(GD& TĐ) - Thời gian gần đây, nhiều người dân ở một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Huế… khổ sở vì bị kiến ba khoang tấn công. Phản ánh chung của các “nạn nhân” là kiến ba khoang để lại những vết đỏ bỏng rát trên phần da của người mà chúng tiếp xúc, thậm chí có người sau đó còn bị mưng mủ, loét phần da đó. Nhiều người lo lắng, băn khoăn không biết kiến ba khoang đốt có gây ra hậu quả gì không, nhất là trước thông tin nọc của loài kiến này còn độc hơn cả nọc… rắn hổ mang.
*Nhận diện “thủ phạm”
Theo nghiên cứu của ThS Lê Hữu Doanh – Bộ môn Da liễu, ĐH Y Hà Nội - kiến khoang (có tên khoa học là Paederus) là côn trùng thuộc họ Staphylinidae (nhưng theo phân loại khác có thể đứng độc lập theo họ Paederinae). Họ này có tới 1.400-20.000 giống rất giống nhau. Dân gian gọi bằng nhiều tên như: kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít…
Kiến ba khoang |
Kiến khoang sinh sản quanh năm, nhưng chủ yếu nhiều vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm. Đây là loại côn trùng vùng nhiệt đới, nóng ẩm. Paederus hoạt động ban ngày (điều này có thể giải thích được tại sao buổi tối hay gặp Paederus quanh bóng điện sáng). Do ưa khí hậu ẩm nên có thể gặp kiến khoang ở quanh bóng đèn trong các buồng làm việc, buồng ngủ, nhất là ở các cơ quan, nhà dân cạnh đồng ruộng, hồ, gần bãi rác...
Theo mô tả của ThS Lê Hữu Doanh, vào mùa mưa, ban đêm, Paederus theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm. Bệnh nhân làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ mặt, phần hở thân mình vô tình giơ tay quệt, đập làm côn trùng có chứa chất pederin xiết lên da, hoặc côn trùng bám vào khăn mặt rơi vào bồn rửa, bệnh nhân không chú ý nên xát phải côn trùng lên da và gây viêm da phỏng nước.
Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn, gây sưng đau khiến đi lại khó khăn. Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết sẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.
Có một số ít bệnh nhân chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước phỏng mủ. Và trong một mùa mưa, một bệnh nhân có thể bị 2-3 lần.
Loại kiến khoang gây nên nỗi sợ hãi đối với nhiều người trong thời gian vừa qua được biết đến với cái tên kiến ba khoang đuôi nhọn, tên khoa học là Paederus fuscipes curtis, là một trong những giống thuộc họ Staphylinidae. Theo TTƯT. BS Nguyễn Võ Hinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thừa Thiên Huế, kiến ba khoang đã xuất hiện từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Chúng thường ăn các loài côn trùng, sâu bọ, rầy nâu... gây hại mùa màng nên nếu xét về tác dụng với lĩnh vực nông nghiệp thì chúng là loài côn trùng có ích và không phải là đối tượng cần phải hủy diệt. Kiến ba khoang thường phát triển, xuất hiện vào mùa thu, phù hợp với thời gian của dịp thu hoạch vụ mùa lúa. Kiến ba khoang trú ẩn ở những vùng đất trống, gần các cánh đồng lúa, bị thu hút bởi ánh đèn, hoặc sẽ nhờ sức gió có thể bay được lên cao và đột nhập vào các phòng ở trên tầng cao của khu chung cư, ký túc xá, nhà tập thể, khu tái định cư... Sau khi bay được vào phòng ở của các nhà cao tầng, chúng sẽ rụng cánh và trú đậu luôn tại đó.
*Dễ nhầm lẫn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với bệnh “giời leo”
BS chuyên khoa I Dương Hữu Thành - Phó trưởng khoa Da liễu Bệnh viện TƯ Huế - cho biết, viêm da tiếp xúc gây ra bởi côn trùng bị chẩn đoán nhầm là Zona rất phổ biến, trong đó có viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Nghiên cứu cho thấy, có tới 80,4% các trường hợp bị chẩn đoán nhầm lẫn từ các tuyến chuyển đến tại phòng khám khoa Da liễu, Bệnh viện TƯ Huế trong 3 năm gần đây, từ đó đưa ra cách điều trị không phù hợp.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa có thể phòng tránh được kiến ba khoang |
Theo TS. BS Nguyễn Thị Lai, Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, nguyên nhân gây nên căn bệnh Zona, hay còn gọi là bệnh “giời leo” và viêm da tiếp xúc do côn trùng hoàn toàn khác nhau. Zona do cùng một loại virus gây bệnh thuỷ đậu có tên là Varicella gây nên. Đa số các bệnh nhân Zona có tiền sử mắc bệnh thuỷ đậu khi còn bé. Sau khi bệnh thuỷ đậu đã khỏi thì một số virus Varicella vẫn còn tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh. Các virus này cư trú ở các hạch thần kinh nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần, suy nhược cơ thể... chúng trở lại trạng thái hoạt động, nhân lên, phát triển ra các đầu dây thần kinh cảm giác và gây nên bệnh Zona. Chính vì vậy mà Zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.
Do đó, điều trị bệnh “giời leo” hoàn toàn khác với điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng. Nếu bác sĩ nhầm lẫn và kê thuốc không đúng bệnh thì không những không chữa khỏi được bệnh mà còn có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đáng chú ý, đối với bệnh Zona, nếu điều trị muộn hoặc điều trị sớm mà không đúng thuốc hoặc đúng thuốc mà không đủ liều thì coi như chưa được điều trị. Điều trị tốt nhất là trong vòng 48 giờ tính từ khi có tổn thương da. Điều trị càng muộn thì để lại di chứng càng nhiều. Thuốc đặc trị để điều trị căn bệnh Zona là kháng sinh diệt virus Acyclovir, trong khi đó, để điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng lại không cần thiết phải dùng thuốc diệt virus như vậy.
*Nọc kiến ba khoang độc hơn nọc rắn hổ mang?
Nhiều người rất hoang mang, lo lắng khi bị kiến ba khoang đốt vì có thông tin nọc kiến ba khoang còn độc hơn cả nọc rắn hổ mang. TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, điều này là chính xác vì trên bụng của loài này có hai tuyến độc chứa chất pederin. Theo tài liệu nước ngoài, pederin độc gấp 10 lần độc tố của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc với nọc kiến rất nhỏ và chỉ ngoài da nên không gây chết người. Do đó, người dân không phải lo lắng quá khi tiếp xúc với kiến ba khoang.
Còn TTƯT. BS Nguyễn Võ Hinh nêu rõ: Kiến ba khoang cái có độc tố pederin (còn được gọi là cantharidin) chứa trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng với tác dụng bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài sinh vật khác tấn công để ăn trứng. Vì vậy, nếu kiến ba khoang đậu bám vào người, bị đập chết và chà xát hoặc va chạm mạnh thì độc tố trên cơ thể kiến có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây nên cảm giác cháy da, đau đớn, viêm tấy...
*Phòng ngừa kiến ba khoang như thế nào?
TTƯT. BS Nguyễn Võ Hinh khuyến cáo, để phòng ngừa kiến ba khoang, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả như dùng cửa lưới chống muỗi và các loại côn trùng. Trong mùa kiến ba khoang và các loại côn trùng khác phát triển vào thời điểm cuối mùa hè, trong mùa thu, các gia đình nên tắt bớt đèn điện, thường xuyên vệ sinh, quét dọn nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang đậu bám trên người nên thổi nhẹ cho chúng bay đi, không nên đập chết và chà xát mạnh trên da vì độc tố pederin trên cơ thể kiến có thể xuyên thấm, xâm nhập qua da gây bệnh.
Theo tư vấn của ThS Lê Hữu Doanh, có thể áp dụng một số biện pháp sau để phòng tránh độc tố của kiến khoang: Khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rôi vào cổ, mặt; Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dung; Vào mùa mưa, để đề phòng côn trùng bay vào nhà, có thể xịt các thuốc diệt côn trùng không hại. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng... để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ.
Còn Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm thì cho rằng, để phòng chống kiến ba khoang, không nhất thiết phải dùng các dùng hóa chất mà có thể dùng các biện pháp thông thường như thường xuyên giữ vệ sinh nhà cửa, nếu nhà ở khu gần cánh đồng nên dùng cửa lưới, hạn chế ánh sáng gần cửa sổ, đóng cửa nếu cần, đêm ngủ nên dùng màn.
Châu Giang