Kích thích hứng thú học môn Ngữ văn

GD&TĐ - Dạy học, có lẽ hơn bất cứ nghề nào khác là một nghề mà bạn chỉ có thể làm thành công nếu bạn đặt tất cả trái tim và nhân cách của mình vào trong đó (Pasi Sahlberg).

HS Trường THCS Đào Duy Từ học văn qua thực hiện dự án. Ảnh minh họa: Nguồn IT
HS Trường THCS Đào Duy Từ học văn qua thực hiện dự án. Ảnh minh họa: Nguồn IT

Đặc biệt, người thầy dạy văn phải có tài năng, có tình yêu đối với cái đẹp, có năng lực cảm nhận khám phá cái đẹp, nhận diện những cái đẹp còn ẩn tàng sau những con chữ câm lặng trên mặt giấy với  một tinh thần lao động bền bỉ, cần cù, khoa học.

1.

Việc dạy học văn ở nhà trường trung học phổ thông đang khủng hoảng. Tình trạng phổ biến là thầy chán dạy văn và trò chán học văn. Dạy văn là phải thực hiện nghiêm túc chương trình quy định, kế hoạch tuần, tháng, học kì, năm học rất cụ thể. Các tác phẩm văn học có trong chương trình được “mặc định” lập trình, được dạy trong thời gian xác định. Cứ như thế, năm này qua năm khác cứ lặp đi lặp lại, đơn điệu, nhàm chán.

Về nội dung và phương pháp giảng dạy, giáo viên cũng được “bao cấp” đến mức tối đa. Đã có những “chuẩn kiến thức” sách Hướng dẫn giảng dạy chi tiết, cụ thể về lượng đơn vị kiến thức, phương pháp, mục đích yêu cầu… nghĩa là đầy đủ các loại tài liệu thuộc hạng “bảo bối”, “cẩm nang”.

Nếu thầy được “bao cấp” bằng hướng dẫn giảng dạy, chuẩn kiến thức, giáo án mẫu… thì trò cũng có vô số bài văn mẫu, sách tham khảo hay trên mạng Internet. Cả thầy và trò đều không ai phải tư duy bằng cái đầu của mình và nói bằng lời của mình. Tất cả đều là những suy nghĩ của người khác, lời của người khác, thầy và trò “mượn” để giao tiếp, đàm thoại với nhau.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy văn, học văn đáng buồn như đã nói ở trên thiết nghĩ một phần là vấn đề nhận thức, tư tưởng, quan niệm chưa thật rõ ràng.

Tác phẩm văn chương là những kiến trúc nghệ thuật ngôn từ. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái hay, cái đẹp. Bấy lâu nay cái hay cái đẹp trong các tác phẩm văn chương mà thầy dạy, trò học đều là những cái đẹp “không hề thay đổi”, cái Đẹp đã đông cứng, đóng băng, hóa đá khiến cho người dạy, người học cảm thấy mệt mỏi, chán nản, nhạt nhẽo. Trong khi cái Đẹp đích thực có sức mạnh cuốn hút làm cho người tiếp nhận say mê, kiếm tìm phải là cái đẹp luôn vận động, cái Đẹp là một sự sống, có nảy sinh, đâm chồi kết nụ, đơm hoa, kết trái.

Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, là nơi nhà văn kí thác tấc lòng của mình, khát vọng về con người, về cuộc sống. Những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc là một “đề án tiếp nhận”, “một cấu trúc mời gọi”, một mã nghệ thuật cuốn hút, mời gọi sự giải mã.  Người đọc - người tiếp nhận sẽ nối tiếp hành trình sáng tạo để cho nghệ thuật, cho cái đẹp tiếp tục sinh sôi phát triển đến tận cùng của sự viên mãn. Tác phẩm văn học là một máy thu nhiều dải sóng mà người nhận là cái chỉnh sóng để bắt được cái “chương trình” mà mình mong muốn (Trần Đình Sử).

Quá trình tiếp nhận sáng tạo ở người đọc cũng chính là quá trình vận động, chuyển hóa không ngừng của cái đẹp trong tác phẩm văn chương. Người tiếp nhận “nhập cuộc”, “hóa thân” vào thế giới hình tượng trong tác phẩm không chỉ để hiểu, để cảm mà còn xem tác phẩm như là một phương tiện để nghĩ, để đối thoại với chính mình và với tác giả.

Đọc sáng tạo trở thành nhân tố kích thích sự sáng tạo để chuyển đổi tác phẩm thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc, tư duy hình tượng riêng của người đọc. Hành trình đó như một cuộc viễn du vô tận thì cũng có nghĩa là công cuộc kiếm tìm, khám phá cái đẹp cũng không bao giờ hoàn tất, không bao giờ có tiếng nói cuối cùng.

Cái Đẹp được mã hóa, được lưu giữ trong những kí hiệu ngôn từ dĩ nhiên nó không thể tỏa hương, khoe sắc. Cái Đẹp được hiện lên thành hình hài, màu sắc trong sự vận động đa chiều của tiếp nhận văn học. Trước đây, tiếp nhận tác phẩm văn học, người đọc, thầy và trò chỉ tập trung ở một “kênh” duy nhất được truyền dẫn trở thành tài liệu Hướng dẫn giảng dạy, chuẩn kiến thức, sách giáo khoa. Sự độc quyền kéo dài tạo sự đơn điệu, lặp đi lặp lại làm thầy trò mệt mỏi, chán nản.

Giáo viên phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận. Ảnh minh họa: Nguồn IT
Giáo viên phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận. Ảnh minh họa: Nguồn IT

2.

Để tránh khỏi sự đơn điệu đến nhàm chán thì cần phải thoát ra khỏi tình trạng độc quyền, độc tôn trong quá trình chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Cái Đẹp phải được khám phá từ nhiều “kênh” khác nhau. Các lí thuyết, các phương pháp tiếp cận khác nhau là tập hợp các điểm nhìn từ nhiều góc nhìn cũng là khả năng lạ hóa sự vật làm cho chúng không còn bị giam hãm trong cái vẻ thông thường đã qua quen mòn để hiện ra đột ngột, bất ngờ gây được những cú “sốc”, những ngạc nhiên trong cảm nhận, cũng là cách tiếp thêm năng lượng cho cảm hứng sáng tạo người tiếp nhận.

Trên đời này không chỉ có thứ nghệ thuật gắn với thời đại của mình mà còn có thứ nghệ thuật hình như được viết ra cho mọi thời đại khác nhau. Bài thơ Tràng giang của Huy Cận là một trong những tác phẩm như thế.

Tràng giang tiêu biểu cho phong cách thơ của tác giả Lửa thiêng. Trước thời kì đổi mới dựa trên tiêu chuẩn chính trị cùng với lối tiếp cận xã hội học dung tục thì văn học lãng mạn nói chung, Tràng giang nói riêng là sự phản ánh hệ tư tưởng tư sản do đó “cơ bản là độc hại, suy đồi, bạc nhược”. Viên ngọc quý từng bừng sáng lên một thời khắc ngắn ngủi rồi lụi tàn trong quên lãng. Khi nền thơ ca cách mạng, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là dòng chủ lưu thì Tràng giang vẫn như đang lạc lối bên lề những vấn đề chính trị trọng đại của đất nước.

Sau đổi mới, Tràng giang nghiễm nhiên nằm trong văn mạch của dân tộc, được hóa thân, được mặc sức phô diễn hết thảy những vẻ đẹp tiềm ẩn vốn có.

Trước hết là những trang viết minh oan, chiêu tuyết cho nội dung, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi sầu vạn cổ tuôn chảy từ đầu cho đến hết bài thơ tuôn trào vào khoảng vô ngôn để Tràng giang hóa thành đại giang vĩnh cửu. Từ là “nỗi buồn tiêu cực, bi lụy, không có lợi cho cách mạng” được nhìn lại để thấy đó là “nỗi buồn sông núi”, “buồn trong sáng, cao đẹp, không hề bi lụy” và “nghĩ tiếp” nó trở thành “nỗi sầu nhân thế”, “nỗi buồn thế hệ”, “nỗi buồn dọn đường cho tình yêu đất nước”.

Tiếp cận bài thơ từ phương pháp truyền thống, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên: Chiều trên sông nước, khổ thơ nào cũng dập dềnh sóng nước. Tạo vật và tâm tình đan xen. Tính mơ hồ, đa nghĩa đã neo đậu bài thơ vào vị trí “khả giải, bất khả giải chi gian”  với những “thần cú”, “thi nhãn”. Những câu thơ siêu hạng như:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Cứ như thế, tiếp nhận sáng tạo giúp ta dịch chuyển điểm nhìn để được nhìn ngắm Tràng giang trong sự hợp lưu giữa truyền thống và hiện đại: Vẻ đẹp cổ điển của một bài thơ mới cổ điển không chỉ là những gì thuộc về hình thức như thể thơ, cách ngắt nhịp, thi liệu, lối đối… mà cổ điển từ trong cái nhìn nghệ thuật, trong cấu trúc hình tượng. Tính hiện đại của Tràng giang được thể hiện ở các cung bậc sắc thái tâm trạng của cái tôi cá nhân thời thơ mới, thời mất nước. Cái tôi buồn ảo não, cái tôi sầu nhân thế, cái tôi trôi dạt: Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu.

Cổ điển và hiện đại hài hòa, nhuần nhuyễn là sự kết hợp hữu cơ ở tất cả các bình diện cấu trúc tác phẩm. Trong mối quan hệ giữa hai phẩm chất nghệ thuật, tính hiện đại vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc lựa chọn những yếu tố tương hợp để cá thể hóa sắc thái cổ điển trong tác phẩm cho nên Tràng giang đậm đà phong vị Đường thi.

Dưới ánh sáng của Thi pháp học, Tràng giang từ góc nhìn nào cũng hiện lên lộng lẫy tươi mới với một cấu trúc ngôn từ đặc thù “ám ảnh không gian trong Tràng giang”, tư duy phân đôi của Tràng giang; tình yêu thiên nhiên và nỗi sầu nhân thế trong Tràng giang. Một lối nhỏ đi vào Tràng giang cũng mở ra cả một thế giới cái Đẹp bất ngờ, thú vị.

Nhận diện về sự vận động chuyển hóa của cái Đẹp để thay đổi thực đơn cho giác quan (Nguyễn Tuân) ta có thể kết nối nhiều tác phẩm, tập hợp chúng với những tiêu chí như: Đề tài, chủ đề, một phương pháp tiếp cận, một biện pháp nghệ thuật xuyên suốt… Cái đẹp sẽ hiện lên đa dạng, phong phú nhiều hương sắc. Điều cần lưu ý ở giải pháp này là không phải đi tìm cái chung trong tất cả những cái riêng lẻ mà đi tìm những điểm khác nhau ở những cái giống nhau, đi tìm cái riêng trong cái chung. Góc nhìn này sẽ thay đổi diện mạo quen thuộc của tác phẩm “trẻ hóa”, “lạ hóa” tác phẩm.

Trong chương trình THPT hiện hành, có thể hình thành từng nhóm tác phẩm để khảo sát bản sắc văn hóa, dấu ấn vùng miền trong văn học viết về Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc… Văn học viết về Tây Bắc – nơi hội ngộ, gặp gỡ của những phong cách lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Tô Hoài là nhà văn của đời thường, của những câu chuyện thường ngày. Nhưng viết tập Truyện Tây Bắc trong đó có Vợ chồng A Phủ - nhà văn của vùng đất ven đô lại là người tiên phong, khai mở cho đề tài miền núi trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn của phong tục, trầm tích của bản sắc văn hóa, là phần tâm linh của cộng đồng ở miền rẻo cao. Tục cướp vợ, uống máu ăn thề, những đêm tình mùa xuân có tiếng sáo gọi bạn, Tết đến xuân về hội hè, áo váy tưng bừng, ném còn, đánh pao, đánh quay… Viết về phong tục xứ lạ, Tô Hoài viết với tất cả tấm lòng của người trong cuộc, viết do sự thôi thúc để trả món nợ ân tình vì Đất Nước, con người miền Tây đã để thương, để nhớ nhiều quá.

Miền Tây thơ mộng, miền Tây phiêu bồng tráng liệt, kí ức về một thời trận mạc tuôn trào hóa thành Tây Tiến. Quang Dũng viết nên khúc độc hành, nhịp điệu khi căng, khi chùng, lúc uy nghi như tòa thạch, lúc gân guốc như vách đá hoang sơ, lúc bồng bềnh như mây như nước. Bức tượng đài đoàn binh không mọc tóc lẫm liệt oai phong, rất sang và rất đẹp xây giữa hồn thơ Quang Dũng nhưng lại đem đặt chơi vơi giữa ngàn non, ngàn mây, ngàn cây Tây Bắc – âm vang vọng mãi tiếng gọi hoang sơ của núi rừng. Bức tượng đài đẫm chất Kinh Kha và cả chất thi sĩ phiêu lãng giang hồ như Mây ở đầu ô, mây lang thang. Hào hùng, bi tráng và tài hoa lãng mạn, Tây Tiến – kiệt tác là một cấu trúc ngôn từ đa thành, hoàn mĩ.

Tây Bắc nhìn từ một dòng sông, Nguyễn Tuân chỉ huy một đội quân ngôn từ hùng hậu, đua tài với hóa công. Bài ca lao động và bài ca ngôn từ song hành trong một áng văn kì lạ. Nguyễn Tuân đã kể chuyện về sông Đà, làm thơ và ca hát về sông Đà, dệt nên một tấm lụa ngôn từ, một bản giao hưởng ngôn ngữ nên thơ và hoành tráng, đọng lại bao nhiêu là tài hoa và uyên bác. Cái độc đáo vô song, điểm nổi bật xuyên suốt các trang văn của Nguyễn Tuân xét ở bình diện ngôn ngữ là: Lấy sự thay đổi liên tục làm nét ổn định, luôn luôn mới lại chính là điểm thống nhất ở mỗi dòng, mỗi trang ông viết. Đó là bí quyết tạo những đột biến, bất ngờ khiến người đọc sửng sốt để rồi thán phục, rồi dẫn dụ, thôi miên vào mê hồn trận của thế giới cái Đẹp.

Tiếng hát con tàu là một trong những cành thơ đẹp nhất mà Chế Lan Viên dành cho miền Tây Bắc. Hồn thơ hóa con tàu tâm tưởng, hăm hở, say sưa, háo hức trong hành trình về với cuộc đời rộng lớn. Chất trữ tình – triết luận vừa lấp lánh chất trí tuệ, vừa say đắm nồng nàn, thăng hoa tạo nên những câu thơ siêu hạng, những câu thơ hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

Hoặc:

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Mỗi cá tính sáng tạo độc đáo đem đến cho miền Tây Bắc những vẻ đẹp phong phú, đa dạng, thật nhiều hương sắc, hấp dẫn, quyến rũ.

Dạy học, có lẽ hơn bất cứ nghề nào khác là một nghề mà bạn chỉ có thể làm thành công  nếu bạn đặt tất cả trái tim và nhân cách của mình vào trong đó. Đó là tâm huyết, là tấm lòng, là tình người, tình đời của người thầy giáo đối với con người, đối với các thế hệ tương lai. Với người thầy dạy văn phải có tài năng, có tình yêu đối với cái đẹp, có năng lực cảm nhận khám phá cái đẹp, nhận diện những cái đẹp còn ẩn tàng sau những con chữ câm lặng trên mặt giấy, người thầy có một tinh thần lao động bền bỉ, cần cù, khoa học để xử lí khối lượng thông tin đồ sộ, hệ thống hóa thành kho tư liệu để phục vụ cho công việc giảng dạy.

Là người thầy giáo dĩ nhiên tài năng sư phạm là nhân tố rất quan trọng: Tổ chức, điều hành hướng dẫn học sinh học tập, rèn kĩ năng làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm. Tạo tâm thế truyền cảm hứng, kích thích sự tìm tòi sáng tạo của người học. Tất cả năng lực, phẩm chất đó hình thành nên một “cái tôi” của người thầy dạy văn là sự hợp thành của những nét tính cách đặc thù có sự khác biệt.

Cần phải dứt khoát từ bỏ vị trí đó – xác lập mối quan hệ mới cả thầy và trò trong giờ học tác phẩm văn chương phải là vị trí tương đồng trong mối quan hệ: Văn bản tác phẩm và người tiếp nhận. Có khác chăng giữa thầy và trò là trách nhiệm xã hội, vốn sống, kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, tầm đón nhận của người đi trước – người được đào tạo thành “siêu độc giả”. Thầy là người dẫn đường cùng với học sinh thâm nhập vào thế giới của cái đẹp. Vị trí đó xác lập mối quan hệ mới với bản chất của nó là tính dân chủ.

3.

Đổi mới phương pháp dạy học trong giờ dạy tác phẩm văn chương là người học tiếp xúc với văn bản tác phẩm, nghiền ngẫm, đưa ra những nhận xét, đánh giá của riêng mình từ việc đối thoại. Người học đối thoại với chính mình, đối thoại với nhân vật trong tác phẩm, đối thoại với nhà văn, đối thoại với các ý kiến khác của các bạn, của thầy, tranh luận giữa các cách hiểu, cách đánh giá… kết quả của các giờ học đó tất yếu phải là sự đa dạng do sự phân lập của các trình độ cảm thụ mà có những cách hiểu khác lạ, cách trình bày lạ và không thể có tiếng nói cuối cùng.

Tinh thần “đồng thuận”, tình trạng “đồng phục hóa” được thay bằng sự “đa nguyên”. Tất cả mọi người đều tư duy để tiếp cận chân lí. Từ quan niệm có tính then chốt đó trong việc đổi mới phương pháp dạy học để thấy việc xác định mục đích yêu cầu, nội dung, phương pháp, kết quả cần đạt, ghi nhớ… cho từng bài dạy đó chưa phải là mục đích mà nó vẫn chỉ là phương tiện để hướng tới mục đích: Dạy văn là dạy người rèn luyện kĩ năng giao tiếp, là phát triển năng lực và phẩm chất góp phần hoàn thiện nhân cách cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.