Thực hiện Chương trình mới cấp Tiểu học: Chú trọng đổi mới quản trị trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 18/7, tại Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018 cấp tiểu học. TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị được ra trong 2 ngày (18-19/7), với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, lãnh đạo phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở GD&ĐT của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Chương trình mới

Hội nghị tập trung phân tích thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học; quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2; thực trạng gỉai pháp dạy môn tiếng Anh và Tin học. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Thực trạng và giải pháp biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành và tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương; tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ và Tin học; thực trạng và định hướng giải pháp triển khai tổ chức lựa chọn SGK tại địa phương; thực hiện tổ chức dạy lớp ghép, lớp có nhiều trình độ; triển khai dạy học STEM....

Tại Hội nghị, TS Thái Văn Tài đã báo cáo thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Theo đó, toàn quốc hiện có 14.746 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Trung bình toàn quốc tỉ lệ phòng học/lớp là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 phòng (0,75%). Các địa phương đã chủ động rà soát cơ sở vật chất, thiết bị tham mưu đầu tư, mua sắm phục vụ Chương trình mới.

TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học trình bày thực trạng và giải pháp triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học trình bày thực trạng và giải pháp triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

Mặc dù số học sinh tiểu học tăng hơn năm trước nhưng các địa phương đã đáp ứng được cơ sở vật chất và giáo viên để dạy học đúng quy định. Hiện nay, tỉ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41, đảm bảo cơ bản dạy học 2 buổi/ngày.

Để chuẩn bị tốt cho Chương trình GDPT 2018, các nhà trường đã tổ chức cho giáo viên, tổ chuyên nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định các bộ SGK phù hợp với điều kiện nhà trường. 100% học sinh các nhà trường có SGK trước khi khai giảng năm học mới.

Kết quả triển khai chương trình SGK GDPT đối với lớp 1, lớp 2 cho thấy các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng chủ động, linh hoạt; sự năng động, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, tổ chuyên môn trong việc khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị. Các trường tiểu học hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số điểm nội trội hơn so với chương trình hiện hành.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn nhiều khó khăn như: số lượng trường phổ thông thực hiện chương trình lớn, trải rộng khắp cả nước có nhiều nơi còn khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục còn hạn chế; thiếu giáo viên Tin học và tiếng Anh trong khi việc tuyển dụng rất khó khăn.

Phát huy tính chủ động, linh hoạt của các nhà trường

Theo TS Thái Văn Tài, để tổ chức thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới, cần chú trọng đổi mới trong quản lí, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; vận dụng sáng tạo nhiều giải pháp phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Dựa trên các văn bản đã hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy phù hợp.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để dạy học môn Tin học và tiếng Anh cho 100% học sinh lớp 3 trong năm học 2022-2023; chủ động các phương án cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để thực hiện tốt chương trình mới, các Sở GD&ĐT địa phương tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo biên soạn và tổ chức nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học; tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuế- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh thông tin: Quảng Ninh có diện tích trải dài, nhiều huyện miền núi, hải đảo dân cư phân bố thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của đa số người dân còn nghèo, mặt bằng dân trí không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương có quy mô trường lớp ít, còn nhiều trường có nhiều điểm trường lẻ dẫn đến dàn trải trong đầu tư, lãng phí nguồn lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với yêu cầu, nhất là đối với các điểm trường vùng sâu, vùng xa khi bắt tay vào thực hiện chương trình SGK mới. Một số đơn vị có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao hoặc một số đơn vị có sĩ số học sinh/lớp quá cao do chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn 1 phòng học/lớp hoặc chưa đảm bảo định biên giáo viên.

Đội ngũ giáo viên tiểu học chưa đảm bảo theo định mức về số lượng, cơ cấu; ở một số địa phương mặc dù còn chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển. Việc cắt giảm biên chế viên chức hằng năm ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên của cấp học, trường có nhiều điểm trường lẻ cách xa nhau nên cũng khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần).

Năm học 2021 - 2022 là năm thứ hai triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học. Năm học diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến còn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục; kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục có những thời điểm phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Một số cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục cũng thay đổi, có tác động đến việc tổ chức các hoạt động của ngành, cấp học. Tuy nhiên cùng với những cố gắng nỗ lực của toàn ngành, cấp tiểu học của tỉnh đã rất tích cực khắc phục khó khăn thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học năm học 2021-2022, trong đó là thực hiện tốt việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1, lớp 2.

Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, các nhà trường cần chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị theo hướng chủ động, linh hoạt.

Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, các nhà trường cần chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị theo hướng chủ động, linh hoạt.

Tuy nhiên, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường tiểu học thực tế tại một số địa phương trong tỉnh Quảng Ninh chưa đáp ứng yêu cầu về số học sinh/lớp theo Điều lệ trường tiểu học, chưa đảm bảo diện tích sân chơi bãi tập cho học sinh; Một số trường khu vực miền núi vẫn còn có nhiều điểm trường... nên còn gặp khó khăn tổ chức các hoạt động giáo dục; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Việc cắt giảm biên chế giáo viên hằng năm đã làm ảnh hưởng đến biên chế, tuyển dụng giáo viên tiểu học để đảm bảo tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, công tác tham mưu tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương còn gặp khó khăn, có nơi thiếu nguồn tuyển dẫn đến thiếu giáo viên dạy bộ môn, nhất là giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học. Mặt khác tỉ lệ giáo viên/lớp hiện nay chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp, toàn tỉnh mới đạt tỉ lệ trung bình 1,37 giáo viên tiểu học/lớp nên việc triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ