Linh hoạt giải pháp bù lấp thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học cấp Tiểu học

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai thực hiện môn bắt buộc Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học.

Cô và trò Trường Tiểu học Bình Phú (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) trong giờ học tiếng Anh.
Cô và trò Trường Tiểu học Bình Phú (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) trong giờ học tiếng Anh.

Dù còn nhiều khó khăn do đội ngũ thừa thiếu cục bộ, nhưng ngành Giáo dục các địa phương đã chủ động giải pháp để thực hiện chương trình.

Phương án khắc phục

Tại TP Cần Thơ, hằng năm, sở GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức giảng dạy môn Tiếng Anh và Tin học, trong đó tự chọn ở lớp 1, 2; bắt buộc với lớp 3, 4 và 5 phù hợp thực tiễn địa phương, đáp ứng yêu cầu quy định trong chương trình của Bộ GD&ĐT; sử dụng sách giáo khoa, tài liệu, học liệu khác theo quy định để dạy học; khi triển khai không gây quá tải với học sinh tiểu học.

Đồng thời sở chỉ đạo các phòng GD&ĐT bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên đúng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy; thực hiện tốt đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học nhằm ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Theo ông Nguyễn Văn Chi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), khi thực hiện 2 môn học bắt buộc này từ lớp 3, ngành Giáo dục gặp khó khăn bước đầu, nhất là tình trạng thiếu giáo viên tại một số trường. Phòng đã chủ động rà soát và thống kê đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Ngoại ngữ và Tin học. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt theo quy định, phòng còn chủ động đề xuất nâng chuẩn và định hướng giáo viên theo chương trình mới, nhất là những bộ môn đang thiếu.

Qua 2 năm thực hiện, ngành Giáo dục huyện nâng chuẩn cho hơn 15 giáo viên Tin học đứng lớp, tuyển mới 3 giáo viên chuyên tin. Nhờ vậy, 18/20 trường tiểu học trên địa bàn đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy môn học này. Với 2 trường thiếu giáo viên, phòng GD&ĐT chỉ đạo linh hoạt thỉnh giảng nhân sự trường khác để đảm bảo thực hiện chương trình mới.

Bà Ngô Thuý Anh - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) cho biết: Để khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt môn Tiếng Anh và Tin học, Sở yêu cầu các phòng GD&ĐT linh hoạt trong tổ chức dạy học.

Đối với cơ sở giáo dục khó khăn trong bố trí giáo viên, cần xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để giáo viên dạy liên trường, nhiều điểm trường; Chủ động xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền và có giáo viên trợ giảng, phụ trách lớp học tại các điểm cầu; Tham mưu cấp quản lý thực hiện phương án phối hợp với tổ chức, cá nhân có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để giảng dạy.

Qua thực hiện đồng loạt giải pháp, hiện các cơ sở giáo dục phổ thông có lớp tiểu học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đảm bảo giảng dạy môn Tin học và Ngoại ngữ. 100% học sinh lớp 3 - 5 được học Chương trình GDPT 2018.

Học sinh tiểu học ở TP Cần Thơ trong giờ Tin học.

Học sinh tiểu học ở TP Cần Thơ trong giờ Tin học.

Linh hoạt thỉnh giảng

Huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) thiếu gần 60 giáo viên theo định mức biên chế được giao, trong đó hai môn Tiếng Anh và Tin học thiếu 8 giáo viên. Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng GD&ĐT Tân Hồng (Đồng Tháp) cho hay: Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND cấp huyện tuyển dụng, hợp đồng… để bảo đảm đủ số lượng giáo viên dạy học theo lộ trình.

Tuy nhiên, khó khăn đối với địa phương là thiếu nguồn tuyển dù các năm qua phòng GD&ĐT tuyển dụng nhiều đợt nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Trước thực trạng này, phòng chỉ đạo trường học trên địa bàn rà soát đội ngũ, linh hoạt thỉnh giảng giữa các đơn vị để đảm bảo số tiết, chất lượng chương trình.

Theo thầy Đào Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Phú (Tân Hồng, Đồng Tháp), năm học 2023 - 2024 nhà trường thiếu 1 giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Nhà trường tham mưu với UBND huyện xin thực hiện hợp đồng thỉnh giảng tại trường nhưng gặp nhiều khó khăn bất cập, nhất là việc thiếu giáo viên cục bộ tại các đơn vị do thiếu nguồn tuyển.

Cạnh đó, hầu hết giáo viên giảng dạy 2 môn học này ở trường bạn đều đang bị thừa tiết dạy nên việc thỉnh giảng cũng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Trường Tiểu học Bình Phú thỉnh giảng được 2 giáo viên tiếng Anh, vấn đề thiếu giáo viên trước mắt được giải quyết. Thời gian tới nhà trường tiếp tục tuyển dụng với hy vọng tuyển được để đảm bảo công tác giảng dạy và chất lượng học tập.

Ông Trần Minh Đức - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cho biết: Phòng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ, Tin học bằng cách rà soát đội ngũ và chỉ đạo các đơn vị tăng cường hỗ trợ giáo viên bộ môn ở trường có số lượng tiết/tuần thừa sang trường thiếu; yêu cầu các trường đảm bảo chế độ chính sách theo bảng lương tại đơn vị giáo viên được phân công chính thức. Nhờ vậy thời gian qua, việc triển khai hai môn học này dần ổn định. Tuy nhiên về lâu dài phòng sẽ tiếp tục tuyển dụng để thực hiện chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.