Không được ép HSSV đóng học phí 1 lần cho cả học kỳ hoặc năm học

Không được ép HSSV đóng học phí 1 lần cho cả học kỳ hoặc năm học

(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập về việc giãn thời gian điều chỉnh học phí năm học 2013 - 2014.

Sinh viên đại học Tôn Đức Thắng đi nộp học phí. (Ảnh minh họa)
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng nộp học phí. (Ảnh minh họa)

Theo đó, đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý. Mức học phí phải phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo. Học phí được thu định kỳ hàng tháng.

Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học (trừ trường hợp người học tự nguyện), nhất là vào đầu năm học mới.

Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Trung ương quản lý cần đăng ký với Bộ chủ quản về lộ trình, mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh học phí.

Trên cơ sở đăng ký của các Bộ chủ quản và các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí đến CPI của cả nước, đồng thời có ý kiến với các Bộ chủ quản và các cơ sở đào tạo để quyết định việc điều chỉnh học phí nhằm đảm bảo không để nhiều tỉnh, thành phố và các cơ sở đào tạo cùng tăng học phí vào một thời điểm, nhất là vào đầu năm học mới 2013-2014.
 
Thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015; từ năm học 2010-2011 đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập đã xây dựng và ban hành mức học phí mới.

Căn cứ vào trần học phí từng năm học, đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên; Giám đốc các đại học, Hiệu trưởng và Thủ trưởng các trường, các cơ sở đào tạo thuộc Trung ương quản lý, quy định học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng, từng trình độ đào tạo. (UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp qui định mức học phí cụ thể cho các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý).

Mức thu học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Học phí (nhất là học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tính chỉ số giá tiêu dùng, nên việc tăng học phí tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, nhất là vào tháng 9 hàng năm, khi các địa phương và các cơ sở đào tạo thực hiện tăng mức học phí khi bước vào năm học mới.

Yêu cầu nói trên của Bộ GD&ĐT nhằm khắc phục tình trạng trên và góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6,0 - 6,5%. 

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ