Không được xuyên tạc lịch sử!

GD&TĐ - Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử hôm 3/10 đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ phim 'Ba chị em' khỏi kho ứng dụng của Việt Nam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Netflix - loại hình dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ - vừa trình chiếu bộ phim “Little women” (tựa đề tiếng Việt là “Ba chị em”), trong đó có những đoạn xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Cụ thể, phim ca ngợi người lính Đại Hàn thời Tổng thống Park Chung Hee cho quân sang xâm lược Việt Nam với tư cách là “đồng minh Hoa Kỳ”.

Phim cũng có chi tiết đề cập đến một vị tướng của Đại Hàn thời họ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam những năm 1965 - 1972, xem ông ta như một anh hùng mà thế hệ trẻ hôm nay cần phải ngợi ca! “Một lính Đại Hàn có thể giết chết 20, thậm chí 100 lính Việt Cộng” - lời thoại trong phim có chỗ khoe khoang về sức mạnh của đội quân Park Chung Hee như vậy.

Ngay khi phát hiện bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử như thế, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử hôm 3/10 đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ phim “Ba chị em” nói trên khỏi kho ứng dụng của Việt Nam.

Trước khi nhắc lại câu chuyện cũ không lấy gì vui giữa hai dân tộc Việt - Hàn ngày ấy, xin được nói rõ là, chưa bao giờ mà mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc nồng ấm như thời gian hiện tại.

Họ là một trong số ít những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam và là một trong những đối tác toàn diện đáng tin cậy vào bậc nhất hiện nay. Tuy nhiên, mọi sự tốt đẹp ấy chỉ có thể được đặt trên cơ sở tôn trọng những giá trị văn hóa và lịch sử của nhau.

Đặc biệt, những gì thuộc về sự thật lịch sử thì không được phép bóp méo dưới bất cứ hình thức nào để tránh cho thế hệ hôm nay và mai sau phạm những sai lầm mà cha anh họ đã từng mắc phải.

Vậy sự thật về việc lính Đại Hàn tham chiến tại Việt Nam là gì? Cần đi ngược dòng thời gian để hiểu ngọn nguồn câu chuyện. Năm 1965, Mỹ đã đưa nửa triệu quân sang Việt Nam để tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, mở rộng không gian đánh phá miền Bắc.

Để tạo sự “chính danh” cho việc can thiệp của mình là giúp đồng minh Việt Nam Cộng hòa chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ đã “mời chào” hàng loạt các nước khác cùng tham chiến, trong đó có Đại Hàn thời Tổng thống Park Chung Hee.

Trong suốt 7 năm (1965 - 1972), 300 nghìn quân Đại Hàn có mặt tại Việt Nam, họ đã gây không biết bao nhiêu chết chóc đau thương cho người dân miền Nam Việt Nam. Ba tỉnh miền Trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định là những địa phương xảy ra nhiều vụ thảm sát nhất do lính Nam Triều Tiên gây nên.

Đến mức, thời đó, mỗi khi ra trận, các chiến sĩ quân giải phóng phải ghi vào vai áo của mình như một sự nhắc nhở về lòng căm thù: “Tan xác Rồng Xanh, phanh thây Mãnh Hổ”. Rồng Xanh và Mãnh Hổ là hai sư đoàn “khét tiếng” của Nam Triều Tiên và quân đội Mỹ đóng quân trên địa bàn Quảng Ngãi thời ấy.

Sau khi lính Nam Triều Tiên rút về nước, ân hận cho những việc làm phi nghĩa của mình, nhiều người lính từng tham chiến ở Việt Nam đã thức tỉnh. Một phong trào kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cần phải có lời xin lỗi chính thức nhân dân Việt Nam.

Tiến sĩ sử học, cũng là nữ nhà báo nổi tiếng - chị Ku Su Jeong đã cùng với các cộng sự của mình phát động phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, từng gây tiếng vang tại Hàn Quốc đầu những năm 2000 sau những chuyến điền dã công phu về các tỉnh miền Trung để điều tra tội ác chiến tranh mà lính Đại Hàn từng can dự.

Chúng ta luôn mong muốn khép lại quá khứ, và sự thật là quá khứ đau buồn giữa hai đất nước ấy đã được khép lại và lật sang trang mới. Vì vậy, mọi sự xới lên những tàn tro đau thương trong quá khứ vào lúc này đều gây tổn thương cho những điều tốt đẹp mà hai nước dày công vun xới mấy chục năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ