Không muốn muộn học, hãy đội mũ bảo hiểm!

Không muốn muộn học, hãy đội mũ bảo hiểm!

(GD&TĐ) - Thông điệp này được Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội Tuyên truyền, (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội), gửi đến các em học sinh, khi trao đổi với phóng viên báo GD&ĐT xung quanh việc tăng cường công tác xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm của lực lượng CSGT từ tháng 4 tới; tập trung cảnh cáo và xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con em mình khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy và cả người đi xe đạp điện không đội MBH.

Xin ông cho biết tình hình sử dụng MBH khi sử dụng xe đạp điện trên địa bàn thành phố hiện nay ra sao, đối tượng điều khiển phương tiện chủ yếu là những ai và hướng tuyên truyền thực hiện, đẩy mạnh xử lý các vi phạm trong vấn đề này đã được lực lượng CSGT Công an Hà Nội triển khai ra sao? 

Không muốn muộn học, hãy đội mũ bảo hiểm! ảnh 1
Trung tá Nguyễn Đức Thịnh

Trung tá Nguyễn Đức Thịnh: Chúng ta đều thấy rằng, trong thời gian vừa qua tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác, xe máy điện, xe đạp điện phát triển rất mạnh. Các nhà chế tạo đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường Việt Nam, nên đã chú ý về mẫu mã, chất lượng, giá cả, cho nên dù một gia đình có thu nhập trung bình cũng có thể mua được một chiếc xe đạp điện phù hợp cho con em mình. Thời gian tới chắc chắn rằng số xe máy điện, xe đạp điện sẽ tăng trưởng rất nhanh trên thị trường nước ta. Hiện nay, rất nhiều học sinh ở các trường THCS và nhất là THPT đi xe đạp điện và xe máy có động cơ chạy bằng điện để đến trường. Theo thống kê của chúng tôi, đây cũng là đối tượng chính sử dụng loại phương tiện này ở Hà Nội. 

Từ đầu năm 2013, Phòng CSGT đã giao cho Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch số 09 ngày 1/3/2013 để trực tiếp kiểm tra và xử lý tình trạng đi xe máy điện, xe đạp điện không đội MBH của giới trẻ. Ngay trong tuần đầu tiên triển khai, chúng tôi đã phát hiện tới 90% người điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội MBH, mà hầu hết là học sinh. Giai đoạn 2 của công tác này từ ngày 10 - 16/3, chúng tôi đã tiến hành xử lý hàng trăm trường hợp người điều khiển loại phương tiện này không đội MBH. 

Đâu là khó khăn trong công tác này, khi đối tượng vi phạm chủ yếu lại là các em nhỏ đang tuổi đến trường, thưa ông? 

- Trong quá trình xử lý, có một số vấn đề nảy sinh là xe đạp điện trong Luật không yêu cầu phải có giấy phép lái xe, không bắt buộc phải làm đăng ký quản lý tại cơ quan công an. Đối tượng sử dụng chủ yếu lại là học sinh, trong túi làm gì có tiền; bởi vậy triển khai xử phạt tại chỗ rất khó. Chưa kể nếu cứ cứng nhắc xử lý lại làm ảnh hưởng thời gian của các cháu đến trường. Bởi vậy, giai đoạn đầu chúng tôi thiên về tuyên truyền, nhắc nhở là chính. 

Để giải quyết hiệu quả vấn đề, nhất là giảm thiểu được được tai nạn thương vong cho các em, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục, cũng như các gia đình có con em ở lứa tuổi đó phải tự giác chấp hành luật lệ giao thông; đồng thời phải tăng cường động viên giải thích, khuyến khích cũng như làm cho các cháu hiểu rõ được những nguy hiểm của việc không đội MBH. Trước hết là tránh được thương vong cho mình, thứ hai là không ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông, trong đó cụ thể đối với các em là không bị xử phạt, không bị đến lớp chậm giờ.

Không muốn muộn học, hãy đội mũ bảo hiểm! ảnh 2
Học sinh phổ thông là đối tượng chính sử dụng xe đạp điện

Bên cạnh việc đi xe đạp điện đội MBH thì những em nhỏ ngồi sau mô tô, xe gắn máy do phụ huynh chở cũng rất cần được đội MBH, nhưng tỷ lệ thống kê cho thấy tại Hà Nội mới chỉ có khoảng 8% trẻ em được đội MBH khi lưu thông trên đường. Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ này và trong thời gian tới lực lượng CSGT sẽ có những biện pháp gì để có thể làm tăng tỷ lệ đội MBH cho trẻ em?

- Tỷ lệ này do Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đưa ra gần đây. Đó là thực tế và là một con số rất đáng lo ngại. Về giải quyết vấn đề này, nếu lực lượng CSGT chỉ áp dụng các biện pháp mạnh để xử phạt hành chính thì hiệu quả không cao. Muốn đạt hiệu quả cao nhất, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cần thiết phải đội MBH khi lưu thông. Nhà trường, mỗi gia đình và bản thân mỗi học sinh dù ở lứa tuổi nào cũng phải nhận thức được điều đó thì mới hiệu quả. 

Về phía lực lượng CSGT, bên cạnh việc thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, vẫn cần thiết phải đẩy mạnh xử lý theo quy định để làm biện pháp răn đe người vi phạm. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành trong công tác tuyên truyền vận động, để làm sao tỷ lệ thương vong do không đội MBH cho trẻ sẽ giảm đi ở mức thấp nhất. 

Xin cảm ơn ông! 

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2013, đã xảy ra 109 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 119 người chết, 37 người bị thương; trong đó TNGT liên quan đến MBH là 28 vụ, làm 28 người chết, 2 người bị thương. Trong số người chết và bị thương, có những vụ xảy ra rất thương tâm, nạn nhân là các em nhỏ được bố mẹ, anh chị, ông bà bế ẵm hay ngồi trên các loại phương tiện như xe đạp máy, xe đạp điện, mô tô, xe gắn máy nhưng không có các biện pháp phòng ngừa.

Khánh Sơn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.