Nhiều quyết sách, chính sách giáo dục có tác động tích cực
- Xin ông đánh giá về những kết quả nổi bật, có ý nghĩa quan trọng nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm qua?
Ông Trần Thanh Mẫn: Tôi cho rằng, nhiều quyết sách, chính sách giáo dục trong năm 2017 đã có tác động tích cực, góp phần thay đổi suy nghĩ, cách thức quản lý và hoạt động của cả hệ thống giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Qua tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Sau quá trình chuẩn bị công phu, giữa tháng 11/2017, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố xin ý kiến nhân dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chúng ta có một chương trình tổng thể, làm cơ sở để xây dựng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và biên soạn sách giáo khoa. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua vào tháng 7/2017.
Năm 2017, 5 đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học đã mang về thành tích cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được tổ chức nghiêm túc, an toàn và tiết kiệm, thể hiển rõ định hướng đổi mới tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Sau 6 năm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tháng 4/2017, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm 2017 cũng là năm mà phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi nhà trường, bắt đầu trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Nhiều tấm gương giáo viên không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy hay đẩy mạnh các hoạt động giáo dục mang tính thực tiễn.
Năm 2017 là năm ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. Hàng loạt văn bản đã được ban hành với những quy định chặt hơn, yêu cầu cao hơn.
Năm 2017 có thể coi là năm bước ngoặt của công tác thẩm định, kiểm định và xếp hạng đại học. Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục đại học và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Những kết quả trên có thể khẳng định: Những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm qua đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.
Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm qua, thực hiện được khối lượng công việc lớn với cách làm cẩn trọng và cầu thị. Có thể nói đến Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua làm cơ sở để xây dựng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và biên soạn sách giáo khoa. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình triển khai thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội. Các chương trình môn học, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo xin ý kiến dư luận rộng rãi trong tháng 1/2018.
Song song với quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ sở giáo dục phổ thông phục vụ triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Việc hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, dự thảo dự án Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm vấn đề: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; bổ sung một số quy định nhằm thể chế các chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng một số quy định tại các văn bản dưới Luật đã thực hiện ổn định và được thực tiễn kiểm nghiệm, giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Dự thảo dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung liên quan tới bốn chính sách cơ bản: Mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý Nhà nước phù hợp với điều kiện tự chủ đại học. Những sửa đổi, bổ sung này nhằm gỡ bỏ các vướng mắc để phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học.
Thành quả một năm qua cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của toàn ngành trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Giáo dục từ thành phố tới nông thôn, từ những nơi có điều kiện tốt tới những nơi còn nhiều khó khăn đều đã có những chuyển mình để bắt kịp với thực tiễn đổi mới. Những sản phẩm cụ thể của đổi mới đã được ghi nhận trong năm 2017 như Kỳ thi THPT quốc gia hay kết quả dự thi Olympic quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, phải thẳng thắn nhìn nhận, trong năm qua, ở đâu đó, giáo dục vẫn làm “nóng” dư luận bởi những câu chuyện về đạo đức người thầy, ý thức người trò; về bài toán quy mô, quy hoạch đội ngũ chưa được giải quyết dứt điểm; về đồng lương, thu nhập eo hẹp của những người đã và đang theo đuổi nghề giáo bằng đam mê, tâm huyết...
Xã hội luôn dành sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn vào ngành Giáo dục, đây vừa là vinh dự, cũng vừa là trách nhiệm lớn. Tôi cho rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo còn rất nhiều việc phải làm để xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội.
Tăng cường truyền thông để xã hội hiểu, đồng thuận với đổi mới
-Thưa ông, những công việc quan trọng và cấp bách ngành Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh trong năm 2018 là gì?
Ông Trần Thanh Mẫn: Chuẩn bị cho chương trình - sách giáo khoa mới là công tác lớn mà năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung nguồn lực thực hiện và đã được Quốc hội ra Nghị quyết sửa đổi lộ trình thực hiện đưa chương trình - sách giáo khoa mới vào giảng dạy từ năm 2019 - 2020, chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp THPT.
Chính vì vậy, năm 2018 là năm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương có nhiều việc phải làm. Những công việc theo tôi phải làm ngay là có kế hoạch tập trung cơ sở vật chất cho cấp tiểu học đáp ứng các điều kiện đưa chương trình – sách giáo khoa mới vào giảng dạy. Những điều kiện ưu tiên là đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày và các điều kiện trang thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình mới. Các địa phương có kế hoạch rà soát đội ngũ để phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức bồi dưỡng giáo viên…
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông theo từng nhiệm vụ có kế hoạch cụ thể để nhân dân, phụ huynh học sinh và toàn xã hội hiểu, đồng thuận với những công tác đổi mới của ngành đang triển khai. Tôi thấy rằng, công tác này đã được ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng và thực hiện tốt trong năm qua. Điều này cần phát huy hơn nữa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải tiến hành tinh giản các kỳ thi, tổ chức lại quy chế hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh… và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Những động thái của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian gần đây về tinh giản các kỳ thi đã tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Mặt trận Tổ quốc tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục và Đào tạo
- Xin ông cho biết những đồng hành cụ thể và thiết thực của MTTQ Việt Nam cùng ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm 2018?
Ông Trần Thanh Mẫn: Cũng như nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chắc chắn sẽ sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Vận động trẻ em, học sinh khắc phục khó khăn để đến trường nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Cùng tạo môi trường lành mạnh ở gia đình, khu dân cư để các em có môi trường giáo dục tốt nhất.
Năm 2018, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để cùng Hội Khuyến học các cấp thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, phát triển và củng cố các trung tâm hoạt động cộng đồng ở đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước.
Đồng thời, thông qua Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ cùng với ngành Giáo dục tổ chức thực hiện phong trào một cách phù hợp, thiết thực nhất để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo trong học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên và nhà quản lý…
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo, ưu tiên giúp đỡ những trường hợp gia đình bị khó khăn, hoạn nạn để con em họ được đi học, vận động các chương trình an sinh xã hội để xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất ở những nơi còn nhiều khó khăn; cùng chăm lo việc làm của sinh viên sau khi ra trường và hỗ trợ các trường hợp giáo viên gặp nhiều khó khăn. Phát huy hơn nữa vai trò của các tôn giáo trong công tác giáo dục mầm non.
Thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp đã, đang và sẽ giám sát việc thực hiện các vấn đề mà nhân dân quan tâm trong công tác giáo dục, đào tạo. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam các cấp, MTTQ Việt Nam tham gia góp ý vào quá trình đổi mới, nhất là các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hiện nay.