Khủng hoảng mù chữ bủa vây trại tị nạn Hy Lạp

GD&TĐ - Theo quan sát của các tổ chức nhân quyền, hầu hết trẻ em trong các trại tị nạn dọc biên giới Hy Lạp, thuộc điểm nóng nhập cư tại châu Âu đều không được đi học.

Những đứa trẻ sống trong trại tị nạn Kara Tepe ở Lesbos, Hy Lạp.
Những đứa trẻ sống trong trại tị nạn Kara Tepe ở Lesbos, Hy Lạp.

Những đứa trẻ này sẽ lớn lên cùng căn bệnh mù chữ, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các em. 

Nằm ở Lesbos, Hy Lạp là trại tị nạn Kara Tepe, được xây dựng để thay thế trại Moria đã bị thiêu rụi vào thời gian trước. Hầu hết, người nhập cư trong trại đều ở độ tuổi đi học nhưng không được đến trường trong hơn một năm.

Điều này tạo nên những ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình phát triển nhận thức xã hội của trẻ. Các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi các nước châu Âu và Liên Hợp Quốc chung tay giải quyết vấn đề này.

Theo luật pháp Hy Lạp, trẻ em sống tại quốc gia này trên 3 tháng sẽ được phép đi học. Ngoài ra, theo điều 22 của Công ước Geneva về người tị nạn, họ được hưởng nền giáo dục quốc gia, được tiếp cận trường học cũng như cơ hội học tập như người dân địa phương. Hy Lạp và UNICEF cũng đã ký chương trình giáo dục chính thức nhằm cho phép người tị nạn được theo học trong các trường công lập trên toàn quốc.

Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra trong thực tế. Trẻ tị nạn có thể đăng ký nhập học nhưng họ luôn nằm trong danh sách chờ do người giám hộ của các em chưa có căn cước công dân, không có địa chỉ nhà hoặc không đủ khả năng tài chính.

Thông thường, một đứa trẻ nhập cư phải đợi 1 - 2 năm trước khi được phép vào sinh sống tại Hy Lạp hay các quốc gia châu Âu. Thời gian có thể kéo dài vì tình trạng người nhập cư quá tải.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh Hy Lạp đã lên tiếng phản đối chính sách cho phép trẻ tị nạn theo học các trường công lập trên cả nước. Dù giáo viên ủng hộ quyết định này, họ sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục phụ huynh tin tưởng và tuân theo quy định.

Đại dịch Covid-19 đang khiến vấn đề này thêm phần nghiêm trọng. Trong khi trẻ em trên khắp thế giới học trực tuyến vì dịch Covid-19, trẻ tị nạn ở Lesbos không có cơ hội này. Các trại tị nạn chỉ được sử dụng tối đa 3 giờ điện mỗi ngày.

Bảng đen, bút, giấy, những dụng cụ học tập luôn trong tình trạng thiếu thốn. Mọi người chỉ có thể trông cậy vào sự cung cấp của các tổ chức viện trợ. Một số trại tị nạn không thể truy cập Internet nên hình thức học trực tuyến gần như là không thể.

Để hỗ trợ trẻ tị nạn, tổ chức viện trợ Stand By Me Lesbos đã biến hai chiếc xe bus bỏ đi thành lớp học di động trong trại tị nạn Kara Tepe. Vô lăng, ghế dài được dỡ bỏ, thay thế bằng bàn học, bảng đen. Mỗi xe có thể chứa tối đa 9 học sinh. WiFi cũng được lắp đặt để phục vụ nhu cầu học tập.

Tuy nhiên, đại diện tổ chức Stand By Me Lesbos đánh giá, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Hy Lạp đã nới lỏng biện pháp phong tỏa với khách du lịch trên thế giới từ tháng 5/2021 nhưng vẫn phong tỏa các trại tị nạn.

Điều này tiếp tục cản trở trẻ tị nạn được quyền tiếp cận con chữ trong tương lai gần và tạo nên nhiều làn sóng bất ổn trong những nhóm người nhập cư. Tại châu Âu, trong các trại tị nạn, quyền được học tập của trẻ em nhập cư vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Theo IPS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.