Không thể chậm trễ đổi mới quản lý, quản trị trường học

GD&TĐ - Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới đối với cấp tiểu học đã bước sang năm thứ 3. 

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, để đạt hiệu quả cao đòi hỏi công tác quản lý, quản trị trong nhà trường không thể chậm trễ, thậm chí phải đi trước một bước.

Đổi mới từ công tác quản lý

Cô Nguyễn Thị Thoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mĩ (Lạng Giang, Bắc Giang), cho biết: Thực hiện CT GDPT mới với lớp 3, hiệu trưởng đã suy nghĩ, lên kế hoạch, triển khai... các vấn đề, điều kiện triển khai với lớp 4 năm sau (cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị dạy học, bố trí đội ngũ…).

Hiệu trưởng phải chuẩn bị sẵn giáo viên nào đứng lớp để sẵn sàng tâm thế; Cùng đó, tính toán cần thêm cơ sở vật chất ra sao. Từ khó khăn thực tế đề xuất lên cấp trên cái gì và tự giải quyết vấn đề gì để bảo đảm yêu cầu triển khai?... Trong khi đó, cách quản lý cũ thì năm nào nghĩ năm đó, kế hoạch chỉ mang tính ngắn hạn, không có tầm nhìn xa… dẫn tới bị động, thiếu khoa học.

Cô Thoan cũng khẳng định, việc đổi mới và chuyển dần từ quản lý sang quản trị khi triển khai CT GDPT mới đang phát huy hiệu quả. Minh chứng, trước đây nhiều năm liền, trường không có giáo viên giỏi cấp tỉnh bởi công tác bồi dưỡng, sắp xếp bố trí giáo viên chưa hợp lý. Song 4 năm trở lại đây với sự chuẩn bị theo chiều sâu, chiến lược, khoa học… đã có 95% giáo viên giỏi cấp trường; 52% giáo viên giỏi cấp cơ sở, thậm chí là giỏi cấp tỉnh. Sự tiến bộ của giáo viên khá đồng loạt, chủ động được chuyên môn nên chất lượng dạy học, kết quả học tập của học sinh cũng chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản trị cũng phát huy hiệu quả. Việc báo giảng, quản lý sĩ số trên lớp hàng ngày, quản lý hồ sơ sổ sách… đều “khớp” nhau, không đơn lẻ thiếu đồng bộ. Đặc biệt, đổi mới quản lý, quản trị giúp từng giáo viên tiến bộ và không ngừng nâng cao chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đổi mới quản lý và chuyển dần sang quản trị tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai, Lào Cai) cũng được ban giám hiệu quan tâm. NGƯT Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng, chia sẻ: Trong xây dựng kế hoạch nhà trường trước đây chỉ căn cứ hướng dẫn của cấp trên mà chưa coi trọng mục tiêu phát triển của nhà trường. Khi triển khai CT GDPT mới, xây dựng kế hoạch giáo dục đã được trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

“Đổi mới và chuyển dần từ quản lý sang quản trị giúp hiệu trưởng tăng tính tự chủ, dám làm và chịu trách nhiệm giải trình chứ không theo khuôn mẫu hay giám sát áp đặt…”, NGƯT Bùi Thị Kim Chi khẳng định.

Quản trị hoạt động dạy và học trước đây theo mục tiêu cấp học nhưng khi chuyển từ quản lý sang quản trị, hiệu trưởng có thể phương hướng cho trường, theo từng giai đoạn, khối lớp, môn học.

Trong quản lý nhân sự, trước đây mang tính áp đặt, thậm chí phân công lệch nhiệm vụ giáo viên. Tuy nhiên, thông qua bảng mô tả công việc thì giáo viên được làm đúng việc, tự chủ và có thể nhận ra sự sai lệch chuyên môn được phân công từ đó trao đổi để thay đổi.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình (Hà Nội), cũng cho rằng, đổi mới quản lý, quản trị khi triển khai CT GDPT mới đã phát huy hiệu quả rõ nét khi ứng dụng CNTT. Ngành xem đây là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả, tạo ra sự khác biệt với phần mềm Google Workspace for Education (bộ nhớ dùng chung, lịch công tác trực tuyến; xây dựng các luồng công việc...).

Trước đây, các trường phải báo cáo thống kê vất vả thì nay việc chia sẻ trực tuyến giúp tất cả nhìn thấy công việc của mình, người khác và nhập dữ liệu vào đó tiện lợi. Hay quá trình gửi văn bản lên phòng, phải sửa chữa, ký lại nhiều lần sửa thì khi chuyển sang chữ ký số rất tiện dụng, không mất thời gian, nhân lực. Trước đây giấy mời và công văn được văn thư chuyển thủ công hiện gửi qua hệ thống luồng công việc, văn thư chỉ việc cập nhật và đẩy lên trực tuyến...

“Hiệu suất, hiệu quả công việc tăng lên trong bối cảnh ngành đang thực hiện cắt giảm từ 5 - 10% công chức trong 5 năm… đều bắt đầu từ đổi mới quản lý thông qua chuyển đổi số...”, ông Thuận khẳng định.

Giáo viên thêm sáng tạo khi được nhà trường trao quyền tự chủ. Ảnh: NTCC

Giáo viên thêm sáng tạo khi được nhà trường trao quyền tự chủ. Ảnh: NTCC

Không để giáo viên bị triệt tiêu sáng tạo

Dù có chuyển biến mạnh, song NGƯT Bùi Thị Kim Chi vẫn cho rằng quá trình triển khai CT GDPT mới, quản lý và quản trị cần có sự hài hòa bởi giáo dục có những đặc thù riêng. Khi nhân sự trường học chưa thực sự toàn diện về số lượng và chất lượng thì quản lý và quản trị phải cân đối theo hướng giao quyền, tạo điều kiện nhiều hơn cho giáo viên. Nếu nặng về quản lý thì đội ngũ sẽ khó phát triển, sáng tạo, tự chủ. Quản lý sẽ nghiêng dần sang quản trị nhưng vẫn cần quản lý. Quản lý và quản trị đều có ưu điểm riêng trong quá trình triển khai CT GDPT mới nên không thể thực hiện riêng một chức năng nào.

Mặt khác, theo NGƯT Bùi Thị Kim Chi, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải thay đổi về nhận thức, tư duy. Trên cơ sở kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, hiệu trưởng phải đi trước đội ngũ trong nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc đổi mới. Trong đó, chú ý tiếp cận CT GDPT 2018, nhất là những điểm mới.

Cần dân chủ hóa mạnh mẽ hơn nữa công tác quản trị nhà trường; tạo môi trường dân chủ thực sự. Làm sao mọi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều có tiếng nói và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Hơn thế, người đứng đầu phải biết lắng nghe, thậm chí chấp nhận sự khác biệt, biết cách thức tổ chức điều hành để phát huy sáng tạo, trí tuệ tập thể.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) cũng khẳng định: Triển khai CT GDPT mới với tiểu học đòi hỏi hiệu trưởng phải đổi mới công tác quản lý, quản trị và biết kết hợp hài hòa 2 chức năng. Hiệu trưởng cần nắm được cả 2 vấn đề quản lý, quản trị và tùy theo từng công việc của trường để thực hiện tốt nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng đồng thời lưu ý, CT GDPT mới đòi hỏi đổi mới quản lý, quản trị, đồng nghĩa cần giao quyền tự chủ, linh hoạt cho giáo viên, không ôm đồm mọi việc. Hiệu trưởng dù tài năng tới đâu cũng không thể làm hết, làm tốt tất cả. Điều đó không phát huy được trí tuệ tập thể.

Theo bà Hằng, trong quản lý cần tạo động lực cho giáo viên làm việc hăng say, đổi mới, hào hứng lên lớp. Bởi giờ dạy chỉ hiệu quả khi giáo viên tạo được động lực cho học sinh và học sinh yêu thương gắn bó với giáo viên.

“Đổi mới quản lý, quản trị gắn liền với triển khai CT GDPT mới. Đơn cử, có môn học, hoạt động giáo dục mới; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá cũng đổi mới. Do đó cách triển khai đòi hỏi thay đổi tư duy của người lãnh đạo, cách quản lý, quản trị. Việc quản lý, quản trị đội ngũ, phân công giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu, nhất là khi triển khai các môn học mới, cũng cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu của chương trình”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

“Hiện ở một số trường, hiệu trưởng thiếu đổi mới trong quản lý, quản trị, thiếu phát huy sự sáng tạo, quản lý hành chính, nặng về hồ sơ sổ sách, mệnh lệnh… khiến giáo viên không chủ động thậm chí “cụt” sáng tạo trong quá trình dạy học...” - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.