Môn Văn có nhiều cơ hội để khơi dậy, hình thành năng lực sáng tạo cho học sinh.
Sau đây là vài ý nhỏ, cách mà bản thân tôi đã làm, để phát huy năng lực chủ lực của mọi năng lực cá nhân khác. Bản thân tôi dạy cấp 3, nên minh chứng trong bài, chủ yếu lấy ở thực tế dạy học THPT, nhưng kĩ thuật dạy học Văn phát huy năng lực này có thể áp dụng cho cả cấp 1, cấp 2. Ví dụ, ở cấp 2, bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, giáo viên có thể dành 3 đến 5 phút cho học sinh suy nghĩ, chia sẻ cảm nhận, cách hiểu của em về hình ảnh “bông hoa tím biếc”, hoặc “giọt long lanh”…
Đọc sách
Đầu năm học, tôi photo cho mỗi lớp tôi dạy một bản danh sách những sách hay. Tôi nói các em muốn đọc quyển nào có thể nói với tôi. Tùy dung lượng quyển sách mà tôi định thời hạn trả sách. Tôi nói luôn, những ngữ liệu đọc hiểu văn bản, có thể nằm trong những quyển sách này. Những kiến thức về cuộc sống, về tâm lý, về tình cảm… có thể nằm trong những trang sách này.
Những niềm vui và nỗi buồn của chúng ta, có thể được những người viết, lưu lại trong những quyển sách. Và có thể trong những quyển sách này, các em tìm được niềm vui, những lời khuyên bổ ích, cả những tình yêu lớn, có thể lắm em bắt gặp trong một vài trang sách, hoặc quyển sách.
Thỉnh thoảng, tôi chia sẻ cho cách em cái hay của một quyển sách. Hoặc tại sao nên đọc quyển sách này. Nhiều em hỏi mượn. Nhiều em chia sẻ lại cái hay từ trong sách rất tốt, rèn luôn khả năng thuyết trình cho học sinh giúp các em tự tin, chủ động. Tủ sách ấy, nếu nhiều mảng hơn, cả khoa học tự nhiêu, nếu là giáo viên dạy khối tự nhiên, sẽ rất tốt.
Điểm dừng giảng văn
Môn Văn, nhiều phân môn nhưng gốc của nó là văn bản văn học. Những giờ giảng văn là linh hồn của môn Văn. Trong đó có những chi tiết lớn làm nên nhà văn lớn.
Giờ giảng văn, chỉ cần một vài chi tiết cho học sinh thảo luận, suy nghĩ, đặt nhiều góc nhìn theo tư duy đa chiều là kết quả sáng tạo sẽ có. Những góc nhìn mới, những quan niệm mới, những xúc cảm chính… tất cả đều được hình thành từ giờ học văn bản văn học.
Theo thời gian, tư duy độc lập của các em sẽ hình thành, và khả năng sáng tạo được phát huy. Các em học được nhiều cách để giải quyết công viên dưới nhiều góc nhìn khác. Giúp học sinh là cá nhân độc lập, sáng tạo.
Đề đặc biệt
Không định hướng yêu cầu kiểu bài. Tại sao phải có đề ra kiểu mở? Vì, nếu đề là em hãy vẽ con voi thì tất cả học sinh có thể có cùng đáp án. Nếu đề là em hãy vẽ con vật em yêu thích thì có thể có 30 đáp án khác nhau cho lớp học 30 em. Vậy, nên thay đổi cách ra đề.
Môn Văn, có thể không đề ra yêu cầu về dạng bài (hình thức) của bài. Có thể thay đề “Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử”, thành “Hàn Mặc Tử và Đây thôn Vĩ Dạ trong em?”. Học sinh có thể viết thơ, có thể làm văn, có thể vẽ tranh, có thể viết lời nhạc.
Vấn đề là, giáo viên phải đủ năng lực để chấm Văn kiểu đề mở. Vậy, đầu tiên để phát huy năng lực sáng tạo cho học sinh thì bản thân giáo viên phải đa năng, trong đó có năng lực sáng tạo. Muốn vậy khâu tuyển đầu vào giáo viên, từ chọn sinh viên vào học trường Sư phạm phải thay đổi. Thay đổi từ chế độ dành cho giáo viên, các em mới chọn nghề giáo.
Chấm bài kiểu văn
Ghi nhận điểm cộng cho sự sáng tạo: Từ hay, ý hay, hình ảnh hay, câu văn hay, cách dùng dấu câu độc đáo… tất cả giáo viên phải ghi nhận, thì học sinh mới phát huy sự sáng tạo của mình.
Trên đây là một vai chia sẻ nhỏ, có ý nghĩa trong chủ đề dạy Văn phát huy năng lực sáng tạo cho học sinh của bản thân tôi ghi lại như một gieo một hạt mầm. Có thể mảnh đất phù hợp hạt giống ấy sẽ nảy mầm xanh…