Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường: Quyền được học tập trong môi trường an toàn

GD&TĐ - Luật GD (sửa đổi) lần này cần có điều khoản quy định về “quyền được học tập trong môi trường an toàn” như một “tuyên ngôn” và cam kết về trách nhiệm của ngành GD nói chung, của nhà trường và các cơ sở GD nói riêng đối với gia đình, xã hội và người học.

HS Thủ đô tham gia hoạt động GD an toàn giao thông. Ảnh: Đức Chiêm
HS Thủ đô tham gia hoạt động GD an toàn giao thông. Ảnh: Đức Chiêm

3 nhóm yếu tố quan trọng

Liên quan đến vấn đề này, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc đáng báo động về sự an toàn của môi trường học đường do bạo lực có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp; tình trạng mất an ninh, trật tự, tội phạm và tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, ma tuý, đá gà, nhậu nhẹt, đặc biệt là tình trạng mất an ninh trật tự xung quanh trường học, cơ sở GD; không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa cơm của HS, nhất là các trường bán trú; thiếu an toàn trong công tác phòng, chống tai nạn …

Thực trạng nói trên đã làm cho cha mẹ, người giám hộ, người học, nhà trường, xã hội rất lo lắng và đặc biệt quan tâm. Mặc dù ngày 17/7/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng chống bạo lực học đường; nhưng hiệu quả thực thi còn hạn chế, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu gia đình, nhà trường và xã hội. Người học cần phải được học tập trong một “môi trường an toàn” theo nghĩa rộng của nó, bao gồm các yếu tố liên quan đến hành vi của người dạy, người học, cơ sở vật chất và môi trường xã hội nơi có trụ sở của trường học và cơ sở GD.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, Luật GD (sửa đổi) lần này cần có điều khoản quy định về “quyền được học tập trong môi trường an toàn” như một “tuyên ngôn” và cam kết về trách nhiệm của ngành GD nói chung, của nhà trường và các cơ sở GD nói riêng đối với gia đình, xã hội và người học về việc bảo đảm cho người học được hưởng “quyền được học tập trong môi trường an toàn”.

Theo nhóm nghiên cứu, nhìn một cách tổng quan, có 3 nhóm yếu tố sau đây tác động đến quyền được học tập trong môi trường an toàn của người học:

Thứ nhất, các yếu tố đến từ nhà trường - bao gồm các yếu tố bên ngoài (yếu tố xã hội) và các yếu tố bên trong liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy học tập

Thứ hai, các yếu tố về đạo đức, nhân cách, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, nhân viên và người quản lý nhà trường.

Thứ ba, các yếu tố đến từ người học, phụ huynh, gia đình và xã hội.

Trên bình diện quốc tế, các nước có hệ thống GD phát triển trong khu vực châu Á và thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu như Pháp, Italia, Vương quốc Anh, ở châu Mỹ như Mỹ, Canada đặc biệt là Phần Lan, một trong những quốc gia có hệ thống GD phát triển nhất thế giới hiện nay thì trong Luật GD của họ cũng có điều khoản nhằm quy định trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ sở GD trong việc bảo đảm môi trường học tập an toàn cho người học.

Người học cần phải được học tập trong một “môi trường an toàn”. Ảnh minh họa
 Người học cần phải được học tập trong một “môi trường an toàn”. Ảnh minh họa

Những đề xuất quan trọng

Từ nghiên cứu thực tiễn xã hội của nước ta và Luật GD của một số quốc gia trên thế giới như đã đề cập ở trên, để thực hiện chủ trương xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường, nhóm nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều, khoản sau đây của dự thảo Luật GD (sửa đổi) ngày 27/3:

Thứ nhất: Bổ sung một số ý vào Điều 22 để thực hiện chủ trương môi trường GD an toàn, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường, dựa trên quy định của Nghị định số 80/2017. Cụ thể, Điều 22 quy định các hành vi người học, nhà giáo và nhân viên cơ sở GD không được làm sẽ gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể, sức khỏe của nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở GD và người học khác; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học khác. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. Hút thuốc, uống rượu, bia, gây rối an ninh, trật tự trong cơ sở GD. Các hành vi không được làm khác theo quy định của pháp luật.

Nhà giáo và nhân viên cơ sở GD không được có các hành vi: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học. Xuyên tạc nội dung GD. Ép buộc HS học thêm để thu tiền.

Thứ 2: Bổ sung cụm từ “danh dự, sức khỏe, nhân phẩm và... phòng chống bạo lực học đường” vào Khoản 3 Điều 70 của dự thảo về nhiệm vụ của nhà giáo.

Thứ 3: Bổ sung cụm từ “bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”, đồng thời bỏ một từ “bảo vệ” tại Khoản 8 Điều 82 về quyền của người học. Theo đó, người học được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường, cơ sở GD khác các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

Thứ 4: Bổ sung một số ý vào Điều 87 để xác định trách nhiệm của nhà trường trong việc xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường. Cụ thể: Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập GD; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động GD theo kế hoạch của nhà trường; bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh và có biện pháp cụ thể phòng, chống bạo lực học đường; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của HS cho cha mẹ hoặc người giám hộ.

Thứ 5: Bổ sung thêm Khoản 1 Điều 88 về “trách nhiệm gia đình” để làm rõ việc phụ huynh không được có hành vi bạo hành thể xác và tinh thần đối với nhà giáo, cụ thể: Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, GD và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, đạt trình độ GD phổ cập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm hại thân thể, sức khỏe của nhà giáo.

Thứ 6: Bổ sung thêm Khoản 3 vào Điều 89 về trách nhiệm của cha mẹ và người giám hộ trong việc xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ 7: Bổ sung thêm vào Khoản 1 Điều 91 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức… (xã hội) trong việc xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường. Cụ thể, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm sau:

Giúp nhà trường tổ chức các hoạt động GD và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học. Góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường GD lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học; phòng, chống bạo lực học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ