Đa dạng hóa các hình thức tóm tắt văn bản trong dạy học văn

GD&TĐ - Trong dạy học môn ngữ văn, đặc biệt đối với văn bản tự sự, thao tác tóm tắt văn bản là khâu không thể thiếu. Bởi lẽ nhờ việc tóm tắt, học sinh sẽ nắm vững cốt truyện với các chi tiết, sự việc tiêu biểu tạo tiền đề cho việc tiếp cận chủ đề, nắm được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Sơ đồ tóm tắt truyện ngắn “Thuốc” (Ngữ văn 12)
Sơ đồ tóm tắt truyện ngắn “Thuốc” (Ngữ văn 12)

Đặc biệt, với các văn bản tự sự khá dài, không phải lúc nào giáo viên cũng có thể cho học sinh đọc toàn bộ văn bản ở lớp; vì vậy, việc hướng dẫn học sinh tóm tắt văn bản lại càng cần chú trọng hơn.

Việc tóm tắt văn bản chưa được thực sự chú trọng

Thực tế dạy học nhiều giáo viên chưa chú trọng đến việc tóm tắt văn bản. Vì sao lại như vậy? Vì một thực tế mà ít ai dám thừa nhận: đó là có một bộ phận học sinh dù đã soạn bài cũng chưa hề đọc văn bản trước khi đến lớp. Việc soạn bài của các em chỉ dựa phần lớn vào những quyển sách tham khảo.

Hơn nữa, kĩ năng tóm tắt văn bản của một số em chưa tốt, dẫn đến khi được GV yêu cầu tóm tắt thì bị động, không nắm vững cốt truyện hoặc diễn đạt ấp a ấp úng… Chính vì vậy, có khi GV gọi đến vài ba học sinh rồi mà cũng không ai tóm tắt được văn bản đúng yêu cầu. Từ đó, GV và HS đều thiếu hứng thú và không chú trọng đến khâu tổ chức dạy học này nữa.

Một số hình thức tổ chức tóm tắt văn bản tự sự

Từ kinh nghiệm dạy học của bản thân, cô Phạm Phương Hoài, GV Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh luôn trăn trở để tìm giải pháp khuyến khích học sinh tích cực, hứng thú khi tham gia vào hoạt động này. Cô Hoài đã thực hiện một số hình thức khá hiệu quả sau đây:

Thứ nhất, tổ chức sắp xếp các chi tiết, sự việc tiêu biểu theo trật tự trong cốt truyện

Đối với hình thức tổ chức này, trước hết, tôi yêu cầu HS đọc văn bản, nắm vững các chi tiết, sự kiện tiêu biểu (ở nhà). Sau đó, khi tiến hành bài học trên lớp, tôi sẽ đưa ra các yêu cầu với học sinh như sau: Hãy kể tên các nhân vật trong văn bản? Em hãy cho biết các sự kiện, chi tiết tiêu biểu trong văn bản? Quan sát màn hình và sắp xếp các chi tiết theo trật tự cốt truyện? (GV chiếu máy chiếu); Dựa vào trật tự đã sắp xếp, em hãy tóm tắt ngắn gọn văn bản?

Chẳng hạn, khi dạy học đoạn trích "Hồi trống Cổ thành" (trích "Tam quốc diễn nghĩa"- La Quán Trung), tôi đưa ra các chi tiết, sự việc sau để HS sắp xếp: 1, Quan Công thanh minh, hai chị dâu và Tôn Càn cũng nói giúp. Nhưng Trương Phi vẫn không tin. 2, Trương Phi đưa ra điều kiện: Quan Công chém tên tướng ấy trong 3 hồi trống. 3, Quan Công cùng hai chị về đến Cổ Thành, bị Trương Phi nghi ngờ, quyết sống chết với Quan Công . 4, Vừa lúc đó, tướng của Tào là Sái Dương đến, Trương Phi càng tin Quan Công phản bội. 5, Chưa hết 1 hồi trống, đầu Sái Dương đã rơi xuống đất, anh em đoàn tụ. HS cần sắp xếp theo trật tự đúng là 3-1-4-2-5.

Thứ hai, tổ chức HS điền vào chỗ trống trong sơ đồ tóm tắt

Tóm tắt đoạn trích “Hồi trống cổ thành” (Ngữ văn 10)
Tóm tắt đoạn trích “Hồi trống cổ thành” (Ngữ văn 10)

Với cách tổ chức này, điều bắt buộc là giáo viên cũng phải yêu cầu học sinh nắm vững các sự việc, chi tiết tiêu biểu ở nhà. Đến lớp, tôi tổ chức lớp thành 4 đội chơi tham gia trò chơi : “Ai nhanh hơn?”

Luật chơi như sau: GV chia bảng thành 4 phần, mỗi phần ứng với mỗi đội. Sau đó, GV yêu cầu 4 đội cùng lên bảng điền vào chỗ trống để hoàn thành sơ đồ tóm tắt tác phẩm mà GV đưa ra. Đội nào hoàn thành xong trước và chính xác thì chiến thắng. Đội thắng sẽ trình bày lại phần tóm tắt văn bản ngắn gọn theo sơ đồ mình đã hoàn thành. Gv nhận xét, sửa chữa và bổ sung (nếu có).

Khi thực hiện theo hình thức này, gv cần định hướng cho HS cụ thể trước khi bắt đầu hoạt động. Bởi lẽ, nếu HS không hiểu tổng thể về sơ đồ thì rất khó hoàn thành đúng như yêu cầu của GV.

Thứ ba, tổ chức cho HS dán các ô vào đúng vị trí trong sơ đồ tóm tắt

Hình thức này thực chất là sự đơn giản hoá của hình thức tổ chức thứ 2. Tất yếu là GV vẫn phải yêu cầu HS đọc kĩ văn bản ở nhà, nắm vững các nhân vật, sự việc và chi tiết tiêu biểu. Ở lớp, GV tiến hành hoạt động bằng cách sau: Trong văn bản gồm các nhân vật nào? Liệt kê các sự việc, chi tiết tiêu biểu trong văn bản.

GV phát cho mỗi nhóm 1 tập giấy dán, trong đó từng mảnh giấy là các nhân vật, chi tiết, sự việc trong truyện và yêu cầu các nhóm lên bảng dán theo sơ đồ tổng thể mà GV đưa ra (trên máy chiếu) theo luật chơi “Ai nhanh hơn?” như ở mục 2.

Đích đến cuối cùng của mọi hình thức tổ chức chính là HS có thể dễ dàng tóm tắt văn bản tự sự ngắn gọn, mạch lạc, chính xác, đầy đủ. Từ đó, nắm vững cốt truyện, tạo tiền đề cho việc tiếp cận, đọc hiểu văn bản. GV có thể tổ chức HS tóm tắt đa dạng theo nhiều hình thức khác nhau mà 3 hình thức trình bày trên chỉ là một vài gợi ý nhỏ trong đó, với mong muốn tạo được sự hứng thú và kích thích tính chủ động, tích cực của học sinh đối với một hoạt động không mấy hấp dẫn - hoạt động tóm tắt văn bản trong mỗi tiết học văn.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.