'Khuyết' giáo viên tiếng Anh, trường khó sơ kết học kỳ I

GD&TĐ - Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) không có giáo viên môn Tiếng Anh từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay.

Thầy trò Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa).
Thầy trò Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa).

Tình trạng trên khiến học sinh không được học, nhà trường khó sơ kết học kỳ I.

Khuyết giáo viên ngoại ngữ

Do khuyết giáo viên dạy môn Tiếng Anh, nên học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn không được học theo chương trình và đang là nỗi lo của nhà trường, khi học kỳ I sắp kết thúc. Thầy Nguyễn Thế Tài - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm trước trường có một thầy giáo dạy môn tiếng Anh. Thế nhưng, từ đầu năm học này, thầy giáo đã làm đơn xin thôi việc vì điều kiện gia đình khó khăn trong khi đồng lương và phụ cấp hàng tháng ít ỏi.

“Trước kia, 3 thôn Son, Bá, Mười của xã Lũng Cao - nơi nhà trường đứng chân thuộc diện đặc biệt khó khăn, cán bộ, giáo viên được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng từ khi xã bị điều chỉnh theo Quyết định 861/QĐ-TTg (ngày 4/6/2021), chính sách phụ cấp đứng lớp của giáo viên bị giảm đi rất nhiều, nhất là giáo viên trẻ. Thay vì được hưởng 140% phụ cấp đứng lớp như trước, thì nay chỉ còn 35%, giảm 105%”, thầy Tài cho hay.

Cũng theo thầy Tài, từ khi giáo viên dạy môn Tiếng Anh nghỉ việc, trường không có nhân sự đảm nhiệm dạy môn học này. Ban giám hiệu đã gửi báo cáo lên UBND huyện Bá Thước, đề nghị có phương án hỗ trợ.

“Học kỳ I năm học 2023 - 2024 sắp kết thúc, không có điểm môn ngoại ngữ, đồng nghĩa không thể sơ kết. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 của trường. Hơn nữa, điều đáng lo nhất là năm nay, nhà trường có 16 học sinh lớp 9. Nếu không được học Tiếng Anh, cơ hội đỗ vào THPT của các em rất thấp”, thầy Tài cho biết thêm.

Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn hiện có 125 học sinh (tiểu học 67 em, THCS 58 em), 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 12 giáo viên đứng lớp. Riêng cấp THCS chỉ có 4 thầy cô.

Theo quy định, hiệu trưởng mỗi tuần chỉ đứng lớp 2 tiết. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Thế Tài đang phải dạy 10 tiết/tuần, thậm chí có thời điểm dạy 19 tiết/tuần. Theo thầy Tài, nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên do trường đóng trên địa bàn miền núi, đường dốc nguy hiểm, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất sinh hoạt của thầy cô giáo thiếu thốn, nên tâm lý chung của giáo viên là “ngại” lên đây dạy. Hơn nữa, tình trạng thiếu giáo viên của huyện Bá Thước đang trở nên trầm trọng đã ảnh hưởng chung đến việc phân bổ giáo viên cho các nhà trường.

Ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước xác nhận, việc Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn không có giáo viên dạy môn Tiếng Anh từ đầu năm học đến nay là sự thật.

“Tình trạng thiếu giáo viên ở mức trầm trọng của huyện Bá Thước là vấn đề nan giải. Để giải quyết thực trạng ở Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn, trước mắt, huyện điều một giáo viên tiếng Anh ở xã Lũng Cao (cách trường khoảng 10km) lên hỗ trợ”, ông Nhiên nói.

Cũng theo ông Nhiên, từ tuần tới, thầy giáo tiếng Anh này sẽ dạy học sinh ở Cao Sơn vào các ngày nghỉ hoặc buổi chiều trong tuần, nếu không có tiết tại Trường THCS Lũng Cao, để đuổi kịp chương trình, và như vậy học sinh buộc phải học ngoài giờ. “Về giải pháp lâu dài, UBND huyện Bá Thước sẽ làm tờ trình UBND tỉnh xin thêm biên chế, để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho các trường trên địa bàn”, ông Nhiên nói.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thiếu hàng nghìn giáo viên

Thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tổng số giáo viên trong biên chế hiện có ở các cấp học của tỉnh là hơn 40 nghìn người. So với định mức quy định, thiếu 6.884 giáo viên. Trong đó, môn Tiếng Anh thiếu 277 giáo viên, Tin học thiếu 680, Âm nhạc thiếu 12, Mỹ thuật thiếu 209, tập trung ở các huyện miền núi, vùng cao, biên giới.

Nguyên nhân việc thiếu giáo viên môn Tiếng Anh và các môn đặc thù trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bởi Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn nhiều so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và Bộ GD&ĐT. Đồng thời, hằng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương. Mặt khác, ở một số cơ sở giáo dục khi được tỉnh giao biên chế lại chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên nên hết chỉ tiêu được giao.

Những năm trước, tỉnh Thanh Hóa không tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số nghỉ hưu. Triển khai Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi trong cơ cấu bộ môn, nên môn thừa, môn thiếu giáo viên cục bộ. Đặc biệt theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, từ năm học 2022 - 2023, các môn Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học và dạy từ lớp 3. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT dạy từ lớp 10, nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, sở đã, đang phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện/thị/thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên các bộ môn còn thiếu nhiều như: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật (cấp Tiểu học); Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật (cấp THCS) và Âm nhạc, Mỹ thuật (cấp THPT).

“Địa phương nào chưa kịp tuyển dụng giáo viên các môn nêu trên thì thực hiện hợp đồng lao động với sinh viên mới ra trường, giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp, tăng tiết nhằm đảm bảo đủ giáo viên dạy học theo chương trình mới. Quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở khu vực miền núi, nhằm động viên, khuyến khích họ yên tâm với nghề, gắn bó công tác lâu dài tại khu vực miền núi, nhất là vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh”, ông Thức cho hay.

Theo ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trước mắt, sở sẽ thực hiện biệt phái giáo viên tiếng Anh (cấp THPT) từ miền xuôi lên miền núi để giảm tình trạng thiếu giáo viên khu vực miền núi. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, mời các đơn vị có uy tín, chất lượng hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.

Phối hợp với các địa phương đã, đang tập trung tuyển mới giáo viên tiếng Anh và các môn đặc thù để bổ sung cho các cấp học theo hướng đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.