Không "may mắn" như sản phẩm của Việt Á, kit Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đã bị "bỏ quên"

GD&TĐ - Kit test nhanh Covid-19 đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất là sản phẩm của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2 tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2 tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Trong lúc kit của Công ty Việt Á chiếm lĩnh thị trường thì “nhà khoa học không thể kinh doanh” nên sản phẩm này bị “bỏ quên”.

Rầm rộ ra mắt rồi… quên

Ngày 3/3/2020, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu thành tựu chế tạo thành công bộ kit phát hiện SARS-CoV-2. Ở thời điểm này, đây là bộ kit đầu tiên được nghiên cứu thành công trong nước. Theo đó, nhóm nghiên cứu là PGS.TS Đồng Văn Quyền và PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bộ kit được phát triển dựa trên công nghệ realtime RT-PCR - công nghệ “vàng” được WHO khuyến khích trong chế tạo kit thử - và trên cơ sở các bộ mồi và mẫu dò được thiết kế và chỉnh lý dựa trên các gene, vùng gene quan trọng của SARS-CoV-2 được phân lập tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu đã giải trình.

Vật liệu được sử dụng để phát hiện bộ kit chẩn đoán là mẫu RNA đã được tác chiết từ SARS-CoV-2 gây cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp. Các gene cũng như các vùng gene được nhân dòng từ RNA của SARS-CoV-2 để làm mẫu cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Viện Y học dự phòng quân đội cung cấp. Việc Việt Nam chế tạo thành công bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ kit realtime RT-PCR của WHO được các chuyên gia đánh giá là có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp Việt Nam có thể chủ động trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh.

Theo đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thời gian tới viện sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng nhiều phục vụ xét nghiệm quy mô lớn. Kết quả nghiên cứu của đề tài khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo bộ kit realtime RT-PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

PGS.TS Đinh Duy Kháng – Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin về bộ test kit do đơn vị nghiên cứu và phát triển.

PGS.TS Đinh Duy Kháng – Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin về bộ test kit do đơn vị nghiên cứu và phát triển.

Ngay sau đó, ngày 5/3/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức họp báo giới thiệu kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) realtime RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới (nCoV).

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định phê duyệt 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm realtime RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Bộ kit được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kit được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tại Labo chuẩn thức của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và Học viện Quân y. Kết quả cho thấy, các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất.

Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Sau họp báo, bộ kit của Việt Á được sử dụng, có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành. Trong khi cùng là loại kit đó, sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gần như không được nhắc đến.

Nhà khoa học không phải người đi buôn

PGS.TS Đinh Duy Kháng, đồng tác giả nghiên cứu kit xét nghiệm nhanh Covid-19 của Viện Công nghệ Sinh học cho biết, sản phẩm này được nghiên cứu gấp rút. Chỉ trong khoảng hơn một tháng, sản phẩm đã được hoàn thiện.

Bộ kit này được phối hợp với Viện Y học Dự phòng Quân đội để thử nghiệm sản xuất. So sánh với các bộ kit nhập khẩu thời điểm đó, chất lượng là tương đương, có những điểm còn vượt trội.

“Sau khi công bố, cũng có một số đơn vị đặt vấn đề sản xuất, thương mại nhưng tôi cũng không hiểu còn “vướng” điều gì mà đến nay sản phẩm vẫn chưa được thương mại hóa”, ông Kháng nói.

Một trong những lý do sản phẩm không được thương mại hóa theo ông Kháng, ở thời điểm đó, sản phẩm kit thử của Công ty Việt Á đã chiếm lĩnh trọn thị trường. Kit test của Việt Á là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước, còn sản phẩm của nhóm TS Đinh Duy Kháng chỉ là đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa họ Công nghệ Việt Nam.

Công ty Việt Á đã kết hợp với Học viện Quân y ngay từ khi làm đề tài rồi tiếp nhận và đưa vào ứng dụng. Các yếu tố để ứng dụng đã chuẩn bị sẵn sàng. Còn Bộ Y tế thì thấy rằng trong lúc cần kíp như vậy, việc tạo điều kiện cho sản phẩm từ đề tài khoa học cấp Nhà nước vào ứng dụng triển khai cũng là điều hợp lý.

Kit test của Việt Á là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, phải tuân thủ các bước rất chặt chẽ. Hội đồng khoa học nghiệm thu cũng đánh giá cao, trải qua đúng các bước nghiêm ngặt. Vấn đề ở đây là sai phạm trong quá trình sản xuất, nâng giá bán, tham nhũng, đưa vào triển khai không đúng luật… chứ không phải là chất lượng.

TS Kháng cho biết, về giá của test kit cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau. Đối với nhà khoa học, nếu chỉ tính các chi phí đầu vào, mua vật tư, trả công lao động… cộng rồi chia đều, thì sản phẩm có giá khá rẻ. Sản phẩm kit của nhóm nghiên cứu chỉ có giá hơn 100 nghìn đồng. Nhưng với doanh nghiệp, họ phải tính toán các chi phí khác như thuế má, lương nhân công, nhà xưởng, thương mại hóa… nên giá thành có thể khác.

Về sản xuất bộ test kit này, có một số thành phần Việt Nam buộc phải nhập khẩu thuộc về lĩnh vực hóa học công nghệ cao. Bộ kit gồm có các enzim, các  thành phần tham gia vào phản ứng như DNTP, chất mồi, probe… Việt Nam chỉ làm chủ được một số nguyên liệu. Khi đã hoàn thiện quy trình, thiết kế mồi, thiết kế probe xong thì mua các nguyên liệu khác để sản xuất thì cũng khá nhanh. Quan trọng nhất phải tối ưu hóa để đảm bảo độ chính xác, không có dương tính giả và âm tính giả.

Điểm yếu của nhà khoa học khi nghiên cứu xong là không có kỹ năng quảng cáo hay tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp có thành công hay không là do chất lượng sản phẩm và tiếp thị, quảng cáo.

“Chúng tôi không phải là doanh nghiệp, chúng tôi chỉ biết làm khoa học. Chúng tôi làm ra sản phẩm, doanh nghiệp tiếp nhận quy trình rồi sản xuất và điều hành ra sao, đưa ra thị trường thế nào, mẫu mã, quảng cáo… Nhà khoa học chỉ biết làm khoa học, không phải là người đi buôn”, ông Kháng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ