Bộ Y tế cảnh báo về bộ kit test nhanh Covid-19 trên mạng

GD&TĐ - Lợi dụng tình hình dịch phức tạp, cùng nhu cầu của người dân, hàng loạt sản phẩm test nhanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ được chào bán tràn lan trên mạng.

Test nhanh Covid-19 bị lực lượng QLTT phát hiện không thuộc danh mục của Bộ Y tế.
Test nhanh Covid-19 bị lực lượng QLTT phát hiện không thuộc danh mục của Bộ Y tế.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, Bộ Y tế vừa đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng.

Test nhanh bán như rau

Trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo đã và đang bày bán tràn lan các bộ kít xét nghiệm Covid-19. Chỉ cần gõ cụm từ “bán kít xét nghiệm Covid-19” sẽ dễ dàng tìm thấy hàng ngàn kết quả.

Mức giá được rao bán rất đa dạng. Mức bán bình quân hiện dao động từ 250.000 - 750.000 đồng với các nguồn hàng được quảng cáo từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức….

Vào vai người có nhu cầu, chúng tôi liên hệ một hot Titoker để hỏi mua 2 bộ kit test nhanh Covid-19. Người bán chào giá 600.000 đồng/2 bộ cộng 120.000 tiền ship với lời khẳng định: Hàng chất lượng, độ chính xác đạt tới 95%.

Theo hướng dẫn của người bán, người mua chỉ cần lấy mẫu bằng cách dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính.

“Việc thanh toán anh có thể thanh toán cho em qua TK ngân hàng, ví Momo hoặc ứng dụng chuyển tiền của Viettel. Hóa đơn bán hàng em không có, nhưng em đảm bảo hàng chuẩn. Còn nếu anh sợ mất tiền thì thanh toán bằng tiền mặt, phí ship anh chịu” - chủ kênh bán cho biết.

Là người đã mua và dùng, anh Nguyễn Thanh Long, nhà tại TP Thủ Đức cho biết: Việc thực hiện tự xét nghiệm khá đơn giản, trả kết quả cũng rất nhanh nhưng việc test nhanh này chỉ là để cho bản thân bớt lo lắng và bất an trong bối cảnh xung quanh mình có nhiều ca nhiễm.

Còn việc biết mình âm tính không giúp gì được khi đi ra ngoài khi không có giấy chứng minh xét nghiệm âm tính của cơ sở y tế. “Mặt khác, các chốt kiểm soát cũng không cho mình qua” - anh Long nói.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua phản ánh của người dân, công tác kiểm tra đã được đẩy mạnh, đơn vị đã phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh Covid-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và phần lớn được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM cho biết, thời gian qua đã tập trung lực lượng kiểm tra, rà soát các thông tin mua bán sản phẩm phục vụ test nhanh Covid-19.

“Hiện, các mặt hàng trên vẫn được các đối tượng âm thầm rao bán trên các trang mạng, diễn đàn kín. Chất lượng các sản phẩm này thế nào thì chưa thể khẳng định. Nhưng Chi cục QLTT TP khuyến nghị người dân cần hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này trên mạng để tránh những rủi ro”- ông Đạt chia sẻ.

Cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang

Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân không nên tự ý mua về kiểm tra cho mình. Test nhanh thuộc trang thiết bị vật tư y tế. Vì vậy cần phải được Bộ Y tế công nhận.

Nếu các bộ test nhanh được các trang mạng chào bán không có tên trong danh mục mà Bộ Y tế thì đương nhiên không hợp pháp. Hiện nay, TP đã tập huấn thực hiện test nhanh Covid-19 cho các khu chế xuất – khu công nghiệp, khu Công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn nhưng chưa có hướng dẫn cho người dân tự thực hiện.

“Quy trình lấy mẫu cũng như kỹ thuật thực hiện test nhanh gồm cách lấy mẫu tỵ hầu, đọc kết quả test nhanh không quá khó. Tuy nhiên, mỗi test nhanh có giá trị tiên đoán, độ nhạy, độ đặc hiệu khác nhau. Những loại test nhanh các cơ sở y tế của TP đang sử dụng đều được Bộ Y tế thẩm định. Còn các loại bán trên mạng thì chưa thể khẳng định độ chính xác.

Hiện, TP đã triển khai xét nghiệm SASR-COV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR và test nhanh ở nhiều cơ sở y tế. Vì vậy, khi có nhu cầu, người dân có thể đến các cơ sở y tế để được cung cấp dịch vụ xét nghiệm tầm soát Covid-19. Mức giá cho 2 phương pháp này là 238.000 đồng/mẫu test nhanh và 734.000 đồng/mẫu đơn đối với xét nghiệm RT-PCR” - ông Nam cho biết.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng phải được Bộ Y tế cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT.

Các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

“Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường nhằm tránh mất tiền oan”- ông Thuấn nói.

Theo các chuyên gia y tế, việc mua các bộ kit tets nhanh khiến cho công tác phòng chống dịch bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan của chính người dân. Để hạn chế tối đa nguy cơ này, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó có việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng. Không mua các sản phẩm thiếu nguồn gốc, xuất xứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.