Thầy Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy, Nam Định: Cần lộ trình từng bước
Số hóa trong quản lý, quản trị trường học rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19; vì sự phát triển của khoa học công nghệ và hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành ngày một nhiều, yêu cầu về công tác lưu trữ hồ sơ, xây dựng hệ thống học liệu ngày càng cao…
Tại Trường THPT Nguyễn Trường Thúy, nhà trường đã triển khai thực hiện sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc điện tử; quản lý, thu chi ngân sách Nhà nước qua dịch vụ công; thu học phí và một số khoản qua thẻ ATM; triển khai chữ ký số, chuyển văn bản điện tử, và cải cách một số thủ tục hành chính khác; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; dạy học và họp trực tuyến …
Thuận lợi của nhà trường khi triển khai là có hệ thống thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ. Mỗi lớp được trang bị 1 bộ máy vi tính, 1 bộ máy chiếu, 1 bộ thiết bị âm thanh, 1 bộ camera, với hệ thống đường truyền ổn định, đáp ứng tốt hình thức dạy học “2 trong 1” - vừa trực tuyến, vừa trực tiếp từ nguồn xã hội hóa. Khu hiệu bộ, khối hành chính, văn phòng được trang bị đủ máy tính và đường truyền. Gần 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng thành thạo máy tính. 100% cán bộ, giáo viên có máy tính xách tay. Trường có hệ thống camera an ninh bảo đảm hoạt động 24/24 giờ.
Tuy nhiên, khó khăn của trường là chưa có nhân viên chuyên trách về CNTT; chưa được tập huấn đầy đủ về chuyển đổi số; chưa có hệ thống phần mềm quản lý… Quá trình “số hoá” trường học, nhất là triển khai dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục bằng hình thức trực tuyến, một số HS còn khó khăn vì chưa có các thiết bị CNTT.
Từ thực tế, tôi mong rằng các nhà trường được trang bị đồng bộ thiết bị CNTT, hệ thống phần mềm quản trị, có nhân viên CNTT chuyên, được tập huấn bài bản, đầy đủ và được cấp kinh phí vận hành chuyển đổi số.
Thực hiện chuyển đổi số rất cần sự đồng bộ, bởi nếu không sẽ gây khó khăn, vất vả trong công tác quản lý tầm vĩ mô (Bộ/sở GD&ĐT). Còn với giáo viên, bước đầu số hoá sẽ vất vả, nhưng sau đó có thể nhàn hơn (khi có kho học liệu). Tuy nhiên, nếu số hoá đồng bộ kinh phí đầu tư sẽ rất cao nên phải có lộ trình từng bước. Đó là chưa kể phí vận hành hệ thống hằng năm. Vì thế, đây là vấn đề khó khăn, nhất là với những tỉnh nghèo.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam: Kết hợp truyền thống và số hóa trong đánh giá học sinh
Việc áp dụng chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục cần hết sức thận trọng, có nghiên cứu, tính toán sao cho hợp lý và đạt hiệu quả cao trong môi trường ứng dụng không gian số.
Để thực hiện được chuyển đổi số, trước tiên phải số hóa các dữ liệu. Nghĩa là chuyển tất cả thông tin hiện tại, văn bản ghi chép truyền thống sang văn bản, thông tin được ghi, lưu trữ trong hệ thống kỹ thuật số. Khi các thông tin được số hóa, chúng ta ứng dụng CNTT để quản trị nhà trường hay dạy học. Nghĩa là chúng ta bước đầu làm được chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Hiện có 3 hình thức ứng dụng công nghệ trong giáo dục (chuyển đổi số) cần thực hiện đồng bộ: Ứng dụng công nghệ trong quản trị nhà trường (công cụ vận hành, quản lý nhà trường); Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy và học (lớp học thông minh, lập trình vào giảng dạy); Ứng dụng công nghệ trong tổ chức lớp học (công cụ giảng dạy, quản trị).
Có thể hiểu, chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện thông qua một loạt các hoạt động: Triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEM/STEAM/STEAME), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng CNTT, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh (HS) có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số. Xây dựng, thực hành các nền tảng số dể dạy học trực tiếp, trực tuyến. Kết hợp giảng dạy trực tiếp, trực tuyến trong cùng một chương trình giáo dục của mỗi trường.
Dạy học trực tuyến thông qua phương pháp “lớp học đảo ngược”. Khuyến khích học tập lấy HS là trung tâm và học tập mang tính cộng tác. HS tự mình tiếp cận nội dung bài học, có nhiều quyền kiểm soát hơn, học có hiệu quả và linh hoạt hơn. Phụ huynh biết được tình hình học tập trong lớp. Nội dung bài học có chủ ý của giáo viên, đáp ứng mong muốn của HS. Đây là phương pháp dạy học trực tuyến có hiệu quả nhất.
Riêng về chuyển đổi số trong dạy học, có thể thực hiện các hoạt động sau: Trước tiên, chuyển nội dung sách giáo khoa truyền thống sang sách giáo khoa điện tử. Trên cơ sở số hóa nội dung dạy học tiến hành ứng dụng CNTT để dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp, trực tuyến;
Đối với chuyển đổi số trong hoạt động đánh giá HS, theo tôi cần kết hợp cách làm truyền thống và số hóa; không thể máy móc như thực tế một số địa phương đã làm. Khâu thu thập thông tin về đánh giá HS nên làm theo cách truyền thống. Cuối kỳ hoặc cuối năm chúng ta mới số hóa thông tin đánh giá HS để rồi dùng CNTT để tìm ra kết quả đánh giá HS, xây dựng học bạ điển tử cũng như kết nối dữ liệu đánh giá HS trong phạm vi liên trường, trong huyện hay toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thuy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy (Thái Bình): Nếu không làm sẽ trở nên lạc hậu
Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số được thực hiện để nâng cao hiệu quả công việc từ khá lâu. Cụ thể, các trường đã đưa vào sử dụng các hệ thống để quản lý như: Quản lý cán bộ giáo viên, học sinh, thư viện, kế toán…
Tuy nhiên, những năm gần đây việc chuyển đổi số được các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn. Đáng chú ý là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Có thể thấy, thực hiện chuyển đổi số hiện nay có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, quản trị trường học. Chuyển đổi số giúp các trường học tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị nhà trường. Ứng dụng CNTT giúp mọi việc diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn; thực hiện tốt hơn trong công tác công khai; góp phần thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Nói tóm lại, công tác quản lý, quản trị trường học hiện nay không thể thiếu được CNTT. Nếu ngành Giáo dục không thực hiện tốt việc chuyển đổi số sẽ bị lạc hậu trong thời kỳ kỷ nguyên số.
Trong thời gian qua, dù đã có những bước tiến khá tốt, tuy nhiên triển khai số hóa trong trường học vẫn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân có thể kể đến do việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị CNTT cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách chi cho nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị CNTT các trường còn hạn chế. Cha mẹ học sinh đầu tư thiết bị CNTT cho học sinh còn nhiều khó khăn, nhất là vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, các nhà trường còn phải sử dụng nhiều phần mềm rời rạc, độc lập, chưa liên thông và thiếu đồng bộ, có dữ liệu còn quản lý và cập nhật trên nhiều hệ thống khác nhau. Nguyên nhân là do chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu phần mềm đồng bộ để khai thác sử dụng cho công tác quản trị nhà trường. Năng lực ứng CNTT của một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn hạn chế, có tư tưởng ngại đổi mới. Không ít phụ huynh chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực về mạng Internet, mạng xã hội mà không nhìn nhận ra mặt tích cực của nó, dẫn đến giáo dục học sinh một cách tiêu cực.
Để việc số hóa trong trường học bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, trước tiên cần tăng cường tuyên truyền tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục để toàn xã hội nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng có hiểu biết đúng đắn về chuyển đổi số. Tiếp theo, các cấp, các ngành cần xây dựng chiến lược cụ thể từng giai đoan để tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, trang thiết bị CNTT của nhà trường. Đây là điều kiện không thể thiếu để phát triển ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục. Khi có hạ tầng CNTT đồng bộ thì việc triển khai chuyển đổi số mới thực sự đạt hiệu quả.
Cũng cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu ban đầu bảo đảm đồng bộ giúp khai thác dữ liệu liên thông dữ liệu giữa các ban ngành, không riêng ngành Giáo dục. Xây dựng hệ thống chung trong toàn quốc quản lý các nội dung cơ bản về cơ sở vật chất, con người… các hệ thống khác sẽ cập nhật và lấy dữ liệu…. Mục tiêu mỗi dữ liệu chỉ phải cập nhật trên 1 hệ thống duy nhất. Cuối cùng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Đẩy mạnh dạy học Tin học trong nhà trường để trước mắt học sinh có thể sử dụng thành thạo một số ứng dụng CNTT phục vụ học tập, công việc hàng ngày. Xa hơn nữa là trang bị cho học sinh kỹ năng cơ bản của công dân thời thời đại 4.0.
Đối với ngành GD-ĐT huyện Thái Thụy, việc chuyển đối số trong ngành là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua, ngành đã xây dựng nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng CNTT để cải cách hành chính. Từ năm 2017, Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện Đề án phát triển ứng dụng CNTT ngành GD-ĐT giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong đó, xây dựng nhiều giải pháp, lộ trình cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Các trường ưu tiên, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị CNTT, đến nay 100% các lớp học mầm non có máy tính, tivi; 100% các lớp 1, 2, 6 được lắp đặt tivi và Internet để phục vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiến tới, đầu tư cho lắp đặt 100% tivi, Internet cho các phòng học từ mầm non đến THCS.
100% các trường sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý nhà trường, triển khai sử dụng triệt để học bạ và sổ điểm điện tử; 100% các trường sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để số hóa các loại văn bản, hồ sơ của nhà trường; là đơn vị đi đầu trong việc triển khai kế hoạch dạy học (giáo án) không phải in ấn, qua đó giúp giảm tối đa chi phí và thời gian in ấn giáo án cho giáo viên.
Ngành cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi để nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho giáo viên, học sinh như: Tổ chức lập trình ứng dụng dạy học ngôn ngữ Scracth, lập trình điều khiển robot… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và xã hội về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Thường xuyên tốt chức khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc ứng dụng CNTT.