Kịch bản phát triển và mô hình trường học tự chủ

GD&TĐ - Mô hình trường học tự chủ là sáng kiến mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của trường phổ thông, thúc đẩy nâng cao chất lượng học tập của học sinh cũng như nâng cao thành tích và chất lượng giảng dạy.

Mô hình trường học tự chủ nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng học tập của học sinh cũng như nâng cao thành tích và chất lượng giảng dạy. Ảnh: Minh Phong
Mô hình trường học tự chủ nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng học tập của học sinh cũng như nâng cao thành tích và chất lượng giảng dạy. Ảnh: Minh Phong

Dưới đây là chia sẻ của TS. Ngô Thị Thùy Dương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) về một số kịch bản phát triển và mô hình nhà trường phổ thông tự chủ trên thế giới.

3 kịch bản tự chủ

Theo nghiên cứu của TS. Ngô Thị Thùy Dương, từ những năm 1980, một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách trao quyền tự chủ cho nhà trường phổ thông. Tây Ban Nha ban hành Luật về quyền tiếp cận giáo dục năm 1985 đã tạo nền tảng cho quyền tự chủ của nhà trường phổ thông.

Pháp ban hành các quy định về tự chủ nhà trường năm 1985. Luật cải cách giáo dục năm 1988 của Vương Quốc Anh đã cho phép nâng cao quyền tự chủ nhà trường qua việc tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính và nhân sự. Một số quốc gia khác như: Áo, Cộng hòa Séc, Hungari, Ba Lan nhấn mạnh quyền tự chủ nhà trường là một phương pháp đổi mới quản lý nhà trường.

Theo TS. Ngô Thị Thùy Dương, các kịch bản phát triển nhà trường phổ thông tự chủ ở các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) gồm:

Kịch bản thứ nhất: Trách nhiệm mới của nhà trường được giao phó theo các quy định chung gồm nhiều yếu tố khác nhau của hệ thống nhà trường, trong đó tự chủ nhà trường không phải là mục tiêu chính.

Kịch bản thứ hai: Quy định đối với nhà trường tự chủ trên cơ sở pháp lý được thiết kế đặc thù phù hợp mục tiêu. Kịch bản này ít phổ biến hơn, chỉ liên quan đến một số quốc gia. Xu thế đưa ra các quy định đặc thù cho nhà trường phổ thông tự chủ được coi như một cuộc cải cách trong quản lý nhà trường phổ thông và lan rộng ở một số nước từ năm 2000. Nhà trường phổ thông có quyền tự chủ và không phụ thuộc nhiều vào hệ thống pháp lý quốc gia. Đây cũng có thể coi là hiện đại hóa mô hình quản lý công.

Kịch bản thứ ba: Đặc biệt ít xảy ra, chỉ xuất hiện ở một vài quốc gia, xác định nhà trường tự chủ dựa trên các quy định quản trị linh hoạt do các cơ quan ngoài Bộ GD xây dựng. Mô hình này xuất hiện ở một số Bang của Đức từ năm 2006-2007 với dự án “Quyền tự chủ và quản lý nhà trường phổ thông” – đây là dự án thí điểm trường phổ thông tự chủ ở một số Bang của Đức trước khi mô hình này được nhân rộng.

Mô hình trường học tự chủ là sáng kiến mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của trường phổ thông. Ảnh minh họa: Minh Phong
Mô hình trường học tự chủ là sáng kiến mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của trường phổ thông. Ảnh minh họa: Minh Phong

Một số mô hình nhà trường phổ thông tự chủ

TS. Ngô Thị Thùy Dương cho biết, Los Angeles đã đưa ra 3 mô hình trường phổ thông tự chủ: Mô hình quản lý dựa vào trường học mở rộng (ESBMM), mô hình trường phổ thông thử nghiệm (PSM), mô hình trường phổ thông địa phương (LIS).

Mỗi mô hình trường học tự chủ này sẽ cung cấp các mức độ tự chủ khác nhau và thẩm quyền ra quyết định về tài chính được trao cho các trường.

Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ của trường và các bên liên quan phải cân nhắc lại về vai trò của họ, mối quan hệ với các cộng đồng và làm thế nào để có thể đạt được các mục tiêu một cách tốt nhất.

Các mô hình này nhằm tăng quyền hạn cho giáo viên, phụ huynh học sinh và đội ngũ quản lý nhà trường trên cơ sở họ cùng nhau hợp tác trong việc ra các quyết định có thể đem lại sự thành công cao nhất.

Mức độ tự chủ của nhà trường phổ thông, TS. Ngô Thị Thùy Dương cho hay, ở các quốc gia công nghiệp hóa trong khối OECD có mức độ khác nhau và được chia thành các nhóm lớn như:

Tự chủ hoàn toàn. Mức độ này áp dụng khi trường học ra các quyết định trong khuôn khổ luật pháp hoặc khung quy định chung đối với giáo dục, không có sự can thiệp từ các cơ quan bên ngoài (ngay cả khi cần ý kiến tư vấn từ các cơ quan có thẩm quyền cao hơn);

Tự chủ có giới hạn: Áp dụng khi trường học ra quyết định trong số các lựa chọn được định trước bởi các cơ quan giáo dục có thẩm quyền cao hơn hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cao hơn phê duyệt các quyết định của mình;

Trường học không có quyền tự chủ khi không được ra quyết định trong phạm vi nhất định. Ở một số quốc gia, cơ quan hành chính và/hoặc chính quyền địa phương có thể ủy quyền hoặc không ủy quyền quyết định trong phạm vi nhất định cho trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ