Không tiêm vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ từ 3 - 11 tuổi

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em 3 - 11 tuổi không phải là Pfizer và Moderna. Ngoài ra, vắc-xin tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này cũng có liều lượng khác.

Đánh giá về tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, các nhà chuyên môn cho biết không có sự khác biệt so với người lớn.
Đánh giá về tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, các nhà chuyên môn cho biết không có sự khác biệt so với người lớn.

Không để sót trẻ chưa tiêm vắc-xin

Chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì Hội nghị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh, từ cấp xã, không được để sót trẻ em chưa tiêm vắc-xin.

Các địa phương cần tuyên truyền cho phụ huynh thấy được lợi ích của vắc-xin. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hiểu rõ tác dụng phụ của vắc-xin. Điểm tiêm ngoài cơ sở y tế có thể là ở trường.

Đồng thời, tập huấn y tế cho cán bộ tiêm chủng, đặc biệt cấp cơ sở. Nhờ đó, tránh xảy ra nhầm lẫn khi thực hiện tiêm chủng cho trẻ em.

“Đến nay, Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Liều lượng và kỹ thuật tiêm được thực hiện tương tự với người lớn. Vắc-xin tiêm cho trẻ em 3 - 11 tuổi là loại vắc-xin khác, có liều lượng tiêm khác.

Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3 - 11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vắc-xin cho độ tuổi này”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Trong khi đó, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi bắt đầu từ quý IV. Mở rộng tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi).

Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 3588 của Bộ Y tế.

Vắc-xin triển vọng cho trẻ

Đến nay, Việt Nam có 8 loại vắc-xin Covid-19 được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Janssen, Spikevax, Comirnaty, Vero Cell, Hayat - Vax và Abdala.

Trong số này, 5 loại vắc-xin Covid-19 đang được các quốc gia sử dụng để tiêm cho trẻ em là Vero Cell, Hayat Vax, Moderna, Pfizer và Abdala. Hiện, Việt Nam cho phép sử dụng 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna.

Chia sẻ về vắc-xin Covid-19 ở trẻ em, TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng phòng khám, tư vấn tiêm chủng, Khoa Dự phòng và Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương - nhấn mạnh: “Để phòng ngừa Covid-19 cho trẻ em, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu đã trở thành thường quy hiện nay là thông điệp “5K”, việc phòng ngừa chủ động bằng vắc-xin là biện pháp rất cần thiết”.

Chuyên gia này cho biết, vắc-xin Comirnary của hãng Pfizer-BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sử dụng từ 31/12/2020. Ngay từ khi được đưa vào sử dụng, vắc-xin Comirnary đã được đề xuất sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên với liều như người lớn (liều 0,3ml chứa 30mcg vắc-xin).

Tại Việt Nam, vắc-xin được phê duyệt sử dụng từ tháng 6 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đầu tháng 10, Pfizer-BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin cho trẻ 5 - 11 tuổi với hiệu quả phòng bệnh và tính an toàn cao. Hãng đã nộp hồ sơ xin phê duyệt. Pfizer-BioNTech đang tiếp tục thử nghiệm vắc-xin cho các nhóm trẻ 6 tháng đến 2 tuổi và 2 - 5 tuổi.

Trong khi đó, vắc-xin Moderna của hãng Moderna (Mỹ) đã được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi (trước đó đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên từ tháng 12/2020). Vắc-xin được đánh giá là có hiệu quả và tác dụng phụ tương tự như đã gặp ở người lớn.

Moderna đang tiếp tục thử nghiệm vắc-xin ở nhóm trẻ từ 6 tháng - 12 tuổi. Hãng Sinopharm (Trung Quốc) đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu vắc-xin Verocell cho nhóm trẻ từ 3 - 17 tuổi, với thông báo kết quả thử nghiệm rất nhiều triển vọng.

Các hãng khác như AstraZeneca, Novavax, Sputnik… cũng đang hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em và sẽ công bố khi có kết quả.

“Đánh giá về tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, các nhà chuyên môn cho biết không có sự khác biệt so với người lớn. Các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em phổ biến là sưng, đau chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, có thể buồn nôn và sẽ tự hết sau vài ngày.

Cũng đã có một số báo cáo về viêm cơ tim sau tiêm vắc-xin nhóm mRNA, nhưng tỷ lệ rất thấp. Trẻ em cần phải được theo dõi đúng các quy trình sau tiêm chủng”, TS.BS Lê Kiến Ngãi dẫn chứng.

Trước đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh - nhận định, vắc-xin Covid-19 của Cuba là an toàn nhất đối với trẻ em.

Bởi, virus vector và mRNA là hai công nghệ quá mới. Theo chuyên gia này, hai công nghệ tiên tiến và an toàn cho trẻ là vắc-xin liên hợp và tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị (Recombinant vắc-xin).

Bác sĩ Khanh cho rằng, Novavax, Nanocovax, Abdala là những loại vắc-xin Covid-19 sử dụng công nghệ vắc-xin tái tổ hợp và an toàn cho trẻ. Trong khi đó, vắc-xin liên hợp có thể tiêm cho trẻ là Soberana 2. Chuyên gia này nhận định, có thể tiêm vắc-xin của Cuba Abdala cho trẻ 7 - 17 tuổi. Trong khi đó, vắc-xin Soberana có thể được tiêm cho trẻ nhỏ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ