ xảy ra chưa kịp thời, việc khai thác các tổ tư vấn tâm lý học đường thiếu hiệu quả; phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực học đường trong học sinh còn chậm. Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, cơ sở giáo dục với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, ban ngành trên địa bàn chưa hiệu quả.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết: Thời gian qua, sở GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành quan tâm để tạo điều kiện phát triển toàn diện học sinh. Về giải pháp, sở đã chỉ đạo phòng GD&ĐT tăng cường các mô hình giáo dục thân thiện cho học sinh, đặc biệt quan tâm tạo môi trường học tập tích cực, đảm bảo trường học không có tệ nạn xã hội, bạo lực. Ngành Giáo dục khuyến khích học sinh tham gia vào hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, sân chơi lành mạnh…
Theo thầy Lê Duy Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh (Hậu Giang), để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, phải hành động đồng lòng từ nhiều phía. Học sinh cần rèn luyện tính cách và kiểm soát cảm xúc. Gia đình nên thiết lập môi trường lành mạnh và tạo ra nền tảng tôn trọng.
Nhà trường và giáo viên cải thiện chương trình giảng dạy, tạo ra môi trường học tập tích cực. Cùng đó, các cơ quan quản lý giáo dục phối hợp chặt chẽ và cung cấp, hướng dẫn cụ thể về cách phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường để cán bộ, giáo viên có kỹ năng, kiến thức cần thiết áp dụng vào thực tiễn trường, lớp.
Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) ký cam kết thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường”. Ảnh: T. Thật |
Chung tay hành động
Giữa tháng 5/2024, TP Cần Thơ ra mắt mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường”. Để mô hình đi vào thực chất, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh mỗi trường chung tay ký cam kết, cùng nhau xây dựng trường học hạnh phúc. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ, phối hợp của ngành Công an và cộng đồng.
Mô hình được tổ chức thí điểm tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) và được triển khai đến các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Thầy Lâm Đức Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa cho biết: “Tham gia mô hình có ban giám hiệu, đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên, khối trưởng chủ nhiệm, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Mô hình tập trung thực hiện theo 3 tiêu chí cụ thể, đó là trường học thân thiện, học sinh thanh lịch và không ma túy, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường”.
Đồng hành cùng nhà trường, Công an TP Cần Thơ tổ chức tuyên truyền tại các trường, phối hợp với công an cấp xã, phường có biện pháp giáo dục học sinh cá biệt. Kịp thời báo cáo ban chỉ đạo mô hình của trường, lực lượng bảo vệ trường học hoặc cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi gây mất an ninh trật tự.
Công an quận, huyện phối hợp các trường tổ chức tuyên truyền; chỉ đạo xử lý kịp thời mọi tình huống. Lực lượng này cũng thường xuyên kiểm tra, vận động các gia đình, hộ kinh doanh khu vực xung quanh trường học ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, không phục vụ học sinh các hoạt động như karaoke, game online, rượu, bia, chất kích thích; không chứa chấp tệ nạn xã hội, không cầm cố tài sản của học sinh; không nhận giữ xe mô tô trên 50 phân khối do học sinh gửi…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, tình hình ma túy, tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, vấn đề bạo lực học đường được nhà trường, phụ huynh quan tâm.
Mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường” nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, vấn đề bạo lực học đường, các loại tệ nạn xã hội; nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Mục tiêu mỗi nhà trường là trường học thân thiện, mỗi học sinh là những học sinh thanh lịch và gương mẫu; nói không với ma túy, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.
Trao đổi về công tác triển khai mô hình trên địa bàn, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Sở đề nghị các thành viên ban chỉ đạo thực hiện mô hình phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai, nhất là trao đổi thông tin để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề liên quan đến học sinh.
Ban giám hiệu các trường khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mô hình; Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm tiêu chí “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường” theo đúng quy định; Tạo điều kiện cho các đơn vị của Công an TP Cần Thơ tổ chức tuyên truyền tại nhà trường...
“Lãnh đạo ngành Giáo dục mong muốn phụ huynh thường xuyên quan tâm, giáo dục con em hưởng ứng và thực hiện nghiêm các tiêu chí của mô hình, góp phần cùng nhà trường thực hiện và đạt kết quả tích cực thời gian tới”. - Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ