Không 'đốt cháy giai đoạn' chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một

GD&TĐ - Chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 được thể hiện thông qua việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN). 

Giáo dục truyền thống cho trẻ tại Trường Mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TG
Giáo dục truyền thống cho trẻ tại Trường Mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TG

Tuy nhiên, thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần làm.

Những tồn tại

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp Một là mục tiêu GDMN được quy định trong Luật Giáo dục. Điều này giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi; khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và học tập suốt đời.

Thời gian qua, để hướng dẫn cán bộ quản lý và giáo viên kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một, Bộ GD&ĐT xây dựng tài liệu “Hướng dẫn giáo viên mầm non chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp Một”. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục do không ít giáo viên và đặc biệt là phụ huynh hiểu chưa đúng. Chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp Một không phải là dạy trước cho trẻ biết đọc, viết và biết làm phép toán…

Từ thực tế dạy học tiền lớp Một ở một số cơ sở GDMN, TS Đặng Lộc Thọ, ủy viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cho rằng: Dạy trước chương trình lớp Một đồng nghĩa với việc bắt ép trẻ học trước chương trình dẫn đến tình trạng một số trẻ bị mệt mỏi về thể lực, trí óc.

Điều này không phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, một số trẻ do học trước chương trình nên dễ chủ quan, không tập trung chú ý và chểnh mảng khi vào lớp Một, tạo thói quen xấu trong hoạt động trí tuệ, và có hại cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Trường Mầm non Họa My, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh TG

Trường Mầm non Họa My, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh TG

Đòi hỏi từ giáo viên

Từ thực tế đào tạo giáo viên mầm non, ông Nguyễn Nguyên Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho rằng: Chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng giáo dục, đảm bảo chuẩn bị về mọi phương diện: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và tâm thế sẵn sàng đi học.

Trẻ sẵn sàng thích ứng với cuộc sống và hoạt động học tập ở trường tiểu học. Sự chuẩn bị này là kết quả của toàn bộ quá trình giáo dục, qua hoạt động của trẻ cũng như chăm sóc – giáo dục trẻ, đặc biệt vai trò của giáo viên mầm non có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định - ông Vũ Đức Thọ - chia sẻ: “Chúng tôi khuyến khích các cơ sở GDMN lựa chọn nội dung cũng như tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của từng cá nhân; tạo cơ hội cho trẻ được học bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là thông qua hoạt động chơi. Cũng như vậy, trong quá trình nuôi dưỡng trẻ, giáo viên chủ động khơi gợi hứng thú, nhận thức và phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của trẻ, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá, sáng tạo và tương tác với bạn bè, cô giáo”.

Trẻ có thể hòa nhập vào môi trường học tập ở tiểu học phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm bản thân trẻ, nhà trường, giáo viên, người thân trong gia đình và cộng đồng nơi trẻ sinh sống. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhấn mạnh: Giáo viên cần có năng lực sư phạm, hiểu tâm sinh lý học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1; thiết kế và xây dựng bài giảng, cách giảng phù hợp, giúp thu hút trẻ, giảm thiểu những hành vi mất tập trung, nói chuyện riêng trong giờ học. Các chương trình đào tạo giáo viên mầm non cần đặc biệt chú trọng các nội dung này.

Chương trình đào tạo phù hợp

Chỉ ra ý nghĩa quan trọng của việc liên thông giữa mầm non và tiểu học, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho hay: Vấn đề liên thông giữa mầm non và tiểu học trong việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào học lớp 1 bao gồm công tác quản lý chỉ đạo, đào tạo bồi dưỡng và lựa chọn phương pháp, hình thức, xây dựng môi trường và tổ chức thực hiện.

Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương đã thực hiện một số giải pháp. Tuy nhiên, việc phối hợp, thống nhất liên thông/chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học còn hạn chế; sự trao đổi, chia sẻ giữa cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong các bước chuyển tiếp chưa được quan tâm thỏa đáng.

TS Lê Ngọc Tường Khanh – Trường Đại học Sư phạm TPHCM - nêu quan điểm: Quá trình xây dựng chương trình đào tạo cần chú ý xác định chuẩn đầu ra sinh viên ngành GDMN cần đạt, trong đó bao hàm nội dung thực hiện tổ chức hoạt động giáo dục đảm bảo tính liên thông giữa GDMN và giáo dục tiểu học hỗ trợ trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1. Chuẩn đầu ra về kiến thức tổng quát có thể là “áp dụng kiến thức khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật để đáp ứng các nhiệm vụ của GDMN”. Chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn có thể là “áp dụng kiến thức liên ngành và chuyên ngành để đáp ứng các nhiệm vụ của GDMN”.

“Thiết kế chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra đã được xác định. Để người học đạt chuẩn đầu ra, điều quan trọng là phải rõ ma trận môn học. Có như vậy mới đảm bảo tính liên thông, hỗ trợ trẻ em sẵn sàng vào lớp Một. Trong phiếu khảo sát Thông tin phản hồi từ nhà tuyển dụng, lưu ý khảo sát nội dung là mức độ sinh viên thực hiện được yêu cầu về việc tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo tính liên thông để kịp thời nắm bắt mức độ thực hành của giáo sinh khi ra trường để kịp thời điều chỉnh nếu chưa đáp ứng hoặc cải tiến các nội dung để đạt hiệu quả cao hơn” - TS Lê Ngọc Tường Khanh nhấn mạnh.

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo việc chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 và liên thông mầm non - tiểu học: Tổ chức sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Chương trình GDMN nhằm hướng đến thực tiễn phát triển GDMN, nhu cầu của trẻ em, đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục (Bộ đang tổ chức xây dựng dự thảo Chương trình GDMN mới). Chuẩn bị cho trẻ em mầm non vào lớp 1 là nhiệm vụ trọng tâm năm học, hàng năm đưa vào Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm của cấp học GDMN và trong chỉ đạo, triển khai Chương trình GDMN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.