Kiểm soát ca nhiễm mới, chủ động phương án, chính sách kinh tế xã hội phù hợp

GD&TĐ - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: VGP

Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, nhất là về kiểm soát giảm tỷ lệ tử vong, giảm ca bệnh diễn biến nặng và điều trị tại bệnh viện. Từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư… Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo môi trường an ninh, an toàn để triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, phục hồi kinh tế xã hội. Công tác an sinh xã hội được rà soát, triển khai hiệu quả và từng bước khắc phục các bất cập, tồn tại. Kịp thời ban hành nhiều chính sách hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, tiến tới hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết số 128/NQ-CP để triển khai hiệu quả trong thời gian vừa qua như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Kiên Giang, Hà Nam, Phú Thọ, Khánh Hòa…

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP vẫn còn những hạn chế, bất cập do các cấp, ngành, một bộ phận nhân dân có nơi, có lúc còn tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh, nhất là nhận thức về tiêm vaccine, coi việc đã tiêm chủng là an toàn tuyệt đối với dịch bệnh. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế; công tác tiêm chủng, cung cấp thuốc chữa bệnh có nơi, có lúc còn chậm chễ, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý người di chuyển, đi lại còn bất cập, gây khó khăn cho người dân. Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội còn có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nơi chưa làm tốt, chưa quyết liệt; thiếu kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Một số địa phương chưa tổ chức hiệu quả công tác thu dung, phân loại người bệnh ngay tại cơ sở dẫn đến người bệnh không được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế gây bệnh trở nặng, quá tải điều trị tại bệnh viện.

Dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại nước ta vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cần tiếp tục quán triệt quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh để có các dự báo chính xác, toàn diện hơn; trên cơ sở đó thống nhất về nhận thức, chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện với mục tiêu phải kiểm soát các ca nhiễm mới, hạn chế tối đa bệnh tăng nặng, tử vong. Đồng thời, chủ động có các phương án, chính sách về kinh tế xã hội phù hợp, ứng phó với diễn biến dịch bệnh, có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trình phê duyệt Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trước 30/11/2021

Chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế: Tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11/2021. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.

Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng vi rút; phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm; rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19, đồng thời bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay xong trước ngày 05 tháng 12 năm 2021. Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về phân bổ, tiêm chủng vaccine để địa phương, người dân được biết, theo dõi.

Hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11/2021.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo triển khai các kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội đang triển khai để kịp thời cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung các biện pháp mới cần thiết.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để sớm quy định về xuất nhập cảnh liên quan đến “hộ chiếu vaccine” phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm khoa học, hiệu quả và hợp lý.

Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp nhu cầu kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch của các địa phương; nghiên cứu triển khai các giải pháp về nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương mua sắm trong phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý. Tổng hợp nhu cầu, đề xuất cấp bổ sung kinh phí bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các Bộ: Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải... phối hợp Bộ Công an để kết nối, sử dụng cơ sở dữ liệu sẵn có khi triển khai các ứng dụng công nghệ nhằm thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng công nghệ.

Đẩy mạnh tuyên tuyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên tuyền nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống dịch; tuyệt đối không được lơ là chủ quan nhưng cũng không hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến dịch bệnh, bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo để chuyển trạng thái phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục rà soát triển khai hiệu quả các hoạt động để nâng cao chất lượng, phù hợp với thực tiễn; đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong triển khai. Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.   

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục góp ý, bổ sung Nghị quyết số 128/NQ-CP, Quyết định số 4800/QĐ-BYT để từng bước hoàn thiện các biện pháp tiêu chuẩn, quy trình phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP; trường hợp có vướng mắc, phát sinh phải báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; quán triệt phương châm "5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác" (đông - tây y, phối hợp chặt chẽ người dân với chính quyền, doanh nghiệp…); triển khai các quy định thống nhất, bám sát tình hình thực tế, linh hoạt và có kịch bản đáp ứng phù hợp.

Các địa phương cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021

Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh, hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2021. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi dịch ở cấp độ 4, khi cần thiết các địa phương chủ động, kịp thời, nhanh chóng phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế từ Trung ương. Phối hợp chặt chẽ trong việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021; triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ em khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả. Khẩn trương rà soát, báo cáo cụ thể nhu cầu vaccine về số lượng, chủng loại, thời gian… để Bộ Y tế tổng hợp, có kế hoạch phân bổ phù hợp và nếu có vướng mắc báo cáo ngay Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ.

Theo VGP News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.