Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, thỏa thuận này là một thành công trong việc ngăn chặn buôn lậu và hạn chế người di cư. Kết quả là, khoảng 15.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị mắc kẹt ở Lesbos, Chios, Kos, Samos và Leros - những hòn đảo gần với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều phụ nữ sau khi sinh 4 ngày bị đưa ra khỏi bệnh viện và sống trong một túp lều của trại và bị tấn công thường xuyên. Báo cáo cho biết: “Nhiều phụ nữ phải mặc tã vào ban đêm để tránh đi nhà vệ sinh khi trời tối”. Họ thường bị đánh đập không rõ lí do và không được dùng nước ấm trong mùa đông.
Renata Rendón, người đứng đầu Oxfam ở Hy Lạp cho biết, việc không phát hiện ra những trường hợp bị đối xử tồi tệ là vô trách nhiệm. “Các nhà lãnh đạo của châu Âu phải đối mặt với thực tế là, chính sách của họ đang duy trì một hệ thống vô nhân đạo, khiến người tị nạn gặp nguy hiểm. Thay vì tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để đưa người tị nạn trở về Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận được ký kết năm 2016, các quốc gia thành viên EU nên hỗ trợ Hy Lạp cải thiện điều kiện sống tại các trại và đưa người dân ra khỏi hòn đảo vào đất liền”, bà Rendón nói thêm.
Suốt nhiều tháng qua, chính phủ Hy Lạp chỉ thuê 1 bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của khoảng 2.000 người mới đến trại. Ngay cả những người tị nạn, được xác định là dễ bị tổn thương và về mặt lý thuyết được phép rời khỏi đảo, vẫn phải ở lại do thiếu chỗ ở trên đất liền. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), hơn 4.000 người đủ điều kiện chuyển nhượng bị mắc kẹt ở Lesbos và Samos vào tháng 11/2018. Quy trình xin tị nạn chậm cũng là nguyên nhân khiến các gia đình phải ở lại trại suốt nhiều năm.